Theo Bộ trưởng Thương mại quốc tế Anne-Marie Trevelyan, 65 quốc gia châu Phi, châu Á, châu Đại dương và châu Mỹ, trong đó có một số quốc gia nghèo nhất trên thế giới, sẽ được hưởng lợi từ chính sách này. Chương trình có hiệu lực vào đầu năm 2023, bao gồm các sản phẩm từ thực phẩm đến dệt may. Đáng chú ý là có đến gần 99% hàng hóa nhập khẩu từ châu Phi vào Anh sẽ được miễn thuế. Bộ trưởng Anne-Marie Trevelyan khẳng định, Chính phủ Anh đang từng bước thực hiện cam kết tự chủ về chính sách thương mại được đưa ra trong chiến dịch vận động đưa Anh rời khỏi EU. Theo bà Anne-Marie Trevelyan, chương trình của Anh mở rộng hơn so với chương trình của EU. Các doanh nghiệp Anh có thể kỳ vọng vào những quy trình mới đơn giản hơn, chi phí thấp hơn, được London triển khai nhằm khuyến khích các công ty nhập khẩu hàng hóa từ các nước đang phát triển. Trước đó, hồi tháng 6, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố muốn khởi động một hệ thống thương mại mới nhằm giảm chi phí, đơn giản các quy định áp dụng với các nước đang phát triển nhằm thay thế hệ thống hiện có của EU mà Anh sử dụng khi còn là thành viên khối này.
Động thái mở rộng chính sách giảm thuế để khởi động hệ thống thương mại mới cũng là một phần trong kế hoạch phục hồi kinh tế Anh đang trong đà suy giảm. Theo số liệu do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) vừa công bố, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm giảm 0,1% trong quý 2-2022. Dự báo kinh tế nước này có nguy cơ rơi vào suy thoái từ cuối năm nay do khủng hoảng năng lượng và lạm phát chưa có điểm dừng. Tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ tăng lên mức trên 11% vào cuối năm bất chấp các đợt tăng lãi suất. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cảnh báo, nền kinh tế Anh đang trì trệ, với dự báo tăng trưởng GDP bằng 0% trong năm 2023. Đây sẽ là mức thấp nhất trong Nhóm các quốc gia có nền công nghiệp phát triển (G7) vào năm tới.