Buổi tập huấn nhằm hỗ trợ cách thức sử dụng nền tảng H.OIP trên ứng dụng di động và phân hệ web cho đại diện các trường đại học, vườn ươm khởi nghiệp, đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn TPHCM.
Cụ thể, nền tảng H.OIP giúp kết nối đa phương các thành phần trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra một nền tảng hỗ trợ toàn diện, nâng cao chất lượng cho cộng đồng khởi nghiệp (startup). Đồng thời, chuẩn hóa môi trường cho nhiều thành phần trong hệ sinh thái tìm kiếm đối tác, chia sẻ nguồn lực, cũng như thúc đẩy hoạt động xúc tiến, hợp tác thương mại, thu hút vốn đầu tư cho startup tại TPHCM.
Theo bà Phan Thị Quý Trúc, Phó Trưởng phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo (Sở KH-CN TPHCM), nền tảng H.OIP ra đời theo định hướng phát triển của TPHCM về việc đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp và ưu tiên phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho thành phố.
H.OIP được thiết kế theo cấu trúc mô-đun bao gồm các thành phần hữu hình và vô hình, kết nối 4 trụ cột chính (cơ quan Nhà nước, cơ sở ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư) nhằm giải quyết các điểm nghẽn về chất lượng dự án, kiến thức đầu tư, thống kê chi tiết thông tin về các dự án khởi nghiệp, giúp hợp tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp thuận tiện, tạo cơ hội kết nối với các nền tảng giao dịch sở hữu trí tuệ, kết nối dữ liệu số...
Đến nay, nền tảng H.OIP đã có mặt trên kho ứng dụng của hệ điều hành Android và IOS, sắp tới nền tảng sẽ phát triển thêm Mini App trên Zalo. Hiện H.OIP đã sẵn sàng triển khai cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nền tảng được đặt trên hệ thống máy chủ của Sở KH-CN TPHCM đảm bảo đường truyền và “response time” dưới 3 giây, phục vụ trên 3000 người hoạt động cùng lúc.
H.OIP cũng thiết lập hệ thống dữ liệu lớn phục vụ cho 4 đối tượng chính, trong đó tập trung cơ sở dữ liệu về hướng hạt nhân của hệ sinh thái là các startup. Ngoài ra, nền tảng còn hỗ trợ thay đổi vai trò của người dùng trong hệ sinh thái, cung cấp báo cáo/dữ liệu hệ sinh thái, báo cáo theo tiêu chí đánh giá hệ sinh thái đổi mới sáng tạo từng giai đoạn theo yêu cầu.
Ông Hoàng Minh Ngọc Hải, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo Victory (VIC) bày tỏ, khi xây dựng mô hình vận hành của H.OIP, ban dự án hướng tới việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, do đó nền tảng sẽ tiếp tục hoàn thiện để đáp ứng được 3 tiêu chí gồm: Công nghệ phục vụ tốt cho đa nền tảng, định hướng dữ liệu lớn và sẵn sàng kết nối với những nền tảng khác từ bên ngoài, tận dụng được điểm mới nhất của công nghệ thế giới để phục vụ cho hoạt động sáng tạo khởi nghiệp tại TPHCM.
“Nhằm tối ưu hóa tính linh hoạt, năng lực xử lý và sẵn sàng đấu nối với các nền tảng khác, H.OIP lựa chọn triển khai trên các hạ tầng đám mây trong nước và quốc tế, áp dụng kiến trúc Microservices, đáp ứng các yêu cầu bảo mật tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước. Nền tảng cũng cung cấp các công cụ, dịch vụ hỗ trợ xúc tiến thương mại, thu hút vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác quốc tế,…”, ông Hoàng Minh Ngọc Hải chia sẻ thêm.
Nền tảng H.OIP là một trong những dự án chuyển đổi số của Sở KH-CN TPHCM chủ trương xây dựng, nhằm đưa toàn bộ thông tin và dữ liệu của hệ sinh thái lên nền tảng trực tuyến, tạo thành một mạng lưới “ảo” cho cộng đồng khởi nghiệp. Đồng thời, phát huy vai trò hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, đóng góp tích cực vào lộ trình chuyển đổi số chung của thành phố.
Cụ thể, TPHCM phấn đấu đến năm 2028 sẽ hỗ trợ hơn 1.000 dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo; hơn 700 dự án ở giai đoạn ươm tạo và hơn 200 dự án ở giai đoạn tăng tốc tiếp cận với các nhà đầu tư mạo hiểm. Tất cả hoạt động đăng ký, hỗ trợ các dự án tiền ươm tạo, ươm tạo tăng tốc đều sẽ được cập nhật thông tin và kết quả trên nền tảng trực tuyến H.OIP.