Niềm vui bất ngờ
Bởi đã lâu lắm nơi đây mới có đoàn đến thăm, đoàn lại còn cắt tóc, trò chuyện cùng những mảnh đời bất hạnh đang nương tựa tại đây. Sau 15 phút ngồi yên để các chị đến từ Nhà Văn hóa phụ nữ TPHCM cắt tóc, ông Trần Văn H. (52 tuổi) bảo lâu lắm rồi mới được cắt kiểu tóc đẹp như vậy. Thấy ông H. có kiểu tóc mới, nhiều học viên khác lao xao bảo cũng muốn được cắt y như vậy. Chứng kiến niềm vui của ông H. và nhiều học viên, các chị trong đội làm tóc cảm nhận được sự hạnh phúc. Không chỉ được cắt tóc, hôm ấy, học viên của trung tâm còn được thưởng thức bữa cơm đầy ắp nghĩa tình do tiểu thương từ TPHCM gửi đến.
“Chỉ là những món ăn đơn giản như thịt kho trứng, nấm xào mướp, cải xào thịt bò, canh khoai mỡ… nhưng mọi người ăn rất ngon miệng. Đó chính là động lực để chúng tôi cố gắng có thêm những chuyến đi tiếp theo”, bà Trương Ngọc Yến, tiểu thương chợ Nguyễn Văn Trỗi, chia sẻ. Khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TPHCM lên kế hoạch tổ chức ngày hội “Thương nhân thành phố làm công tác xã hội từ thiện”, bà Ngọc Yến thông báo đến tiểu thương và nhận được sự đồng tình, chung tay của chị em trong chợ. Nghe các học viên ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức cần dầu gió, bà Yến cùng tiểu thương góp tiền mua hơn 1.000 chai dầu gửi tặng.
Ở một góc khuôn viên trung tâm, bà Lê Hồng Đào, tiểu thương, Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, bắt gặp bà N.T.N. ôm khư khư túi quà vừa được tặng, đôi mắt đượm buồn. Hỏi ra mới biết, bà N. nhớ cháu và nói sẽ để dành phần quà này cho cháu ngoại.
“Dù tâm trí lúc nhớ lúc quên, nhưng hình ảnh đứa cháu gái nhỏ đáng yêu luôn ghi nhớ trong lòng bà N. Ở đây, nhiều học viên hoàn cảnh rất đặc biệt, cần được chăm sóc, hỗ trợ. Ngoài số tiền ủng hộ chương trình, khi tham gia trực tiếp, thấy có hoàn cảnh cần hỗ trợ gấp, chúng tôi lại góp thêm”, bà Đào cho biết.
Cùng góp công, góp sức
Ngày hội “Thương nhân thành phố làm công tác xã hội từ thiện” năm 2022 do Hội LHPN TPHCM thực hiện có hơn 50 tiểu thương từ các chợ trên địa bàn TPHCM tham gia. Người góp tiền, người góp sức, góp dầu gió, quà bánh, rau củ. Nhờ đó, chương trình đã trao 759 suất quà, nấu được bữa ăn ngon cho các học viên; gửi 99 phần quà đến cán bộ, nhân viên của trung tâm và một phần quà đặc biệt cho nữ nhân viên bị bệnh hiểm nghèo; trao 29 suất học bổng cho con em cán bộ nhân viên trung tâm với tổng trị giá quà trên 400 triệu đồng.
Chứng kiến niềm vui của các học viên, bà Lê Thị Bích Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Xóm Củi, quận 8 (TPHCM), không giấu được niềm xúc động, khi ngày hội ý nghĩa và nhân văn này đã mang lại niềm hạnh phúc cho bà con nơi đây.
Bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, cho biết, ngày hội được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Chương trình hướng đến các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già neo đơn, người khó khăn, bệnh tật.
“Khi đến với trung tâm, thấy điều kiện làm việc vô cùng khó khăn, vất vả nhưng cán bộ công nhân viên ở đây luôn cố gắng mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho học viên, chúng tôi rất cảm phục. Mặc dù gặp nhiều khó khăn sau dịch Covid-19, nhưng bằng tấm lòng yêu thương, chia sẻ, các thương nhân TPHCM vẫn thu xếp công việc, vượt hơn 200km để đến thăm, tặng quà học viên ở trung tâm. Qua chương trình, chúng tôi mong muốn lan tỏa hơn nữa việc thiện nguyện, san sẻ yêu thương này đến với mọi người”, bà Trần Thị Phương Hoa bày tỏ.
Theo ông Đỗ Văn Quyết, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Bình Đức (xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), hiện trung tâm đang nuôi dưỡng gần 800 đối tượng lang thang, cơ nhỡ và người tâm thần không nơi nương tựa. Trước khi đến với trung tâm, mỗi người có hoàn cảnh riêng, nhưng vào đây mọi người đều được chăm lo như nhau. Mọi hoạt động của cán bộ, nhân viên trung tâm đều với mong muốn nơi đây luôn là “mái nhà chung”, gieo niềm hy vọng về một cuộc sống bình thường cho các học viên kém may mắn. |