Mạnh dạn loại bỏ dự án không khả thi khi triển khai Đề án xây dựng 4.500 phòng học

Sáng 10-4, Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) tiếp tục có buổi làm việc với đại diện các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về triển khai Đề án xây dựng 4.500 phòng học chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Khó đạt mục tiêu đề ra

Mở đầu buổi làm việc, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) Cao Thanh Bình thông tin, Đề án xây dựng 4.500 phòng học nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) khó hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025 có thêm 4.500 phòng học mới đưa vào sử dụng.

z6414512935839_000_aa79ae4e8cd15920894d3660cee0239e.jpg
Ông Cao Thanh Bình đề nghị các địa phương rà soát tiến độ các dự án xây dựng trường học

Tính đến cuối tháng 4-2025 sẽ có gần 900 phòng học đưa vào sử dụng, song chủ yếu là sửa chữa, cải tạo, ít phòng học xây mới.

"Trên cơ sở báo cáo của TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, Ban Văn hóa - Xã hội đã "bóc tách" ra 10/276 dự án còn khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ. Qua đó, các địa phương sẽ rút kinh nghiệm triển khai các dự án còn lại để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội cho biết.

Tại huyện Bình Chánh, danh mục các công trình trường học tham gia Đề án xây dựng 4.500 phòng học gồm 2 dự án xây dựng mới là Trường Mầm non Tân Kiên (xã Tân Kiên) và Trường THCS Tân Quý Tây (xã Tân Quý Tây).

Trong đó, dự án xây dựng mới Trường Mầm non Tân Kiên hiện chưa được chủ đầu tư bàn giao đất do chưa thực hiện xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Anh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh nêu thực tế, xã Tân Kiên có tổng cộng 60.000 dân. Hiện nay trên địa bàn xã mới có một trường mầm non công lập nên cần đưa thêm vào hoạt động một trường mầm non nữa nhằm đáp ứng nhu cầu về chỗ học cho người dân.

z6414512935839_001_127ee075a8624e60c12462aaea5a782c.jpg
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh báo cáo tiến độ thực hiện các dự án xây trường trên địa bàn

Để giải quyết bài toán khó khăn về bàn giao đất, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh kiến nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương bàn giao trước một phần đất để thực hiện dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường.

Tương tự, tại quận 10, theo Phó Trưởng phòng Tài chính kế hoạch (UBND quận 10) Hồ Vũ, dự án xây dựng mới Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh có tổng diện tích xây dựng 1.420m2 trên nền trường học cũ đang hiện hữu.

"Hiện nay, trường đang hoạt động với quy mô 20 phòng học. Mặc dù dự án xây mới trường học đã có chủ trương đầu tư nhưng nếu thực hiện theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT (ngày 26-5-2020) của Bộ GD-ĐT thì sau khi xây mới chỉ còn 6 - 7 phòng học do liên quan các yêu cầu về diện tích bình quân trên số lượng học sinh.

Do đó, dự án buộc phải chậm triển khai do điều chỉnh từ xây mới thành sửa chữa trường học, hiện đã được ghi vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. Dự kiến, trong tháng 4-2025, dự án sẽ được hoàn thiện về pháp lý sau khi thực hiện điều chỉnh và được khởi công vào đầu năm 2026", ông Hồ Vũ cho hay.

Đó cũng là tình trạng chung của nhiều dự án tham gia Đề án xây dựng 4.500 phòng học trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện.

Dự kiến đến cuối năm 2025, toàn thành phố có thêm 2.000 phòng học mới đưa vào sử dụng, trong đó có 1.200 phòng học từ vốn đầu tư công và 800 phòng học từ nguồn xã hội hóa, đạt tỷ lệ chưa đến 50% mục tiêu đề ra.

Tăng cường phối hợp rà soát

Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan dẫn đến việc chậm trễ triển khai các dự án đầu tư xây dựng trường (vướng thủ tục pháp lý, chờ điều chỉnh quy hoạch 1/2.000, tăng tổng mức đầu tư do thời gian thực hiện kéo dài...), Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) Cao Thanh Bình nhận định, sự phối hợp giữa các địa phương và sở, ban, ngành chưa chặt chẽ; còn tình trạng thiếu đeo bám, chưa quy định rõ trách nhiệm từng đơn vị khi thực hiện...

"Tôi đề nghị UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện tăng cường rà soát, phối hợp kịp thời với các sở, ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn khi thực hiện các dự án. Trong đó, những dự án không khả thi thì mạnh dạn đưa ra khỏi đề án, mạnh dạn đề xuất các dự án khác có tính khả thi hơn, quyết tâm thực hiện mục tiêu đã đề ra", ông Cao Thanh Bình đề nghị.

Theo ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM), Đề án xây dựng 4.500 phòng học gồm 3 nhóm dự án có khả năng đẩy nhanh tiến độ thực hiện gồm:

- Nhóm 1 là các dự án có trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2026-2030 của các địa phương, có thuận lợi về thủ tục, hồ sơ, đề nghị được ưu tiên giao vốn (118 dự án).

z6414512935839_004_909559cf97e422e79b9dc6d5ac3675a9.jpg
Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM) Trần Khắc Huy phát biểu tại buổi làm việc

- Nhóm 2 là các dự án đề xuất mới có tính khả thi, có thể đẩy nhanh tiến độ đầu tư trong giai đoạn này (76 dự án).

- Nhóm 3 là các dự án thuận lợi hồ sơ pháp lý và đất đai, nếu địa phương quyết tâm có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện (83 dự án).

"Đối với những dự án đã đủ điều kiện triển khai, tôi đề xuất các địa phương nghiên cứu biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong đó, có thể xây dựng cuốn chiếu, chia khu vực vừa tổ chức dạy học vừa thi công; bố trí học sinh học ca 3, phân chia lại thời khóa biểu hoặc rà soát các mặt bằng lân cận để mượn phòng ốc bố trí chỗ học tạm cho học sinh trong thời gian thi công", ông Trần Khắc Huy nêu ý kiến.

Tin cùng chuyên mục