Nguyên nhân chủ yếu là các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cắt giảm lao động, bên cạnh một bộ phận lao động có trình độ nhận thấy “công việc không còn phù hợp”, muốn chuyển dịch, chờ cơ hội việc làm khác tốt hơn.
Ngay khi đại dịch Covid-19 bùng phát, lãnh đạo TPHCM đã nhận ra những “sang chấn” sẽ kéo dài và lan ra trong thị trường lao động việc làm của thành phố, nhất là ở khu vực có tính thâm dụng lao động cao. Để giải quyết từng bước hệ quả không thể cưỡng lại này (trong xu thế khủng hoảng chung của thị trường nguyên liệu, sản xuất, phân phối, tiêu dùng toàn cầu thời hậu đại dịch và xung đột quân sự, thương mại) thì bên cạnh chiếc “cần câu” - tái cấu trúc kinh tế - lao động việc làm nhằm cân bằng, ổn định thị trường lao động, mang lại “con cá” cho người lao động; thành phố còn thiết lập mạng lưới an sinh trong cả 2 tư thế trợ cấp “con cá” và trao “cần câu” trước mắt, giúp người dân từng bước vượt khó, thoát nghèo. Thực tế, bên cạnh việc hình thành khu vực lao động chất lượng cao, thành phố vẫn phải thừa nhận và duy trì nguồn lao động phổ thông - một kiểu kinh tế phi chính thức. Điều này đồng nghĩa với việc nhìn nhận nhu cầu, sự đóng góp của lao động nhập cư và trách nhiệm mang lại các cơ hội tiếp cận an sinh xã hội bình đẳng cho họ.
Trong các nhóm giải pháp (trước mắt, lâu dài) để giải quyết việc làm cho người lao động, TPHCM đã nỗ lực để có thể chuyển đổi và tái đào tạo. Còn trong chính sách hỗ trợ an sinh, cơ sở giảm nghèo một cách bền vững được chính quyền thành phố đặt ra cùng lúc nhiệm vụ tăng/bù thu nhập và giải pháp tạo việc làm, đào tạo nghề, cải thiện điều kiện sống để giúp họ (và con cái) khi có tay nghề cao hơn, việc làm tốt hơn sẽ tăng thu nhập. Vì thế, dựa trên những ưu thế căn bản cộng với những gợi mở của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới tại các hội thảo với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đồng chủ trì, thành phố nên tiếp tục triển khai và phát triển mạng lưới an sinh xã hội theo 3 nhánh. Thứ nhất, tận dụng các chương trình và hệ thống triển khai đã có cho phép ứng phó nhanh chóng, liền mạch và giúp giảm tác động của các cú sốc; thứ hai, tập trung vào các chương trình trợ giúp xã hội có thể cung cấp hỗ trợ nhiều năm và có khả năng dự đoán để giúp mọi người tích lũy tài sản nhằm giảm bớt thiệt hại cũng như tác động kinh tế lâu dài do thiên tai; thứ ba, xây dựng một nền tảng chung để tập hợp nguồn kinh phí của chính phủ và các nhà tài trợ nhằm ứng phó với thiên tai một cách nhanh chóng.
Cũng theo ý kiến chuyên gia tại các diễn đàn tham vấn chính sách trên, chiến lược phát triển lao động việc làm trên địa bàn thành phố phải thúc đẩy mạnh mẽ tính liên kết vùng, nhằm: Chuyên môn hóa chức năng giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ, trong đó có lao động, việc làm; TPHCM sẽ chuyển dịch di cư lao động theo hướng ít hơn về số lượng nhưng có chọn lọc nguồn nhân lực chất lượng cao; TPHCM là tâm điểm kết nối hạ tầng, từ đó tạo hạ tầng nội vùng và liên vùng đồng bộ, nhất là ưu tiên xây dựng các trục đường vành đai 3, 4 xuyên qua các tỉnh Đông Nam bộ, góp phần tác động tổng hợp, tối ưu và lan tỏa nhanh đối với các khu vực ven đô và nông thôn.
Quyết định cho các chính sách nội vùng, liên vùng sớm ban hành, vận hành thì ngay khâu dữ liệu và nền tảng dữ liệu phải được thiết lập chính xác, “sạch” và vững chắc từ bây giờ, cũng như cần một “dữ liệu thực” mà chính quyền nào cũng có thể nỗ lực thực hiện ngay lúc này. Đó là tiếp tục chăm lo, hỗ trợ người dân (nhất là đối tượng yếu thế ) trong khả năng tối ưu có thể: Lao động mất việc được hỗ trợ, học nghề miễn phí; toàn bộ người từ 60 tuổi trở lên được thăm, khám, chữa bệnh miễn phí 100% trong tháng 10... Gió càng “nghịch mùa”, mạng lưới an sinh xã hội càng chuyển động mạnh mẽ!