Làm bạn với sách
Là một tổ chức phi chính phủ được cấp phép hoạt động tại Việt Nam từ năm 1995, với mục đích hỗ trợ về y tế và giáo dục cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, quỹ Zhi-Shan (văn phòng ở số 45 Phan Đình Phùng, TP Huế, Thừa Thiên - Huế) đã đồng hành với hàng ngàn hoàn cảnh cần giúp đỡ ở các tỉnh miền Trung, với nhiều hoạt động cụ thể: cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phẫu thuật chỉnh hình miễn phí cho trẻ khuyết tật hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi…, và đặc biệt là thỏa mãn nhu cầu đọc sách của học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Anh Hoàng Trọng Thủy, Trưởng văn phòng đại diện quỹ Zhi-Shan tại Thừa Thiên - Huế, đã trăn trở rất nhiều và nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình “Thư viện thân thiện”, đưa sách đến với học sinh các khu vực khó khăn. Năm 2008, dự án “Làm bạn với sách” ra đời và đi vào hoạt động. Nhớ những ngày đầu triển khai mô hình “Thư viện thân thiện”, anh cho biết không hề dễ dàng, bởi tâm lý e dè, ngại phải gánh thêm việc khiến các trường, các địa phương thờ ơ với dự án. Các thành viên của quỹ đã mất rất nhiều thời gian, công sức để trình bày, thuyết phục. Chỉ đến khi những thư viện rộng gần 100m2 được hoàn thành, bố trí bàn ghế, giá kệ một cách khoa học, đồng bộ, đặc biệt khâu trang trí hình ảnh và màu sắc bắt mắt thì chính các thầy cô cũng hứng thú chứ không riêng gì học sinh.
Quỹ Zhi-Shan đầu tư cho mỗi thư viện trung bình khoảng 80 triệu đồng. Ngoài ra, quỹ còn cung cấp tài liệu, phương tiện, tập huấn cách tổ chức và hoạt động thư viện sao cho hiệu quả nhất. Nguồn sách được chọn lọc kỹ càng, đảm bảo đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức và phù hợp với từng độ tuổi. Gần 250 thư viện đã được xây dựng khắp 6 tỉnh, thành miền Trung đều có điểm chung: gam màu chủ đạo là xanh da trời, mỗi phòng được bố trí 35 bộ bàn ghế có màu sắc tươi sáng, họa tiết trang trí là các nhân vật cổ tích. Đó là cách thức đầu tiên mà dự án muốn tạo cho các em học sinh sự hứng thú khi vừa đặt chân vào thư viện - điều mà trước kia các em không có được.
Ngoài sách trong thư viện, dự án còn trang bị cho mỗi lớp học một tủ sách di động để các em có thể dễ dàng mượn và trao đổi sách với nhau. Bên cạnh việc mày mò soạn tài liệu tập huấn cho giáo viên hướng dẫn học sinh đọc sách đúng cách, anh Hoàng Trọng Thủy còn mời một số nhà thơ, nhà văn, giáo viên có uy tín đến nói chuyện để truyền cảm hứng cho cả thầy và trò. Mục tiêu là làm sao để thư viện vận hành thật sự hiệu quả, học sinh hứng thú và tương tác tốt với thư viện.
Anh Hoàng Trọng Thủy chia sẻ: “Xuất thân từ làng quê nghèo, nên đến khi vào đại học tôi mới biết đến thư viện, mới được đọc nhiều sách. Từ hoàn cảnh của bản thân, tôi nhận ra rằng, nếu trẻ được tiếp xúc với sách càng sớm thì nhận thức của các em càng được mở rộng, lý tưởng sống và mơ ước trong tương lai của các em sớm được hình thành. Từ đó, các em có động lực để phấn đấu, vòng nghèo luẩn quẩn từ cha mẹ đến con cái mới có thể chấm dứt”. |
Đến nay, nỗ lực của những người điều hành dự án đã mang lại kết quả tốt hơn cả mong đợi. Ban giám hiệu, thầy cô giáo đều rất tận tâm với dự án; thói quen đọc sách của học sinh được hình thành; 15 phút đọc sách đầu buổi học được triển khai ở tất cả các trường được chọn tham gia dự án. Hàng tuần, học sinh đều có bài thu hoạch, thể hiện cảm nhận của mình về một quyển sách hay mẩu chuyện mà bản thân đã đọc dưới dạng tóm tắt sơ đồ tư duy hoặc kể lại cho các bạn cùng nghe, sau đó đặt câu hỏi thảo luận. Qua khảo sát trong phạm vi dự án “Làm bạn cùng sách”, mức đọc trung bình của mỗi học sinh tăng từ 4 cuốn lên 60 cuốn trong một năm, nhiều em đọc tới 130 cuốn mỗi năm. Qua đó, kỹ năng học tập cơ bản như: lắng nghe, quan sát, lý giải, suy luận, biểu đạt và sáng tạo ở học sinh ngày một tốt hơn. Chất lượng giáo dục của nhiều trường học từ ngày có “thư viện thân thiện” được cải thiện rõ rệt.
Chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Kim Huế, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Mậu (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), hào hứng nói: “Từ ngày có thư viện mới cùng dự án “Làm bạn với sách”, cô trò trường chúng tôi hào hứng hẳn lên. Phụ huynh khoe với giáo viên việc con em về nhà mê đọc sách thay vì xem tivi, điện thoại. Học sinh trước kia rụt rè, ngại nói trước đám đông, giờ đây giao tiếp mạch lạc, tự tin hơn hẳn. Cảm hứng đọc sách đã thực sự thay đổi ý thức học tập của các em học sinh nơi đây”.
Nhận xét về hoạt động của quỹ Zhi-Shan, bà Trần Thị Thái Hòa, Giám đốc Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Thừa Thiên - Huế, chia sẻ: “Trong nhiều năm qua, quỹ Zhi-Shan đã hỗ trợ tích cực, thường xuyên, hiệu quả cho trẻ em nói chung và phong trào đọc sách nói riêng của học sinh một số tỉnh miền Trung. Mô hình quỹ trong hoạt động đưa sách đến với trẻ đang được chúng tôi nhân rộng ở các cấp học và thực sự góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa phương, kỹ năng sống của học sinh cũng được thay đổi rõ rệt. Quỹ Zhi-Shan vừa là đơn vị chúng tôi quản lý, vừa là đối tác mà chúng tôi tin tưởng hợp tác lâu dài".
Trong 12 năm qua, dự án “Làm bạn cùng sách” đã trang bị được 246 thư viện thân thiện cho các trường ở 6 tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Ngãi; hàng chục ngàn học sinh được thụ hưởng nhiều nguồn sách mới. Với nỗ lực nhiều năm liên tục giúp trẻ em ở các khu vực khó khăn, quỹ Zhi-Shan và một số thành viên điều hành đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các bộ, ngành và UBND các tỉnh. Trong đó, có Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng năm 2016; giải thưởng Phát triển văn hóa đọc của Bộ VH-TT-DL trao tặng năm 2018. Đây là nguồn khích lệ lớn để 11 thành viên Zhi-Shan khu vực miền Trung nỗ lực phát triển nhiều hơn nữa những “thư viện thân thiện”. |