Tại công viên trên đường Hồ Thị Tư (phường Hiệp Phú, quận 9), các hàng quán nước, ăn vặt thi nhau mọc lên. Buổi tối, một phần công viên bị chiếm dụng để kinh doanh buôn bán, bày bàn ghế đánh dấu địa bàn. Phần còn lại được dùng làm bãi đậu xe cho khách, người dân hầu như không có chỗ để đi dạo mát, tập thể dục.
Tại khu vực bờ kè đường Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh), mặc dù có biển cấm kinh doanh buôn bán, nhưng thực tế toàn bộ khu vực từ lòng đường đến khuôn viên đi dạo trên bờ sông của người dân đều bị các hàng quán trưng dụng không còn khoảng trống.
Công viên trên đường Phạm Huy Thông (phường 7, quận Gò Vấp) sau khi được cải tạo và mở đường lớn, một phần diện tích ở giữa đường được quy hoạch thành công viên để phục vụ người dân cũng bị một số người trưng dụng làm hàng quán ăn uống vào mỗi buổi chiều tối.
Tương tự, khu vực công viên Gia Định cũng trở thành quán cà phê, rạp xiếc, bãi giữ xe nằm chắn một góc công viên tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp).
Phía góc đường Đặng Văn Sâm, Hoàng Minh Giám có rất nhiều xe bán hàng lưu động với đủ loại đồ ăn, thức uống, bày bàn ghế bán trên vỉa hè; ngang nhiên đậu xe dưới lòng đường, gây cản trở, ách tắc giao thông.
Công viên là nơi trồng nhiều cây xanh, không gian trong lành, yên tĩnh, dành cho người dân thư giãn, dạo mát, thể dục thể thao. Vậy mà nhiều nơi bị chiếm dụng để buôn bán. Việc buông lỏng quản lý để các tổ chức, cá nhân chiếm dụng mặt bằng công viên cây xanh, khu công cộng để kinh doanh trục lợi diễn ra ở nhiều nơi.
Chính quyền TPHCM đã nhiều lần chỉ đạo chấn chỉnh, thu hồi mặt bằng cho thuê, cho mượn không đúng quy định; xử lý trách nhiệm những cá nhân, tổ chức liên quan. Từng phường, quận cần quan tâm kiểm tra, giải tỏa, chấm dứt tình trạng chiếm dụng, sử dụng đất công viên không đúng mục đích.