Qua đó, chương trình đã tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho học sinh, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, trao tặng các công trình chiếu sáng, máy vi tính… đến người dân và cán bộ, chiến sĩ tại các đồn biên phòng ở vùng biên giới.
Đoàn thăm hỏi, tặng quà và cờ Tổ quốc cho gia đình bà H’Ha Bkrông, ở thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông |
Buôn làng ấm áp tiếng cười
Chiều 8-11, gia đình bà H’Ha Bkrông (đồng bào dân tộc Êđê), ở thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút bất ngờ và vui mừng khi đoàn công tác của Ban Dân vận Thành ủy TPHCM đến tận nhà thăm hỏi. Vừa nấu xong bữa cơm cho các con nên đôi tay bà H’Ha Bkrông lấm lem tro bụi. Bữa cơm chiều của gia đình bà chỉ có nồi kho vài con cá nhỏ và ít rau xào.
Cầm túi quà nặng trĩu trên tay, bà H’Ha Bkrông xúc động. Trong túi quà nghĩa tình ấy có đầy đủ vật dụng thiết yếu cho gia đình cùng các loại bánh kẹo dành tặng trẻ con. “Gia đình tôi không có tài sản gì ngoài mấy đứa con. Tôi và chồng đi làm thuê nhưng bữa có việc làm, bữa không nên cuộc sống khó khăn lắm. Nay nhận được phần quà chăm lo này, tôi quý lắm”, bà H’Ha Bkrông bày tỏ.
Cùng niềm vui được đoàn công tác đến nhà thăm hỏi, tặng quà, bà H’Đoan Bkrông (đồng bào dân tộc Êđê), ngụ thị trấn Ea T’Ling lúng túng khi tiếp khách trong căn nhà trống trơn, từ trước ra sau không vật gì có giá trị.
Gia đình bà H’Đoan Bkrông là hộ đặc biệt khó khăn. Hai vợ chồng bà đi làm thuê, công việc khi có khi không. Cuộc sống vốn đã khó khăn càng thêm chật vật khi lần lượt 5 đứa con chào đời.
“Với những người sinh sống tại các xã biên giới như chúng tôi, đây là phần chăm lo lớn từ TPHCM, giúp cuộc sống gia đình đỡ khó khăn hơn”, bà H’Đoan Bkrông xúc động nói lời cảm ơn.
Đây là 2 trong 200 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn đang sinh sống tại các xã biên giới tại huyện Cư Jút được nhận túi quà nhu yếu phẩm “Dân vận khéo - Nghĩa tình quân dân” từ Ban Dân vận Thành ủy TPHCM. Hoạt động nằm trong chương trình “Dân vận khéo - Kết nối biên cương” năm 2023.
Trong hành trình dân vận khéo đến với bà con vùng biên giới Tây Nguyên, điều thiêng liêng nhất các đại biểu tham gia đoàn công tác cảm nhận chính là được trao tận tay bà con và cán bộ chiến sĩ nơi đây những lá cờ Tổ quốc còn thơm mùi vải mới. Khi nhận được cờ Tổ quốc, bà H’Đoan Bkrông đã bảo chồng treo ngay lên trước cửa nhà.
Góp phần vào công tác an sinh xã hội
Em H’Ha Blo, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Trần Phú (huyện Cư Jút) tươi cười cầm trên tay phần học bổng trị giá 1 triệu đồng do Ban Dân vận Thành ủy TPHCM trao tặng.
“Con sẽ đưa mẹ phần học bổng này để mua quần áo mới cho em con đang học lớp 3 và tập viết cho 3 anh em. Vì áo trắng của em con mặc lại của anh trai nên đã quá cũ”, em H’Ha Blo, chị thứ 2 trong gia đình có 3 anh em, chia sẻ.
Đợt này, chương trình “Dân vận khéo - Nâng bước em đến trường” trao tặng 100 suất học bổng cho các em học sinh ở huyện Cư Jút có hoàn cảnh khó khăn để giúp các em có điều kiện đến trường tốt hơn. Đoàn công tác Ban Dân vận Thành ủy TPHCM trao tặng 12 bộ máy vi tính tính phục vụ cho chương trình chuyển đổi số ở các xã biên giới ở huyện Cư Jút; trao tặng 100 bộ dụng cụ học tập cùng nhiều quà tặng cho người dân, học sinh ở huyện Cư Jút nhằm giúp người dân, học sinh tăng cường tập luyện thể thao.
Ngoài ra, chương trình cũng trao tặng 70 trụ điện cho xã Tâm Thắng, Đồn Biên phòng Đắk Ken và Đồn Biên phòng Nậm Na.
Tại Đồn Biên phòng Đắk Ken và Đồn Biên phòng Nậm Na, đoàn trao tặng 4 tủ sách và 12 bộ máy vi tính. Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn Biên phòng Nậm Na Bùi Hoài Quang chia sẻ, Đồn biên phòng nằm ở khu vực biên giới, nên ngoài thời gian thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ bình yên vùng biên giới và hoạt động tại đơn vị, cán bộ chiến sĩ tại đồn dành nhiều thời gian đọc sách.
“Tủ sách của đơn vị được bổ sung thêm các đầu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong tục văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, giúp cán bộ, chiến sĩ tại đây tăng cường vốn kiến thức cũng như đáp ứng nhu cầu đọc sách”, anh Bùi Hoài Quang cho biết.
Phó Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Bạch Mai, Trưởng đoàn công tác, chia sẻ, với việc trao tặng các công trình, phần quà hỗ trợ thiết thực, chương trình mong muốn góp một phần vào công tác an sinh xã hội và chia sẻ phần nào khó khăn của người dân, cán bộ chiến sĩ vùng biên giới tỉnh Đắk Nông. Từ tấm lòng của người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động TPHCM, chương trình mong muốn người dân vùng biên giới và TPHCM thêm gần với nhau hơn.
Ngoài ra, chương trình cũng nhằm tuyên truyền, bồi đắp lòng yêu nước, tình yêu quê hương, từ đó nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.