Tết ấm
Ngồi mân mê chiếc nón lá, bà Ba Đen ngẩn ngơ nhìn những cây hoa anh đào được trang trí dọc đường đi công viên. “Đẹp thật đấy, tui chưa được đến đây hồi nào”, bà Ba Đen cười. Rồi bà ngậm ngùi kể về cuộc đời nhiều vất vả, đơn chiếc của mình. 76 tuổi, mấy năm trước bà vẫn đi bộ bán vé số kiếm đồng ra đồng vào tự trang trải cuộc sống. Nhưng một lần té sưng chân, người bà yếu hẳn. Cuộc sống của bà giờ chỉ quanh quẩn trong căn nhà ở nhờ con gái nuôi tại xã Tân Hiệp, sống tằn tiện từ khoản trợ cấp gần 600.000 đồng/tháng.
Bà kể, trong nhà chỉ có chiếc nồi cơm điện là đáng giá nhất, bữa ăn người già chủ yếu cơm với nước tương. Nhận phần quà nặng trĩu gồm gạo và mấy loại nhu yếu phẩm, lại có thêm chút tiền, bà cười như trẻ thơ, khoe hàm răng đã rụng mấy chiếc: “Vầy là có tết vui rồi nè”.
Không thể nhìn thấy ánh sáng, ông Trần Văn Minh (75 tuổi, ở xã Tân Xuân) chỉ cảm nhận cái đẹp của công viên đá qua lời kể của mọi người. Đôi mắt mù lòa, nhưng mấy năm trước, ông vẫn rong ruổi khắp những con đường lớn - nhỏ, tay cầm tập vé số, vai khoác thêm khay bàn chải và mấy đồ lặt vặt đi bán gồng gánh nuôi cả gia đình. Ba năm nay, ông phải nghỉ bán vì mấy lần liền bị bọn xấu giựt vài xấp vé số, sức lực người già cũng mỗi ngày dần cạn. Ông buồn vì tình người, nghĩ sao người ta nỡ lòng giựt dọc của người mù kiếm sống. Nhưng cuộc sống mấy năm nay làm ông suy nghĩ khác đi. “Nói thiệt lòng là vợ chồng tui sống nhờ vào tấm lòng từ thiện của mọi người. Tui mới thấy cuộc đời vẫn còn nhiều người tốt, từ tâm, thực lòng giúp đỡ người nghèo khó”, ông Minh tâm sự.
Ngồi bên cạnh, ông La Văn Tý, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Người mù huyện Hóc Môn, cho hay khi biết hội được tặng 20 phần quà tết, ai cũng vui. Bởi hội có 120 hội viên thì hầu hết có hoàn cảnh sống rất khó khăn. Một nửa số hội viên là người cao tuổi, sống neo đơn hoặc dựa vào gia đình. Số còn lại thì sức lao động chỉ có thể làm những nghề bấp bênh như bán vé số, bàn chải đánh răng… nên không thể cạnh tranh được với người sáng mắt. Nhiều người trong số họ phải sống nhờ sự tương trợ của cộng đồng, nên một phần quà không chỉ đơn thuần là hạt gạo, chai dầu ăn, nước mắm mà nó còn có ý nghĩa tinh thần rất lớn, để những người mù cảm nhận được hơi ấm của tình người.
Thầm lặng những tấm lòng
Bà Trương Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hóc Môn, chia sẻ có được buổi gặp mặt và những phần quà hôm nay là do bao tấm lòng hào hiệp góp công góp của. Một nhà hảo tâm có mặt tại buổi trao quà kể, điều đặc biệt nhất là khi đi vận động, mới nghe đến việc lo tết cho người nghèo là ai nấy đều hồ hởi. Người kinh doanh gạo thì giảm nửa giá bán. Anh nhà báo nọ thì “đi xin xỏ” khắp nơi được mấy chục phần quà góp vào.
Anh bác sĩ, người làm báo, người làm doanh nghiệp hễ ai biết chuyện cũng đều góp mấy phần. Có người dành toàn bộ số tiền được thưởng cuối năm để góp vào. Cứ vậy, đến ngày cuối cùng của năm 2019, có 500 phần quà đã được trao gửi đến những người kém may mắn trên địa bàn huyện Hóc Môn. Mỗi phần quà gồm tiền mặt và hiện vật được trao tặng các hộ chính sách khó khăn, người nghèo, người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi.
Lãnh đạo huyện Hóc Môn cho biết, để mọi nhà, mọi người dân trên địa bàn huyện được vui xuân đón tết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có chủ trương và UBND, Ủy ban MTTQ huyện cùng phối hợp vận động, huy động mọi nguồn lực xã hội để chăm lo thiết thực cho các hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, đúng tinh thần “lấy sức dân chăm lo cho dân” mà Thành ủy TPHCM đã chỉ đạo. Địa bàn huyện Hóc Môn rộng lớn, nhiều xã ở xa, để đến được đây cũng phải có xe đưa đón người dân. Biết chuyện, có những hộ kinh doanh vận tải đã hỗ trợ phần nào để ngày vui của bà con thêm trọn vẹn.
Ôm những phần quà ra về, khuôn mặt ai nấy rạng rỡ nụ cười. Trước mặt họ, những đóa hoa anh đào Nhật Bản rung rinh dưới nắng, báo hiệu một mùa xuân tươi vui ấm áp đang về.