Mang tình cảm bạn đọc SGGP đến tâm điểm vùng lũ huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai: Ấm áp tình người

Tiếp tục chương trình cứu trợ người dân đang gặp hoạn nạn và thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng bão số 3, ngày 19-9, nhóm công tác của Báo SGGP đã tới những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ lụt vừa qua ở các tỉnh miền núi Bắc.

Nhóm công tác của Báo SGGP mang theo tiền và hàng cứu trợ của bạn đọc Báo SGGP đến xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, Lào Cai.

Huyện Bảo Yên là tâm điểm của những ngày qua khi nhân dân cả nước hướng về vì có thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh bị sạt lở vùi lấp 1 thôn.

3.jpg
Trao cứu trợ của Báo SGGP và các nhà tài trợ đến với người dân huyện Bảo Yên, Lào Cai

Xuất phát từ Hà Nội lúc 7 giờ sáng, đến hơn 14 giờ, chúng tôi cũng có mặt ở huyện Bảo Yên - một trong những nơi chịu thiệt hại về người nặng nhất do ảnh hưởng bão số 3 của tỉnh Lào Cai.

Thời tiết đã nắng ráo trở lại, nhưng trên cung đường đến các xã của huyện Bảo Yên và những huyện lân cận, vẫn còn nhiều điểm bị sạt lở, khiến phương tiện giao thông di chuyển chậm.

Hàng chục điểm sạt lở chưa được xử lý, có những đoạn chỉ 1 chiều đi được, phương tiện đi chiều ngược lại phải dừng để đợi. Đường Quốc lộ 70 cũ đi về hướng huyện Bảo Yên cũng có nhiều đoạn cảnh báo sạt lở.

Đợt lũ vừa qua với mức độ khủng khiếp khiến nhiều ngôi nhà bên sông Chảy bị trôi hoàn toàn. Lũ sông dâng lên, khi nước rút đi, để lại những ụ cát cao, che lấp hết cả lòng đường…

2-7127.jpg
Đại diện Báo SGGP trao hỗ trợ cho phụ huynh, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Xuân Hòa, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, Lào Cai

Tại Trường Tiểu học số 1 Xuân Hòa (xã Xuân Hòa), cô Nguyễn Thị Yên, Hiệu trưởng cho biết, trường là trường học duy nhất của xã đã dạy học trở lại từ ngày 16-9. Trên địa bàn xã còn 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường TH - THCS, 1 trường phổ thông dân tộc bán trú THCS, vẫn chưa thể dạy học trở lại do chưa bảo đảm an toàn.

Ngay cả Trường Tiểu học số 1 Xuân Hòa vẫn còn 2 điểm trường chưa thể dạy học trở lại. Trong đó, có 1 điểm trường vẫn đang bị cô lập hoàn toàn; điểm trường còn lại nhiều giáo viên phải đi xuồng qua sông để đến lớp

- cô Yên cho biết.

Đại diện Báo SGGP trao hỗ trợ cho phụ huynh, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Xuân Hòa, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, Lào Cai

Với 451 học sinh ở điểm trường chính, trong đó 120 học sinh diện bán trú nhưng hiện nay các em Trường Tiểu học số 1 Xuân Hòa chưa được bán trú, phải đi về do nhà trường chưa được cung cấp lương thực, thực phẩm.

12-8958.jpg
Đại diện Báo SGGP trao hỗ trợ cho giáo viên Trường Tiểu học số 1 Xuân Hòa, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên

“Đường đi còn khó khăn, sạt lở nhiều, một số bản vẫn bị cô lập nên chúng tôi chưa được cung cấp thực phẩm để tổ chức bán trú. Thương các em lắm! Nhiều em buổi trưa đi học mang theo một gói mì tôm, đến xin cô nước nóng để chế ăn rồi chiều bố mẹ đón về. Chỉ mong tình hình nhanh chóng ổn định trở lại, các con đi học đỡ khổ, giáo viên cũng đỡ cực”, cô Yên chia sẻ.

Dự kiến, phải sang tháng 10, nhà trường mới có thể tổ chức bán trú trở lại.

Trường có 24 giáo viên ở vùng bị ngập lụt sâu, hỏng hóc nhà cửa, 12 học sinh bị sập nhà hoàn toàn.

Cô Nguyễn Thị Luận, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhiều học sinh và thầy cô ở đây đi học, đi dạy xa hàng chục cây số đường đất. Bình thường đã khó khăn, sau lũ càng khó khăn vì sạt lở khủng khiếp.

5-5488.jpg
Đại diện Báo SGGP trao hỗ trợ cho học sinh Tiểu học số 1 Xuân Hòa, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên

Cô Hoàng Thị Lý (sinh năm 1975, giáo viên lớp 2B) cho biết, hàng chục năm gắn bó với sự nghiệp dạy học ở đây, lần đầu tiên trong đời cô chứng kiến cơn lũ khủng khiếp như lần này. Nước dâng lên quá nhanh, nhà cô mất liên lạc 3 ngày trời, con cái sợ hãi khóc lóc.

“Nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn, nhiều giáo viên, học sinh bị sập nhà, mất nhà. Cuộc sống của chúng tôi đảo lộn hoàn toàn. Những ngày qua nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của người dân cả nước, trong đó có Báo SGGP, chúng tôi cảm kích, xúc động vô cùng”, cô Lý chia sẻ.

Đại diện Báo SGGP trao hỗ trợ cho học sinh Tiểu học số 1 Xuân Hòa, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên

Đến với Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Xuân Hòa (xã Xuân Hòa), chúng tôi càng cảm nhận sự mất mát của người dân nơi đây.

Chị Long Thị Kiểm (bản Cuông 2) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại: "Rạng sáng ngày 9-9, tôi nghe thấy ông chú hớt hải gọi "dậy đưa con sang bên kia đường đi, nước ngập đến chân rồi!". Cả mẹ con đang ngái ngủ choáng choàng tỉnh, dắt vội được con trâu, bê mấy bao thóc để sang phía bên kia đường thì nước ngập lên giữa nhà, rất nhanh. Đến 23 giờ đêm hôm đó thì nhà đã trôi mất rồi. Toàn bộ gia sản, trong đó có hơn 100 con gà đang chuẩn bị đến lứa bán - nguồn thu quan trọng của cả gia đình cũng bị trôi mất".

Nhà bị trôi, chính quyền đưa gia đình chị Kiểm ra ở nhà văn hóa được 1 tuần.

9-1901.jpg
Chị Long Thị Kiểm và con gái đến nhận hỗ trợ từ Báo SGGP

"Giờ thì anh em họ hàng làm cho cái lều be bé ở phía đối diện bên đường gần chỗ nhà cũ để ở tạm. Nhà tôi không dám làm lại nhà trên nền nhà cũ nữa vì đã bị sạt lở. Giờ không có gì, nồi, xong chảo, quần áo… đã trôi hết thẩy. May mà không ngập ban đêm chứ nếu không thì cũng mất mạng. Lần đầu tiên trong đời thấy nước lũ dâng cao đến thế" - chị Kiểm thất thần nhớ lại.

Những ngày tới, với gia đình chị vẫn còn hết sức khó khăn, chưa biết dựng lại nhà ở đâu vì chưa có đất ở.

chau-hoang-thi-lieu-1478.jpg
Em Hoàng Thị Liễu, bản Mai Thượng, xã Xuân Hòa kể lại chuyện thoát chết với PV Báo SGGP

Nhà của em Hoàng Thị Liễu (bản Mai Thượng, xã Xuân Hòa, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Xuân Hòa) cũng bị vùi lấp trong đợt mưa lũ vừa rồi.

Liễu kể, 2 mẹ con đang ở dưới ao bắt cá thì bất ngờ đất sụp xuống vùi lấp hết thảy.

“Lúc ấy con không biết gì hết, chỉ nhớ là có ông chú nhìn thấy moi lên được nên thoát chết. Ông con bị liệt, lúc đó đang nằm trong nhà, không chạy được nên đất đã vùi lấp ông rồi”, Liễu rưng rưng.

Gần 30 học sinh và giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Xuân Hòa mà Báo SGGP trao tiền hỗ trợ trong chiều 19-9 đều là những người mất hoàn toàn nhà cửa, ai cũng đang phải tạm bợ sống nhờ người quen chờ an toàn mới tính chuyện dựng lại nhà, ổn định cuộc sống.

Những ngày qua, tiếp nhận tấm lòng của người dân cả nước để vượt qua khó khăn, dù đang vất vả những người dân nơi đây đều cảm thấy ấm lòng…

11-7889.jpg
Đại diện Báo SGGP trao hỗ trợ cho phụ huynh, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Xuân Hòa, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, Lào Cai

Ông Bùi Đức Linh, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Bảo Yên, cho biết, hiện cả huyện mới có 37/68 trường tổ chức dạy và học trở lại; 31 trường chưa thể mở cửa do vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, cơ sở vật chất chưa bảo đảm an toàn để đón học sinh quay lại. Ngay cả Trường THCS số 1 Phố Ràng cũng chưa thể mở cửa do chưa dọn dẹp xong sau lũ. Dự kiến, đến ngày 23-9, toàn bộ các trường học ở huyện mới dạy học trở lại.

Tại thôn Làng Nủ, nơi xảy ra sự việc sạt lở đau lòng làm cả trăm người thương vong, đến nay, chính quyền đã cho di chuyển học sinh mầm non về điểm trường chính để bảo đảm an toàn; học sinh tiểu học, THCS cũng được đón về bán trú ở điểm trường chính.

Hỗ trợ của bạn đọc Báo SGGP đến với người dân, thầy cô, học trò Xuân Hòa thật đúng lúc, góp phần làm giảm mất mát mà họ đang phải trải qua. Đó là sự ấm áp nhất lúc này của nghĩa đồng bào mà người dân vùng lũ cảm nhận rõ rệt…

>>> Chùm ảnh đại diện Báo SGGP trao hỗ trợ cho phụ huynh, giáo viên, học sinh tại xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, Lào Cai:

1.jpg
4.jpg
3.jpg
12.jpg

Tin cùng chuyên mục