Mang hy vọng đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

Tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), hàng chục năm nay, phật tử và các ni sư tại chùa Kim Sơn (xã Vĩnh Lương) đã dạy chữ, dạy nghề cho nhiều học sinh nghèo, mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt…

Nằm dưới chân đèo Rù Rì, ngoại ô thành phố Nha Trang, ngôi chùa Kim Sơn luôn vang vọng tiếng cười hồn nhiên của trẻ em nghèo, kèm theo đó là những âm thanh tập đánh vần, tiếng của máy may đang réo rắt hoạt động.

w4a-crop-2132.jpg
Cô Bùi Thị Bích Hợp (bìa phải) đang hướng dẫn các em nghề may

Được người dân chỉ đường và giới thiệu, chúng tôi đến chùa gặp sư cô Thích Nữ Diệu Hiếu. Sư cô cho biết, hiện chùa đang tiếp nhận 42 em có hoàn cảnh khó khăn. Tại lớp học tình thương, ngoài được dạy cho biết đọc, biết viết, biết làm toán, các em còn được học thêm nghề may. Chùa đã duy trì hoạt động này từ năm 1995 tới nay. Ban đầu, lớp học chỉ dựng tạm bằng tranh tre, nhưng sau này, được các mạnh thường quân, phật tử và người dân xung quanh quyên góp, ủng hộ nên trường học đã được xây dựng khang trang.

“Có thời điểm lớp học tiếp nhận đến hơn 100 em, nhưng những năm gần đây, các gia đình có điều kiện hơn nên cho các em theo học ở trường. Chùa cũng đã cố gắng giúp cho các em có cái nghề ổn định, nhiều em sau khi ra trường, đã làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp may, có cuộc sống ổn định”, cô Hiếu cho biết.

Chúng tôi đến lớp học may và khá bất ngờ với sự thuần thục công việc mà các em đang làm. Từ khâu kim, cắt chỉ đến cách các em ủi quần áo đều diễn ra rất thuần thục, như những người thợ lâu năm trong nghề. Chúng tôi gặp cô Bùi Thị Bích Hợp, giáo viên lớp học may đang đến từng bàn để kiểm tra, hướng dẫn cách may, ráp đồ. Cô Hợp kể, cô dạy ở đây từ năm 2006, đã gặp nhiều hoàn cảnh đặc biệt, đáng thương. Nhiều thế hệ từ lớp học này đã có công ăn việc làm ổn định, điều đó đã thôi thúc cô gắn bó với công việc.

Cô Hợp cho biết, tùy vào trình độ tiếp thu của từng em mà có cách hướng dẫn cho phù hợp. Các em được học từ cơ bản như đạp may vải đường thẳng, đường cong cho đến lúc có thể sử dụng máy công nghiệp để học lắp ráp các công đoạn sản phẩm. Ban đầu lớp chỉ có vài máy may, máy vắt sổ cũ, nhưng nhờ các sư đi xin ở nhiều nơi, ai có gì cho nấy, nên giờ lớp có được gần chục máy may. Ngoài ra, còn có kim chỉ, phụ liệu may đủ để các em thực hành.

Một chiếc áo đang được em Nguyễn Phi Hùng (14 tuổi) ủi phẳng phiu, không một nếp gấp. Khi chúng tôi hỏi về gia cảnh, em kể: “Gia đình em từ Đồng Nai ra đây sinh sống. Hàng ngày, mẹ em phải đi phụ hồ để kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhiều đêm về mẹ hay đau lưng. Có tiền, mẹ để dành đóng tiền trọ, mua thức ăn và mua quần áo mới cho chúng em”.

Qua tìm hiểu, Hùng có chị là Nguyễn Cẩm Tú (16 tuổi) và em gái Nguyễn Thị Hồng Nhung (13 tuổi) cũng đang theo học tại chùa Kim Sơn. Hàng ngày, 3 chị em đi bộ đến trường, sáng học chữ, chiều học may, buổi trưa các em được ăn cơm tại chùa do các cô ở đây nấu cho.

Khác với những lớp học ở những ngôi trường bình thường khác, ở đây, các bạn nhỏ có nhiều độ tuổi khác nhau, học chương trình khác nhau nhưng lại được ngồi chung một lớp. Qua bao năm tháng, nơi này đã gieo niềm đam mê học tập, giúp bao thế hệ trẻ em nghèo có con chữ, cái nghề và quan trọng là niềm tin, hy vọng trong cuộc sống. Những đứa trẻ học tại đây đều mang trong mình một cái tâm lương thiện vì đã được nuôi dưỡng từ mái chùa đong đầy tình yêu thương.

Tin cùng chuyên mục