Trương Huy Th., học sinh Trường THPT L.Q.Đ., TP Tân An, tỉnh Long An, vô tư kể: “Tuần trước, trên đường đi học thêm về thấy một đám con gái đang tụ tập, em vừa dừng lại thì 4-5 bạn gái tấp vô đánh túi bụi một bạn. Em lấy điện thoại quay về để mai đem vào cho mấy bạn trong lớp xem. Thấy được quay phim tụi nó càng đánh dữ hơn, xé rách cả áo. Chưa hết, đánh xong một bạn còn xin em cái clip. Lúc mấy bạn kia bỏ đi thì con bé bị đánh đứng dậy chửi và ném cặp sách vô người em”.
Với đoạn clip ngắn đó, Th. đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trong trường. Th. hào hứng kể thêm: “Hôm sau lên lớp, em kể cho tụi bạn nghe, cho tụi nó xem, rồi gửi clip cho mấy đứa lớp khác. Hôm đó có thêm hơn trăm đứa kết bạn với em trên Facebook. Mấy đứa lớp dưới cũng đi theo đuôi, khen em nức mũi, còn xin đi theo làm đệ tử để em bảo kê”.
Đoạn phim bị mẹ Th. phát hiện và yêu cầu Th. xóa ngay lập tức. Tuy nhiên, Th. bắt đầu thường xuyên đi theo những đứa “đầu gấu” trong trường, cách nói năng trở nên chợ búa, thiếu văn hóa. Kéo theo đó, việc học hành của Th. cũng ngày càng sa sút.
Chị Huỳnh Ngân Bông, ngụ tại phường 1, quận 11, bức xúc: “Khi tôi chọn trường cấp 2 cho con, đã cố gắng để chọn một trường có tiếng của quận. Nhưng nào ngờ, ở trong lớp chọn lại có một bạn gái khá cá tính, thích đánh nhau ngay cả các bạn trai trong lớp cũng đều e ngại”. Chị Bông kể: “Hôm đó, tôi đến đón con muộn chút nhưng không thấy con đâu, lòng như lửa đốt mới lên lớp thì thấy con ngồi sụt sùi khóc, gần đó có một cô bé đang ném cặp sách của con tôi ra cửa sổ. Lúc đó, tôi tức điên, chạy vội tới chỗ con thì ngay lập tức con bé kia chạy mất”.
Sau khi đến lớp, gặp các bạn của con mình tìm hiểu, chị Bông lại càng bực vì tất cả học sinh trong lớp đều biết những việc bạn gái cùng lớp làm nhưng không một ai dám can thiệp. Một số sợ mình sẽ là nạn nhân tiếp theo, một số khác không muốn mang tiếng là kẻ mách lẻo. Thấy không ổn, chị Bông đã phải chuyển con mình sang lớp khác và không làm lớn chuyện vì muốn con được yên ổn.
Một học sinh Trường THCS Đ.C. (Hà Nội) kể: “Năm học trước, lớp có bạn Cường hâm mộ một đàn anh có số má trên mạng xã hội. Khi đến trường, Cường hay tỏ ra mình là dân anh chị, thường gây gổ với các bạn khác, luôn hành động để giống thần tượng. Chẳng thế mà chỉ vì lỡ bình luận không hay trên Facebook của Cường, một bạn trong lớp đã bị nhóm của Cường đánh và quay lại clip đăng lên mạng”.
Ngay cuối năm học vừa rồi, tại cổng Trường THPT T.Đ. (Hà Nội), chúng tôi chứng kiến cảnh 2 nữ sinh của trường này chỉ vì xích mích trên mạng xã hội mà lôi cả băng đảng của mình tới dằn mặt nhau. Tại cổng trường giờ tan học, hàng chục xe máy được xếp hai bên, các thanh niên với vẻ ngoài bặm trợn, cầm những ống tuýp sắt dài tới cả mét, chực chờ lao vào thanh toán lẫn nhau. Rất may, lực lượng bảo vệ nhà trường can ngăn kịp thời.
Những câu chuyện trên đây chính là nỗi lo của các bậc phụ huynh khi năm học mới sắp bắt đầu. Đáng lo hơn khi gần đây, các vụ việc bạo lực học đường đang có dấu hiệu gia tăng với những hành vi hung tính, trả thù bạn học như thanh toán giữa các băng đảng. Điều đáng nói là những xích mích giữa các em học sinh phần lớn đều xuất phát từ mạng xã hội.