Tết sớm của người vùng biên
Theo con đường thảm nhựa phẳng lì chạy giữa những triền đồi và vạt điều xanh tốt, chúng tôi đến xã Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập). Xã Phú Nghĩa có 3.482 hộ dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 1.307 hộ với 5.591 nhân khẩu (chiếm gần 40% dân số của xã). Đời sống bà con trong xã còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa do mấy năm trở lại đây mùa màng thất thu, giá nông sản xuống thấp.
Chúng tôi đến thăm già Điểu MLưng, thôn Đắk Son 1, năm nay đã 80 tuổi, với một cánh tay bị cụt vẫn đang miệt mài với công việc vườn rẫy. Già Điểu MLưng cho biết, mỗi tháng nhận được trợ cấp 540.000 đồng, cứ dịp cuối năm lại được nhận nhu yếu phẩm từ cơ quan nhà nước để vui xuân, đón tết. Già MLưng nói: “Vài ngày trước có cán bộ thông báo sắp tới sẽ được nhận một phần quà trị giá 500.000 đồng. Già nay tuổi cao sức yếu, không làm được việc nặng, vườn điều ra bông trễ vẫn chưa có thu, nay được hỗ trợ quà bánh khiến già rất vui và mùa xuân như về sớm hơn”.
Còn bà Nguyễn Thị Điệp, ngụ thôn Khắc Khoan, nay đã 77 tuổi, sống một mình, không con cái, mưu sinh bằng nghề bán vé số. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, bà hầu như chẳng bán buôn gì được nên cuộc sống bấp bênh. Bà nói: “Tôi vừa được nhận hỗ trợ cho người bán vé số 1,2 triệu đồng do bị ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng không dám chi tiêu gì. Nhưng tôi cũng bớt lo vì sắp tới có đoàn từ thiện về tặng quà tết”. Anh Điểu Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nghĩa, cho biết, năm nay xã Phú Nghĩa có 1.196 đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hỗ trợ. Theo kế hoạch sắp tới, UBND huyện Bù Gia Mập sẽ hỗ trợ mỗi hộ một phần quà trị giá 500.000 đồng và đang tiếp tục vận động các đơn vị, mạnh thường quân ủng hộ để bà con đón Tết cổ truyền thật đầm ấm.
Tập trung nguồn lực chăm lo tết
Trong dịp Tết cổ truyền 2021, tỉnh Bình Phước có 44.475 đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) và người Việt di cư từ Campuchia gặp khó khăn được hỗ trợ phần quà 500.000 đồng trở lên, với tổng trị giá 17,2 tỷ đồng. Số tiền này được vận động từ các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
Ông Trần Văn Xuân, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Bình Phước, cho biết, hiện sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn thực hiện chi trả kịp thời các chế độ, chính sách thường xuyên vào dịp Tết Nguyên đán cho người có công, các đối tượng BTXH để vui xuân, đón tết. Tỉnh Bình Phước cũng trích 15,7 tỷ đồng từ ngân sách trao quà đến 8.490 gia đình chính sách, người có công cách mạng, cán bộ hưu trí… Ngoài ra, các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã biên giới, vùng sâu, đối tượng BTXH được nuôi dưỡng tập trung, bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện... được hỗ trợ phần quà trị giá 500.000 đồng.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng đã nỗ lực đảm bảo việc làm cho người lao động, phối hợp tốt với tổ chức công đoàn chăm lo, hỗ trợ những công nhân gặp rủi ro vượt qua khó khăn. Liên đoàn Lao động Bình Phước sẽ phối hợp với doanh nghiệp, các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động, nhất là những trường hợp gặp khó khăn, trao tặng hơn 300 vé xe đưa người lao động khó khăn về quê đón tết cùng gia đình.
Ngoài trích kinh phí từ ngân sách, tỉnh Bình Phước còn vận động các doanh nghiệp trên địa bàn chung tay hỗ trợ cho người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, để không ai bị bỏ lại phía sau trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.