Mảnh đất có nhiều người mù

Bài 1: Những mảnh đời cơ cực
Mảnh đất có nhiều người mù

Bài 1: Những mảnh đời cơ cực

Xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) tựa lưng vào những động cát của biển bãi ngang, mặt hướng ra quốc lộ 1A. Vùng đất nghèo khó, người dân quanh năm cần cù, lam lũ... Nhưng sự nghiệt ngã không dừng ở đó, bên cạnh gánh nặng mưu sinh, người dân nơi đây còn đối mặt với một tai họa là căn bệnh mù lòa. Theo thống kê chưa đầy đủ, xã Quảng Xuân đã có đến 140 người bị mù và mờ.

Những gia đình mù

Mảnh đất có nhiều người mù ảnh 1
Anh Bế chuẩn bị vật liệu chuẩn bị xây nhà mới

Ông Dương Kim Trọng, Chủ tịch Hội Người mù xã Quảng Xuân nói như mếu: “Buồn lắm chú à! Người ta làm chủ tịch hội này hội nọ thì mong phát triển nhiều hội viên, còn tui thì mong người mù, người mờ trong xã ít đi. Thế nhưng thống kê sơ sơ mà đã lên đến 140 người. Có nhà như ông Dương Lư và em ruột là Dương Loai, cộng lại đã là 8 người bị mù rồi”.

Ở làng Xuân Hòa, anh mù Nguyễn Văn Mỵ đang vận vào nỗi buồn đằng đẵng khi ba đứa con gái của anh bình thường bỗng dưng bị điếc, miệng nói chẳng tròn tiếng, mắt mờ dần. Đứa con gái lớn lại bị ai đó làm cho có mang, rồi sinh ra đứa cháu gái bụ bẫm, nhưng lúc này đã 3 tuổi, cháu lại chẳng thấy gì vào ban đêm, ở bên ngọn đèn điện cháu cũng chẳng thấy, còn buổi ngày, đứa bé cứ nhìn là mờ mắt.

Ông Dương Lư ở làng Thanh Bình. Làng nép mình dưới những hàng cây trâm bầu bên động cát bay, dân làng mấy chục năm qua ai cũng thấy cái tận khổ của cha con nhà ông Lư. Ông và vợ, bà Võ Thị Biển, sinh hạ được người con trai mạnh khỏe, anh đi bộ đội rồi hy sinh ở chiến trường miền Nam. Thương con, bà Biển khóc nhiều ngày nhiều tháng rồi mù hẳn.

Đến lúc sinh hạ thêm 3 người con gái Vắn, Vó, Vẩy thì cả ba đều bị mù bẩm sinh. Khi đứa chập chững biết đi, đứa biết nói, đứa biết cai sữa thì bà Biển qua đời, để lại cho người cha Dương Lư công việc nuôi con. Bây giờ o Vắn đã 52 tuổi, o Vó 50 tuổi, o Vẩy 46 tuổi, còn ông Dương Lư đã 92 tuổi, người cha già ấy cũng đã mù lòa do tuổi cao sức yếu.

Ngày chúng tôi đến thăm nhà ba chị em Vắn, Vó, Vẩy, họ đang lum khum nấu bữa cơm chiều, người cha Dương Lư nghễnh ngãng, chẳng nói được gì, mắt chẳng thấy được khách, chỉ có con chó nhỏ biết khách lạ, sủa lên mấy cái cho ba chị em o Vắn biết. Họ ngồi trong bếp, người nấu cơm, kẻ lần từng lá rau lang dưới nền đất cáu bẩn để nấu canh. Cơm, họ đun bằng lá dương khô vơ từ trên động cát ven làng, nồi cơm sôi chưa cạn nước phải mở vung, vì là người mù nên bao nhiêu tro tàn cứ bay hết vào nồi cơm trắng. Họ chẳng biết. Cứ đun, cứ ăn cơm độn tro.

Bữa cơm của họ thật đạm bạc, chẳng có cá thịt, chỉ ít canh rau lang, bát nước mắm, lúc nào hết nước mắm họ lại ăn muối sống. Trước đây khi ông Dương Lư còn khỏe khoắn, ông còn cùng người làng sáng ra biển, chiều về có mớ cá nuôi con, bây giờ sức yếu, mắt mù, ông lại phải ngồi đó để ba chị em o Vắn phụng dưỡng.

Thương cha con ông Lư quá khổ, địa phương xây tặng căn nhà tình nghĩa, ngày khánh thành nhà, ba chị em o Vắn lần từng đường vữa mà ngửi mùi thơm của nhà mới. Ngày có nhà tươm tất, cả làng Thanh Bình đến chia vui, người cho lon gạo, kẻ nhét vội vào tay mấy người con gái mù dăm ba ngàn đồng.

Tôi nói cả làng đúng nghĩa đen của nó, vì cái làng Thanh Bình này hầu như con trẻ nhà ai lớn lên cũng qua tay ba chị em mù o Vắn bồng bế, họ bế con cho người làng chẳng lấy tiền nên khi có được nhà mới, cả làng đến chia vui, cả làng tới nhà dựng rạp, cả làng tới mua hàng quà nấu bữa cỗ cho cha con ông Dương Lư và mọi người cùng ăn.

Cảnh khổ mù lòa không chỉ rơi vào nhà ông Dương Lư mà người em ruột của ông là Dương Loai cũng vậy. Ông Loai có hai người con và một đứa cháu bị mù đến tội.

Những cái chết đau lòng

Nhiều người làng Thanh Bình vẫn chưa quên cái chết tội nghiệp của chàng trai mù tên Nhường. Bị mù từ nhỏ, lớn lên làm gì cũng hỏng việc. Cuộc sống trôi qua trong tối tăm, đến bữa lại phải có người đưa cơm đến miệng mới ăn được. Khi tròn 31 tuổi, Nhường buồn rầu vì phải bám vào cả nhà để sống, quẫn trí, Nhường thắt cổ tự tử.

Nhà của Nhường còn có người chị gái bị mù tên là Xấu, người con gái tên Xấu đó suốt ngày ở nhà, cũng làm lụng được việc vặt, cả nhà đi biển hoặc làm đồng chị cũng lum xum lo được nồi cám lợn, nhặt được mớ rau cho người nhà về nấu bữa.

Một lần trong lúc cả nhà đi vắng, o Xấu bị người đàn ông chẳng rõ danh tính xông vào hãm hiếp. Cái ngày định mệnh đó để lại cho o Xấu giọt máu trong người ngày một lớn, rồi sinh hạ một đứa con. Cả làng họ cứ nghĩ, trời đất chẳng hành thêm o Xấu làm chi nữa, rồi o sẽ sinh hạ được đứa con mắt sáng để làm điểm tựa về già. Nhưng số phận quá hẩm hiu, o Xấu lại sinh ra đứa con mù.

Buồn lòng, o Xấu khóc nức suốt ngày, càng khóc thì dòng sữa của người mẹ càng cạn đi và mất hút trong khổ đau. Đứa con khát sữa, khóc ré cả xóm. Những người mẹ có con sơ sinh ở làng, thương hai mẹ con côi cút, đã cho đứa bé bú nhờ. Cả một tháng trời bú nhờ, đứa bé bụ bẫm lên. Nhưng đến tháng sau, vào một ngày đông giá lạnh, khi những người phụ nữ bồng con qua nhà o Xấu cho đứa con của o bú nhờ thì phát hiện hai mẹ con đã ngừng thở. Hai mẹ con chết mà cả làng chẳng biết nguyên nhân.

Trong danh sách thống kê của Hội Người mù xã Quảng Xuân, làng Thanh Bình dẫn đầu với 52 trường hợp, làng Xuân Kiều 34, làng Xuân Hòa 28, làng Thanh Lương 27, ngoài ra còn có 9 người khác bị mù mờ chưa vào hội. Ông Trọng nói trong tiếng thở dài: “Đó là chưa kể cả chục người mù đã chết”. Ám ảnh!

Chuyện có nhiều người dân của xã Quảng Xuân bị mù bẩm sinh hoặc đột nhiên bị mù đã xảy ra từ hơn nửa thế kỷ qua. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa có cơ quan chức năng hoặc tổ chức khoa học nào nghiên cứu để xác định nguyên nhân của hiện tượng này và tìm biện pháp khắc phục. Chẳng lẽ cuộc sống của những người dân nơi vùng biển bãi ngang nghèo khó cứ phải chồng chất thêm khó khăn bởi căn bệnh hiểm nghèo này?.

Đình Tứ (SGGP 12G)

Bài 2: Điểm sáng trong đêm đen

Ở Quảng Xuân, những người mù không phải ai cũng bế tắc. Họ có cuộc sống rất riêng, có cách làm ăn rất riêng, có nụ cười rất riêng. Trên những triền cát vắt vẻo trước chân sóng, trong từng làng quê ở Thanh Bình, Thanh Lương, Xuân Kiều, Xuân Hòa, người mù vẫn cố vươn lên từng ngày. Có người là trụ cột cho cả nhà, có người làm nên cả cơ nghiệp rạng rỡ trong góc nhỏ thôn quê.

  • Cơ nghiệp anh Bế mù
Mảnh đất có nhiều người mù ảnh 2
Tuy bị mù nhưng ông Hận là trụ cột của nhà 6 miệng ăn

Cả làng Thanh Lương đến hôm nay vẫn khó tin khi anh mù Nguyễn Văn Bế, 45 tuổi, có một gia sản đáng để người sáng mắt khâm phục. Thuở nhỏ, Bế sinh ra đã bị mù, nhà nghèo, bố mẹ chẳng có điều kiện chữa bệnh nên Bế chỉ biết ngồi một chỗ trong cảnh mù lòa.

Tuổi thơ lớn lên trong không khí buồn, chẳng làm tốt việc gì, đi đâu trong căn nhà úp trên cát Bế cũng làm đổ chai lọ, mắm ruốc, mẹ Bế nhiều lúc thương con nhưng cũng bực lên mà thốt: “Mi rứa thì sau ni ba mạ chết, chỉ bốc cát mà ăn”. Nghe mà tủi, Bế quyết làm một việc gì đó, lúc đầu anh đi vót tăm tre, sau đó lên rừng dương sau làng vơ lá dương khô về cho bố mẹ nấu nướng.

Công việc đó với người thường là chuyện chẳng cần bàn, nhưng với Bế, từ nhà lên động cát phải vượt quốc lộ 1A với vô số xe cộ, lúc đầu đám con nít đồng lứa trong làng còn dẫn qua đường, sau chúng cũng lớn lên rồi tỏa đi làm ăn khắp chốn, anh Bế lại phải lần mò một mình. Sau anh nghĩ, nhà có con bò thường hay qua đồng bên ăn cỏ, nó vượt con lộ 1A được thì mình theo nó. Nghĩ vậy, cứ mỗi sáng, Bế cầm tay vào đuôi bò, cho nó dẫn qua đường 1A.

Làm được việc như thế, Bế nghĩ, đàn ông phải làm việc lớn, muốn vậy cần có vợ. Đêm đêm, đám trai tráng trong làng đi chơi nhà bạn gái, Bế cũng lần mò đi theo, nhiều đêm bị xa lánh, Bế cũng đi, đến nhà các thôn nữ trong làng chơi, hỏi han chuyện nhà cửa.

Nhiều lúc trai làng tụm năm tụm ba uống rượu, Bế chẳng tham gia, người làng khen Bế hiền nên một o thôn nữ trong làng thuộc hàng đẹp nhất nhì xóm đã để mắt, rồi thương yêu anh mù Bế. Họ hứa hẹn, chấp nhận rồi đám cưới vào năm 1993.

Cưới nhau hôm trước, hôm sau Bế dắt vợ lên doi cát cuối làng, xin địa phương cho khai hoang 3ha đất cát phủ đầy cỏ gianh. Hai vợ chồng dựng túp lều cỏ, mua mấy cái liềm, sắm vài con dao, cây rựa, cái xẻng và cuốc để bắt đầu xây dựng cuộc sống. Bế mù, chẳng làm được nhiều việc nhưng cũng cật lực nhổ cỏ, cật lực vun vén từng mét đất vỡ hoang.

Cần cù lam lũ từng ngày, rồi họ thay cái lều cỏ bằng căn nhà xây, cái mảnh đất hoang cả làng chẳng ai thích nay đã lên màu xanh mướt đủ thứ cây và rau cho thu nhập khá. Làm được vườn, Bế lại khơi cát ra làm tiếp mấy sào ruộng để cơm gạo không phải đi mua. “Thắng” được ruộng lúa, vợ chồng Bế bàn chuyện chăn nuôi. Nhất trí! Họ nuôi hơn chục con heo, 15 con bò. Bây giờ, cái vốn liếng đó mỗi năm đưa lại thu nhập cho vợ chồng Bế hàng chục triệu đồng. Cuộc sống đã khá giả.

Ngày chúng tôi đến thăm, Bế khoe: “Nhà tui chuẩn bị thay cái nhà ngói ni bằng cái nhà mái bằng, đất đá chuẩn bị đầy đủ rồi. Chờ tới ngày tốt là dựng thêm cơ nghiệp cho con cái có cái nhà rộng mà ở, mà học”.

  • Người anh hùng miền cát

Nhà anh Nguyễn Văn Mỵ có 5 người bị mù mờ, cuộc sống chạy ăn từng bữa nhưng anh vẫn quan tâm đến cộng đồng người đi biển. Anh tự sắm cho mình cái máy Incom, rồi chủ động liên lạc với các tàu của xã ra khơi, báo trước cho các thuyền đánh bắt trên biển những lúc có mưa bão. Người làng Xuân Hòa nói anh Mỵ đã cứu rất nhiều người dân làng chài khỏi những lúc giông tố trong hơn mười năm qua. Chính vì thành tích đó mà anh được Chủ tịch nước gửi thư khen. Cả làng Xuân Hòa xem Mỵ như người anh hùng.

Cuộc sống nhà anh Mỵ nghèo lắm, chẳng có ruộng vườn, cả nhà chen chúc trong mấy mét vuông đất, vợ anh, chị Nguyễn Thị Hoa - và mấy đứa con nhỏ suốt ngày ra bến bãi ngang hoặc đi bộ cả chục cây số ra vùng Roòn xin cá về bán lại, kiếm chút tiền mua gạo.

Công việc xin cá của vợ anh Mỵ mỗi ngày kiếm được 20.000đ, ngày nào cá nhiều, ngư dân thương tình có anh Mỵ cứu giúp họ qua các cơn giông tố liền cho nhiều cá cũng bán được dăm 50.000đ - 60.000đ. Những ngày biển động, nhà hết gạo, vợ anh lại đi khắp làng Xuân Hòa xin mỗi nhà một nắm gạo về nấu cơm. Cuộc sống luôn thường trực túng bấn như thế nhưng anh Mỵ vẫn túc trực bến chiếc máy Incom để cứu người đi biển.

 Kết thúc bài viết này, chúng tôi xin chuyển tải ước muốn của người dân Quảng Xuân đến các cơ quan chức năng và những nhà khoa học: sớm nghiên cứu tìm ra nguyên nhân của căn bệnh mù hiểm nghèo đã hành hạ người dân từ hơn nửa thế kỷ qua.

Cạnh nhà anh Mỵ là ông Lê Hận cũng mù bẩm sinh, nhưng ông là người đàn ông trụ cột nuôi sống gia đình có 6 miệng ăn.

Tuy bị mù nhưng ông Hận lại có tài đi biển từ 40 năm nay. Ông tài đến nỗi, thuyền nào trong làng Xuân Hòa cũng muốn có ông Hận đi cùng, do lẽ, có những vùng biển ông Hận đặt bàn tay xuống nước là biết có nhiều ruốc biển, có nơi ông lặn xuống vài sải tay đã xác định được luồng cá, cứ thế anh em bạn chài thả lưới là đầy thuyền.

Ông còn có biệt tài đan lưới, công việc tưởng chỉ dành cho người sáng mắt thì người mù như ông lại đan thoăn thoắt, từng mũi gút, mũi nối, các đoạn cước ông thăn chắc lại đến vững chãi. Nhờ biệt tài đi biển, ông Hận đã “chèo lái” gia đình với cuộc sống ổn định, sắm đủ vật dụng sinh hoạt, xây được căn nhà ngói vững chắc tránh mưa tránh gió.

Cùng gương vượt khó như ông Hận còn có ông Dương Khư ở làng Thanh Bình, 73 tuổi. Người ta nói ông bị mù hẳn lúc lên 10 tuổi, nhưng công việc nghề biển chẳng bỏ mùa nào. Mỗi năm hai bận, làng biển bãi ngang Thanh Bình cứ vào mù ruốc, mùa cá nục thì ông lại theo bạn chài ra khơi tung lưới. Hết làm biển ông lại trở về giúp người em ruột công việc đồng áng.

Tuy bị mù nhưng ông lại có tài gieo sạ đều hơn cả người sáng mắt. Lúa sắp trổ đòng, chỉ cần lấy tay vân vê thân lúa ông đã biết năm đó được mùa hay mất. Cái tài của ông Dương Khư khiến cả xã Quảng Xuân ai cũng khâm phục.

Quảng Xuân, mảnh đất dài trên cát, nơi có nhiều người tối tăm sau ánh mắt mù.

Đình Tứ

Tin cùng chuyên mục