Tri ân, chăm lo gia đình chính sách
“Ngày 21-7-2017 là lần thứ 2 trong đời tôi được ôm má. Đó là lúc gia đình lên nhận hài cốt má về, chăm lo hương khói sau mấy chục năm thất lạc. Đó cũng là lúc tôi biết mình có người má đã ra đi giữa lửa đạn chiến tranh”, bà Hoàng Thị Thúy (55 tuổi, ấp Tân Trạch, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) - con gái duy nhất của liệt sĩ Hoàng Thị Kim, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, tâm sự đầy xúc động khi chúng tôi đến thăm nhà.
Bà Thúy kể, năm 1967, lúc bà mới 3 tháng tuổi, ba má lên đường tham gia kháng chiến, bà được đem gửi cho một người dì nuôi. Từ ngày đó biền biệt đến tận năm 2017, bà mới nhận lại được cha ruột vẫn còn sống và hài cốt của má đã mất trong chiến tranh.
“Má tôi tên ở nhà là Hoàng Thị Yên, còn lúc đi làm nhiệm vụ là Hoàng Thị Kim. Việc không trùng tên khiến thời gian dài tôi rất khó khăn trong việc làm hồ sơ nhận lại má. May mắn, người chôn cất má năm xưa còn sống, đã giúp gia đình chúng tôi được đón má về. Gia đình không biết má mất ngày nào nên cứ đến cuối tháng 7 là làm giỗ, cầu nguyện cho má”, bà Thúy kể lại.
Bà Thúy là trường hợp con của liệt sĩ thất lạc mấy chục năm qua và sau khi được công nhận mới được hưởng các chính sách chăm lo từ Nhà nước, chính quyền, các đoàn thể. Gia đình khó khăn, bà Thúy học tới lớp 5 phải nghỉ học để làm nông, làm mướn, lớn lên làm nghề phụ hồ. Trước ngày đi nhận hài cốt má, bà vẫn còn tất bật với công việc ở công trường xây dựng. Thông qua chính quyền địa phương, biết được câu chuyện của bà Thúy, đoàn công tác Báo SGGP, Bệnh viện Da liễu TPHCM đã đến tận nhà thăm hỏi và tặng 30 triệu đồng để sửa chữa căn nhà đã xuống cấp cho bà.
Dược sĩ Trương Tấn Phát, Bệnh viện Da liễu TPHCM, thành viên đoàn công tác, chia sẻ: “Trước giờ, chúng tôi đã đi thăm, tặng quà rất nhiều gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng ở Củ Chi, Hóc Môn…, mỗi gia đình là mỗi xúc động khác nhau. Lần đến thăm nhà bà Thúy, chúng tôi cảm xúc đặc biệt khi biết bà mới nhận được hài cốt của má sau hàng chục năm thất lạc”.
Tận tình hỗ trợ người dân
Với thông điệp “mang yêu thương về vùng biên giới”, đoàn công tác Báo SGGP và các đơn vị đồng hành cũng đã tổ chức thăm khám sức khỏe, tặng thuốc miễn phí cho người dân; trao tặng 300 suất quà nhu yếu phẩm cho bà con thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình khó khăn ở xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp. Bên cạnh đó, đoàn cũng trao 20 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, tặng 200 chiếc áo ấm mới, trao tặng “Tủ sách yêu thương” với 500 quyển sách cho Trường Tiểu học - THCS Phước Thiện.
Từ 5 giờ sáng, bà Niêng Thị Sửu (58 tuổi, dân tộc Khmer) đã đi từ ấp 10 Mẫu đến trung tâm xã Phước Thiện để được thăm khám bệnh. Bà Sửu bị đau đầu, đau cột sống, đau thần kinh tọa do lao động vất vả, được các bác sĩ khám, cấp thuốc giảm đau và các loại thuốc bổ. Bà Sửu không có nhà, chỉ dựng tạm tấm bạt làm nơi ở, rất khó khăn. Bà xúc động nói: “Ai mướn gì tôi làm đó, còn ngày thường tôi đi mót mủ cao su kiếm sống qua ngày. Xương khớp đau nhức lắm, nhưng làm gì có tiền đi bệnh viện. Được các bác sĩ khám bệnh, tặng thuốc, đoàn còn tặng quà nhu yếu phẩm, tôi không biết cảm ơn sao cho hết”.
Bác sĩ CKII Nguyễn Trúc Quỳnh, Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TPHCM, cho biết, bà con ở đây thường gặp các tình trạng viêm khớp, đau khớp, đau đầu… “Họ không có điều kiện đi khám vì không có tiền. Chúng tôi đã tặng bà con một số loại thuốc giảm đau tạm thời, thuốc bổ và tư vấn phải lên tuyến trên để khám chữa bệnh tốt hơn. Bà con miền biên giới đa phần nghèo khó, ít tiếp cận với y tế, thấy thương lắm. Cố gắng hỗ trợ bà con được phần nào, chúng tôi cũng thấy vui”, bác sĩ Trúc Quỳnh bày tỏ.
Nhà báo Trần Minh Trường, Thư ký Tòa soạn, Trưởng ban Công tác Bạn đọc - Chương trình xã hội, Báo SGGP, đại diện đơn vị tổ chức, cho biết, rất xúc động khi đoàn công tác của báo và các đơn vị cùng về xã biên giới Phước Thiện tổ chức các hoạt động tri ân, thiện nguyện, chương trình kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
“Xã Phước Thiện là xã biên giới đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đời sống kinh tế bà con còn rất khó khăn. Với tấm lòng của các đơn vị đồng hành cùng đoàn như Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, NXB Kim Đồng và các nhà hảo tâm, hôm nay đoàn công tác về đây với mong muốn hỗ trợ, sẻ chia phần nào khó khăn với bà con, tiếp sức học sinh nghèo, và đặc biệt là chăm lo cho gia đình có công với cách mạng”, nhà báo Trần Minh Trường chia sẻ.
Thay mặt chính quyền địa phương, ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch UBND xã Phước Thiện, gửi lời trân trọng cảm ơn đến Báo SGGP, Bệnh viện Da Liễu TPHCM, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước và các đơn vị đồng hành, tài trợ đã tổ chức chương trình vô cùng ý nghĩa.
Dịp này, đoàn công tác cũng đến thăm và tặng quà cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Phước Thiện (xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp, Bình Phước). Báo SGGP đã trao tặng 1 máy photocopy, 1 máy in màu nhằm động viên, tạo thêm điều kiện để cán bộ, chiến sĩ nơi đây thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới trên địa bàn. |