Nhiều đề án, mô hình thiết thực đi vào thực tiễn
PHÓNG VIÊN: Thời gian qua, TPHCM đã dành nguồn lực rất lớn cho lĩnh vực y tế với nhiều đề án được triển khai, phê duyệt. Cụ thể là những đề án nào, thưa ông?
PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG: Những năm qua, nhiều đề án về lĩnh vực y tế được phê duyệt, triển khai bước đầu đã mang lại những kết quả thiết thực như: hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng đã đi vào cuộc sống của người dân (khám sức khỏe cho người cao tuổi, chăm sóc các bệnh mạn tính không lây tại các trạm y tế phường, xã, một số trạm y tế đã thu hút đông đảo người dân trở lại với trạm…); Trung tâm kiểm soát bệnh tật triển khai hiệu quả hoạt động phòng chống dịch bệnh mới nổi và các dịch bệnh lưu hành.
Cùng với đó, lần đầu tiên TPHCM xây dựng và hình thành nên mạng lưới các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng phủ khắp địa bàn các quận, huyện; các kỹ thuật chuyên sâu (nhi khoa, sản khoa, ngoại khoa, tim mạch, ung thư…) tiếp tục mang lại nhiều kết quả khả quan ngang tầm các nước trong khu vực. Cụm y tế chuyên sâu tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh cũng đã hình thành thêm nhiều bệnh viện chuyên khoa và trường đại học y khoa…
Tuy nhiên, một vài đề án rất cần được quan tâm, đầu tư để sớm được triển khai nhằm đồng bộ mạng lưới y tế thành phố theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.
Ông có thể nói rõ hơn về những đề án cần ưu tiên đầu tư?
Bên cạnh các đề án, kế hoạch đã được thành phố phê duyệt, một số đề án rất cần được quan tâm, đầu tư nguồn lực để sớm được triển khai trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, như hình thành Trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh sớm bằng công nghệ cao. Đây là hoạt động không thể thiếu khi phát triển hệ thống y tế thành phố ngang tầm các nước trong khu vực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về tầm soát, phát hiện sớm bệnh ngay từ khi chưa có triệu chứng, góp phần quan trọng giúp nâng cao hiệu quả điều trị, tăng chất lượng cuộc sống.
Nhiều bệnh viện có cơ sở hạ tầng bị xuống cấp nghiêm trọng (Bệnh viện Tâm thần, Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh nhiệt đới) và các bệnh viện chuyên khoa có dấu hiệu quá tải (như Bệnh viện Mắt…) rất cần được ưu tiên đầu tư xây mới tại cụm y tế tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh).
Định hình khu công nghiệp dược đầu tiên cả nước
Vừa qua, TPHCM đã phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp dược, với việc thành lập Khu công nghiệp chuyên ngành y dược đầu tiên của cả nước. Vậy ngành y tế sẽ có những tác động gì?
Theo đề án, khu công nghiệp chuyên ngành y dược sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 2, huyện Bình Chánh, diện tích 338ha; các chức năng chính là trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo về lĩnh vực y dược và là nơi tập trung các cơ sở sản xuất, kinh doanh, giao dịch sản phẩm chuyên ngành y - dược, sản phẩm phụ trợ thuộc phân khúc kỹ thuật cao.
Việc tăng cường liên kết đào tạo giữa các trường đại học khối ngành sức khỏe với các trường đại học y khoa có uy tín trên thế giới sẽ được ngành y tế chú trọng, ưu tiên đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng đang phấn đấu đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, thông qua việc cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao năng lực giảng viên, hợp tác quốc tế… Đồng thời, bổ sung mã đào tạo các loại hình nhân viên y tế đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chú trọng phát triển các chuyên ngành đào tạo phù hợp với phát triển y tế chuyên sâu... PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2025-2030, TPHCM sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp dược với quy mô khoảng 300ha, từng bước đưa vào hoạt động thực tế. Từ năm 2030-2045 sẽ đưa khu công nghiệp dược hoạt động theo nguyên tắc đảm bảo tính kết nối - liên kết “mở” giữa các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghệ. Đây là một trong những chương trình hành động có tính chiến lược để đáp ứng yêu cầu hội nhập về phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật; đồng thời thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nâng cao sức khỏe nhân dân, tăng cường quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực y - dược trên địa bàn thành phố. Đề án sẽ chú trọng chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc và thiết bị y tế, đặc biệt ưu tiên sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật cao, sản xuất vaccine, sinh phẩm, các thuốc mới, thuốc phát minh để đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh trong nước, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu với lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá.
Để đáp ứng nhu cầu cho việc phát triển ngành y tế TPHCM thời gian tới, nguồn nhân lực sẽ được đào tạo, bố trí như thế nào, thưa ông?
Hiện ngành y tế đang xây dựng Đề án “Hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai trong lĩnh vực y tế của TPHCM giai đoạn từ nay đến 2035 và những năm tiếp theo”, tập trung vào các giải pháp và chế độ chính sách nhằm thu hút, phát triển nguồn nhân lực tài năng trẻ thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao cho y tế cơ sở, y tế dự phòng và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ sẵn sàng tham gia công tác quản lý, lãnh đạo ngành trong tương lai. Bên cạnh đó, ngành y tế triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng TPHCM trở thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao, như hình thành hệ sinh thái đào tạo y khoa giữa các trường đào tạo khối ngành sức khỏe, giữa bệnh viện - trường đào tạo y khoa, chú trọng phát triển thương hiệu đào tạo.
Mạng lưới khám chữa bệnh trên địa bàn TPHCM
- 131 bệnh viện (12 bệnh viện bộ, ngành; 32 bệnh viện thành phố; 19 bệnh viện quận/huyện; 68 bệnh viện tư nhân)
- 5 trung tâm không giường bệnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Trung tâm Cấp cứu 115, Trung tâm Kiểm chuẩn xét nghiệm, Trung tâm pháp y, Trung tâm giám định y khoa)
- 22 trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức
- 310 trạm y tế xã, phường, thị trấn
- Hơn 8.000 phòng khám tư nhân
- Hơn 10.000 cơ sở kinh doanh dược
- 42 trạm cấp cứu vệ tinh
Trong đề án quy hoạch TPHCM, ngành y tế đã trình lãnh đạo thành phố định hướng phát triển y tế chuyên sâu trên địa bàn theo 3 cụm y tế chuyên sâu (khu vực trung tâm, cụm Tân Kiên và cụm TP Thủ Đức), mỗi cụm chuyên sâu đều có ít nhất một trường đại học thuộc khối ngành sức khỏe chịu trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, xây dựng các bệnh viện đại học, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đạt chuẩn chất lượng và chuẩn chuyên môn kỹ thuật ngang tầm các nước trong khu vực.
Số lượt khám và điều trị Ngoại trú: Năm 2022: 34.548.691 (chiếm 16,5% tổng số lượt khám của cả nước); năm 2023: 38.031.604 (chiếm hơn 16% tổng số lượt khám của cả nước). Nội trú: Năm 2022: 2.216.908 (chiếm 12,7% tổng số lượt điều trị nội trú của cả nước); năm 2023: 2.234.480 (chiếm hơn 10% tổng số lượt điều trị nội trú của cả nước).