Mang gió và lửa cao nguyên về Đường sách TPHCM

Ngày 22-2, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đắk Lắk phối hợp với Đường sách TPHCM tổ chức chương trình giới thiệu tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ Đắk Lắk với chủ đề “Cao nguyên gọi gió và lửa”. Đây là năm thứ hai công chúng TPHCM có cơ hội được chiêm ngưỡng và cảm nhận không gian Tây Nguyên ngay tại thành phố mang tên Bác.

Chương trình giao lưu “Cao nguyên gọi gió và lửa” là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột, Giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10-3-1975 - 10-3-2025) và hướng đến Kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025); đồng thời, góp phần quảng bá tuyên truyền các sự kiện Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 của tỉnh Đắk Lắk.

IMG_7396.JPG
Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk, phát biểu tại chương trình. Ảnh: QUỲNH YÊN

Theo chia sẻ của nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội VHNT Đắk Lắk, chương trình “Cao nguyên gọi gió và lửa” là tâm huyết và mong muốn của các văn nghệ sĩ, đó là được giới thiệu các tác phẩm VHNT Đắk Lắk về cà phê, qua đó, góp phần quảng bá và giới thiệu, đồng thời, mời các đại biểu, những người yêu vùng đất Tây Nguyên cùng đến với Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9, diễn ra từ ngày 10 đến 13-3 tại TP Buôn Ma Thuột.

IMG_7388.JPG
Tái hiện nghi thức uống rượu cần tại Đường sách TPHCM. Ảnh: QUỲNH YÊN

“Trong nhiều năm qua, các hoạt động VHNT của chúng tôi đều hướng đến các hoạt động truyền thống. Ngày hôm nay, chúng tôi giới thiệu 50 tác phẩm nhiếp ảnh, sáng tác hoàn toàn về cà phê. Đó là câu chuyện về cà phê từ lúc nảy mầm, được chăm sóc, nuôi dưỡng đến khi thu hoạch, chế biến. Mọi người cũng có thể cảm nhận được những nụ cười của đồng bào dân tộc thiểu số, hình ảnh của tất cả công chúng thưởng thức cà phê qua những hình ảnh đang được trưng bày tại Đường sách TPHCM”.

IMG_7412.JPG
Đại diện Ban tổ chức tặng quà lưu niệm cho Đường sách TPHCM và Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM. Ảnh: QUỲNH YÊN

Từ hàng trăm năm qua, Đắk Lắk ghi dấu ấn là vùng đất màu mỡ, là nơi hội tụ của 49 dân tộc. Bởi thế mà nền văn hóa, âm nhạc của vùng đất này rất phong phú, đậm đà bản sắc các dân tộc. Đắk Lắk cũng là nơi nổi tiếng với cà phê. Và không biết từ bao giờ, hình ảnh và hương vị nồng nàn đặc biệt của cà phê đã đi vào tác phẩm VHNT của biết bao lớp thế hệ nghệ sĩ.

IMG_7438.JPG
Các khách mời và văn nghệ sĩ của Đắk Lắk cùng hòa nhịp trong điệu xoang Tây Nguyên. Ảnh: QUỲNH YÊN

Tại chương trình, đông đảo khán giả và độc giả đã có cơ hội được lắng nghe những ca khúc và bài thơ về Tây Nguyên, về tình yêu với cà phê Buôn Ma Thuột do các nhạc sĩ Hội VHNT Đắk Lắk sáng tác như: Tiếng chiêng giao thời (NSƯT Y Phôn Ksor), Nhớ tháng Ba (Linh Nga Niê Kdăm), Lời cây đàn đá (thơ: Lê Giang, nhạc: Linh Nga Niê Kdăm), Lên cao nguyên đi anh (thơ Yên Ninh, nhạc: cố NSƯT Quang Dũng), Bản tình ca cà phê (Đặng Gia Duẩn), Ban Mê thành phố trẻ (nhạc sĩ Nguyễn Văn Hạnh)… cùng các trích đoạn thơ về Tây Nguyên của các nhà thơ Lê Vĩnh Tài, Vũ Dy, Lê Huy Thành, Đặng Bá Tiến…

IMG_7422.JPG
IMG_7345.JPG
Các tác phẩm âm nhạc đặc sắc mang âm hưởng Tây Nguyên do các văn nghệ sĩ của Đắk Lắk trình diễn. Ảnh: QUỲNH YÊN

Phát biểu tại chương trình, bà Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Đường sách TPHCM, cho rằng, chương trình “Cao nguyên gọi gió và lửa” có sự chuẩn bị và vận hành rất quy mô với rất nhiều tâm huyết của tất cả mọi người. “Chương trình ngày hôm nay không chỉ có gió và lửa mà còn có cả âm thanh, sắc màu và hương vị, là cơ hội để lan tỏa những tác phẩm VHNT tới công chúng, không chỉ riêng với người Đắk Lắk hay Tây Nguyên. Đắk Lắk là vùng đất của sử thi, của âm nhạc và của văn hóa. Việc lan tỏa này không chỉ riêng Đắk Lắk thôi đâu mà còn là văn hóa, bản sắc của Việt Nam”, bà Ánh Tuyết cho biết.

IMG_7427.JPG
Du khách thưởng lãm những hình ảnh về cà phê, về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột. Ảnh: QUỲNH YÊN

Ngoài chương trình giao lưu “Cao nguyên gọi gió và lửa”, với mong muốn lan tỏa và đem đến rất nhiều nét đặc sắc của văn hóa, vẻ đẹp con người Tây Nguyên, Ban tổ chức còn mang đến Đường sách TPHCM câu chuyện về cà phê và Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, những ký họa về các địa danh lịch sử, văn hóa của Đắk Lắk. Đặc biệt là câu chuyện về gốm truyền thống của dân tộc M’Nông Rlăm và du lịch huyện Lắk; những câu chuyện về thổ cẩm và đời sống văn hóa các dân tộc Tây Nguyên; trạm trưng bày các nhạc cụ dân tộc.

Tin cùng chuyên mục