No bụng trước khi học chữ
Xã Hành Dũng là vùng đồng bằng, thế nhưng nơi đây có xóm nhỏ tập trung hơn 40 hộ dân đều là người H’rê định cư, gọi là xóm Đèo.
Xóm Đèo nằm bên kia đèo Chim Hút, do cách xa trung tâm hành chính xã, đa số người dân xóm thuộc hộ nghèo, cận nghèo, nguồn kinh tế chủ yếu là trồng keo, làm nương rẫy, nuôi trâu bò và làm thuê; việc đưa con đến điểm trường chính Trường Tiểu học Hành Dũng khó khăn, vì thế, tại xóm Đèo có 1 điểm trường lẻ tập trung lớp 1 và lớp 2 để các em thuận tiện học tập.
Điểm trường lẻ xóm Đèo chỉ có 1 lớp học, 1 cô giáo và 6 học sinh Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Cô giáo Đinh Thị Kem là giáo viên phụ trách điểm trường xóm Đèo, năm học 2023-2024, lớp học chỉ vỏn vẹn 6 học sinh ghép lớp 1, 2. Cô giáo Kem cho biết: “Trên này vào mỗi buổi sáng không có hàng quán bán ăn sáng, các em đến lớp nếu cha mẹ cho tiền thì lót dạ bằng bánh mì ngọt ở tiệm tạp hóa, còn nếu cha mẹ đi làm rẫy, làm cây keo sớm thì các em nhịn đói đến lớp”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thái, Bí thư Đoàn xã Hành Dũng, chia sẻ: “Có lần đoàn xã tổ chức trò chơi ở điểm trường chính, một em người H’rê nhỏ nhắn đang chơi vui vẻ thì đột nhiên ngất xỉu. Sau khi đưa vào phòng chăm sóc, tỉnh dậy thì em mới kể là do em bị đói, cha mẹ chở đi học sớm để còn lên rẫy, nên em nhịn đói đến lớp. Thế là Đoàn xã quyết tâm giúp các em no bụng trước khi học chữ".
Ngày 12-9, sau tuần học đầu tiên lễ khai giảng, Đoàn xã Hành Dũng bắt đầu tổ chức chương trình “Bữa sáng yêu thương” cho học sinh H’rê tại điểm xóm Đèo. Có 20 học sinh là con các hộ dân đã tập trung để ăn sáng, các em ăn thật ngon, thật no. Ngay sau bữa ăn, có em ở lại học điểm xóm Đèo, có em lên xe máy theo cha mẹ chở ra điểm chính để học tập.
Tổ chức "Bữa sáng yêu thương" cho tất cả học sinh ở xóm Đèo. Ảnh: Đoàn xã Hành Dũng |
Chị Nguyễn Thị Hồng Thái cho biết: “Trước khi tổ chức, chúng tôi hỏi các em xóm Đèo là các em muốn ăn món cháo, bún hay bánh mì và các em đều rất thích ăn bún. Do vậy, chúng tôi đã nấu nồi bún mang lên cho các em. Đoàn xã đã trích từ nguồn quỹ các hoạt động nuôi heo đất và được hỗ trợ từ nguồn quỹ của Câu lạc bộ “Vòng tay nhân ái Nghĩa Hành”. Tại chương trình, Đoàn xã đã chuẩn bị 20 phần ăn sáng gồm bún xương và sữa tươi”.
Học sinh xóm Đèo rất thích ăn bún nên Đoàn xã đã tổ chức đi chợ, nấu bún. Ảnh: Đoàn xã Hành Dũng |
Chương trình “Bữa sáng yêu thương” đã ra đời từ năm 2020, Đoàn xã liên tục thực hiện nấu bữa sáng cho học sinh xóm Đèo. Lúc đó, Đoàn xã đã trích nhiều nguồn từ hoạt động tình nguyện rửa xe gây quỹ, thu gom ve chai,… Đến năm 2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên đã tạm ngưng và đầu năm 2023 tổ chức nấu trở lại.
Chị Nguyễn Thị Hồng Thái cho biết: “Đoàn xã cũng được sự hỗ trợ câu lạc bộ “Vòng tay nhân ái Nghĩa Hành” cùng nguồn quyên góp của đoàn thanh niên thì Đoàn xã đang cố gắng duy trì thực hiện nấu 2 lần/tháng và mong muốn là nấu bữa sáng mỗi 1 lần/tuần, duy trì đến hết năm học”.
Cô giáo Kem cho biết: “Hoạt động bữa sáng yêu thương giúp các em nhỏ chăm chỉ đến trường hơn, nhờ có bữa ăn sáng mà buổi học hăng say hơn, các em tiếp thu bài và chăm chỉ học tập”.
Cùng cô giáo Kem học chữ
Cô giáo Kem chia sẻ: “Xóm Đèo chủ yếu người H'rê, vào mùa làm rẫy, các em trốn học theo cha mẹ đi rẫy, nhiều lúc đến lớp không thấy học sinh, tôi phải chạy theo lên rẫy để đưa em xuống lớp. Cha mẹ rất ít quan tâm đến con cái, học sinh học đến cấp 2 là nghỉ học đi làm thuê, làm rẫy gia đình”.
Học sinh điểm trường lẻ xóm Đèo tập viết chữ. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Cô giáo Kem là một trong số ít người H’rê ở xóm Đèo tốt nghiệp Đại học Phạm Văn Đồng (tỉnh Quảng Ngãi) và trở lại trường cũ để dạy học cho các em xóm Đèo. Cô cho biết: “Cả 4 chị em trong nhà tôi đều rất ham học nên ai cũng cố gắng học đến cùng, chị tôi giờ làm cơ quan Nhà nước, tôi dạy học điểm xóm Đèo, em gái tôi dạy mầm non và em trai út làm ngành điện”.
Gia đình và bản thân cô Kem là tấm gương sáng của xóm Đèo. Cô thấu hiểu hơn ai hết, sự học quan trọng. "No" con chữ cũng quan trọng như no bữa ăn.
Cô giáo Kem về dạy tại xóm Đèo đến nay đã hơn 12 năm, từ khi có cô Kem, trẻ em trong xóm noi gương cô Kem chăm chỉ đến lớp học.
Cô giáo Kem cầm tay nắn nót từng con chữ cho học sinh xóm Đèo. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Cô giáo Kem mong muốn các em đọc được, viết được tiếng Việt sau khi học xong lớp 1, 2 ở điểm trường. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Em Đinh Thị Phương Hồng (lớp 1, điểm trường xóm Đèo) nói: “Em cố gắng học để sau này làm cô giáo như cô Kem”. Sau tiếng giảng bài, các em Đinh Thị Bảo Trân, Đinh Hoài Bảo…cùng các em nhỏ tập đánh vần chữ cái.
Nơi vui chơi duy nhất của học sinh xóm Đèo trước điểm trường. Ảnh: NGUYỄN TRANG |
Cô Kem cho biết: “Các em lớp 1, 2 gặp khó khăn giao tiếp bằng tiếng Việt, trong giờ học, tôi phải chỉ dạy cả tiếng H’rê và tiếng Việt để các em dễ hiểu nhất. May mắn tôi là người H’rê dạy ở đây, nếu như là các cô giáo ở điểm trường chính xuống dạy thì cả cô và trò đều không hiểu do cách biệt ngôn ngữ”.
Trong suốt năm học, cô giáo Kem kiên trì dạy chữ, làm sao để các em đọc được, viết được, điểm trường xóm Đèo có năm nhiều nhất dạy 14 em, năm được 9 em học… năm nay ít nhất có 6 em học.