Mở ra nhiều hướng phát triển, ứng dụng
Ký kết này mở ra nhiều hướng phát triển, ứng dụng KH-CN cho TPHCM trong thời gian tới. Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định, bộ sẽ tích cực chủ động tham mưu với Chính phủ tạo môi trường và điều kiện tốt hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST theo đề xuất thực tiễn của TPHCM; sẵn sàng phân cấp, phân quyền khi đáp ứng đủ điều kiện cần có. Từ đó động viên đội ngũ cán bộ KH-CN kiên trì theo đuổi giấc mơ lớn và niềm đam mê khoa học, vượt lên các khó khăn, thách thức để tạo ra nhiều thành quả KH-CN thiết thực, mang lại lợi ích cho đất nước, người dân và xã hội.
Chương trình phối hợp gồm 9 nội dung, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như: áp dụng chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài thông qua ưu đãi về tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức KH-CN công lập; ưu đãi về thù lao thực hiện nhiệm vụ KH-CN; hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động KH-CN tại TPHCM.
Ngoài ra, chương trình tạo điều kiện để áp dụng thí điểm chính sách đặc thù của TPHCM về hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên ngân sách thành phố cho chi phí ươm tạo dự án ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên (thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistics, công nghệ giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững, chuyển đổi số, an ninh mạng…); áp dụng thí điểm chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 5 năm từ thời điểm phát sinh thuế thu nhập phải nộp đối với thu nhập từ hoạt động KH-CN và ĐMST, tổ chức KH-CN, trung tâm ĐMST…
Đủ căn cứ pháp lý thí điểm cơ chế, chính sách
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, thông tin, sở đã làm việc với Bộ KH-CN để hiện thực hóa các nội dung từ hợp tác của Ban cán sự Đảng Bộ KH-CN và Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Qua đó, sở đề xuất tham gia Hội đồng tư vấn trong quá trình triển khai các đề án cũng như tham gia tư vấn, theo dõi, đánh giá hiệu quả triển khai Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về ban hành Quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện được hưởng ưu đãi tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế; tham gia ban chỉ đạo nhằm tư vấn, theo dõi, đánh giá hiệu quả triển khai Nghị quyết số 20-2023-NQ-HĐND của HĐND TPHCM Quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TPHCM..
Mặt khác, Sở KH-CN tham gia Hội đồng tư vấn KH-CN cũng như hỗ trợ đơn vị chủ trì xây dựng đề án nhằm tham mưu UBND TPHCM ban hành Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh…
Bên cạnh đó, Sở KH-CN đề xuất các nội dung hợp tác với Bộ KH-CN gắn liền với thực tiễn phát triển của TPHCM, như phối hợp xây dựng đề án và tham gia tư vấn, theo dõi, đánh giá hiệu quả triển khai việc xây dựng đề án thí điểm cơ chế tài chính hỗ trợ nâng cao tiềm lực KH-CN thành phố; tham gia tư vấn, đánh giá hiệu quả triển khai đề án xây dựng mô hình tổ chức và hoạt động của Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TPHCM theo thông lệ quốc tế…
Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định, TPHCM là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước về phát triển kinh tế, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, KH-CN và ĐMST… “Hơn lúc nào hết, chúng ta có đầy đủ những căn cứ pháp lý thuận lợi để Bộ KH-CN và TPHCM mạnh dạn thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù trong quản lý hoạt động KH-CN và ĐMST, góp phần trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TPHCM nhanh và bền vững nói riêng, vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cả nước nói chung”, Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Xuân Định chia sẻ.
TPHCM áp dụng thí điểm chính sách đặc thù của thành phố về cơ chế tuyển chọn chương trình, dự án KH-CN; cơ chế tài chính các chương trình, dự án KH-CN đối với 3 nhóm lĩnh vực ưu tiên gồm:
- Nhóm một: công nghệ trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu lớn, chuỗi khối, thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt, robotics, công nghệ tự động hóa và in 3D tiên tiến.
- Nhóm hai: công nghệ sinh học, công nghệ lai tạo, sản xuất giống trong nông nghiệp, công nghệ thế hệ mới trong xử lý, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, công nghệ tế bào gốc, công nghệ vi sinh tiên tiến, công nghệ dược, công nghệ sản xuất thiết bị, vật liệu kháng khuẩn, kháng virus sử dụng trong y tế, công nghệ dược phẩm, vật liệu y sinh, bộ phận giả, thiết bị y tế kỹ thuật cao.
- Nhóm ba: công nghệ vật liệu nano, vật liệu cho chế tạo linh kiện vi cơ điện tử và cảm biến thông minh, vật liệu bán dẫn, quang điện tử và quang tử, vật liệu in 3D tiên tiến, vật liệu y sinh học.