Đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 trong cộng đồng, mấy tháng liền chịu giãn cách xã hội, nhưng Quỳnh Trang (27 tuổi, quê Phú Yên, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) vẫn cảm thấy may mắn hơn nhiều người vì Trang vẫn còn công việc, còn thu nhập đủ để trang trải cuộc sống nơi thị thành. Lần lữa mãi, Trang quyết định đặt vé về quê vào 25 tháng Chạp.
“Đúng một năm luôn, dịch bệnh cứ kéo dài, tôi chỉ có thể gặp ba mẹ, mấy anh chị em trong nhà qua những cuộc gọi video. Hai chị gái của tôi lập gia đình ở TPHCM cũng quyết định năm nay về quê sớm, đặt vé ngày 20 tháng Chạp rồi. Lúc trước, vì công việc rồi thi cử, có khi cả năm trời tôi mới về quê một lần, nhưng năm này thì khác, lúc này chỉ muốn về nhà thật sớm thôi”, Trang nói.
Vali quần áo để cận ngày về sẽ xếp, còn quà cáp về quê mấy ngày nay Trang đã bắt đầu gói ghém, nào bánh mứt, phong bao lì xì, quần áo mới cho ba mẹ…
Trang kể: “Ngày nào gọi điện thoại, ba mẹ cũng dặn coi tình hình dịch thế nào thì tranh thủ đặt vé về nhà, có phải thất nghiệp vì dịch thì về nhà ba mẹ cũng lo được. Mấy năm trước, tôi mua đồ tết, ba mẹ la vì sợ con cái tốn tiền nhưng thiệt tình hai ông bà già mừng lắm, mùng 1 tết mặc đồ mới liền, cô bác nào tới nhà cũng khoe áo mới con gái mua ở thành phố đem về. Không cần bạc tiền gì đâu, con cái đủ mặt trong nhà ngày tết là ba mẹ vui rồi, còn lại thì một chút quà đều quý cả”.
Hai năm trước, Nguyễn Ngọc Hải Đăng (24 tuổi, quê Tiền Giang, ngụ quận 12, TPHCM) nấn ná ở lại thành phố làm thêm vì mức thù lao trong 3 ngày xuân khá cao. Năm nay, quyết định về quê trước tết hẳn nửa tháng, Hải Đăng cho biết: “Lúc còn sinh viên, rồi mới ra trường lương không bao nhiêu, nên tết tôi ở lại thành phố làm thêm, còn năm nay thì tranh thủ về quê sớm thôi. Quê tôi cách thành phố không xa, vậy mà từ tết tới giờ dịch giã có về được đâu, nhà cửa, vườn tược gì cũng không phụ giúp được, chỉ có mẹ và em gái tôi lo”.
Hành trang về quê của con trai cũng nhẹ hơn con gái, xếp gọn mấy bộ quần áo là xong. Hải Đăng chia sẻ: “Mẹ tôi khéo lắm, bánh mứt tết tự tay mẹ làm, phần để trong nhà, phần tặng bà con trong xóm. Tôi là con trai, không khéo léo chuyện lựa quà cáp nên năm nào cũng để dành phong bao lì xì cho mẹ và em gái. Tiền mừng tuổi có xanh xanh, đỏ đỏ cho ngày tết thêm vui, chứ có đem tiền về hay không thì mẹ vẫn lo cho anh em tôi ăn học đầy đủ. Hồi đó còn là sinh viên, nói mừng tuổi chứ cũng đủ cho mẹ đi 2 buổi chợ là hết. Bây giờ đi làm có thu nhập, tiền mừng tuổi coi như phụ mẹ một tay để lo cho em gái. Tiền nhiều hay ít không quan trọng, cái chính là để mẹ an lòng, con cái lớn đã biết nghĩ cho mẹ, biết phụ lo cho gia đình”.
Nếu bạn là người đã đi làm thì gánh vác kinh tế phụ ba mẹ là chuyện đương nhiên; nếu bạn là sinh viên thì gói trà, hộp mứt nhỏ cũng là món quà lớn với ba mẹ. Ngày tết ai cũng mong đoàn viên, sum vầy nên chuyện mang gì về nhà đâu đáng để lăn tăn. Chị Phạm Trang (chuyên viên tham vấn tâm lý) cho rằng, không nhất thiết phải quan trọng “mang gì về cho mẹ”, mà cái chính là chúng ta biết nhớ về gia đình và những người thân yêu. Sau một năm quá nhiều bộn bề và vất vả, về nhà ngày tết với gia đình là đem lại nhiều niềm vui cho chính gia đình mình. Ý nghĩa của đoàn viên, đơn giản là vậy…
Tuổi trẻ với những năm tháng thanh xuân sôi nổi, người ta dễ bị cuốn theo những chuyến đi, bộn bề công việc hay mục tiêu để phấn đấu… mà đôi khi quên mất giá trị bình yên của gia đình. Có lẽ, những câu hát: “Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè/ Những ngày dài nhất trần đời là mẹ đi chợ mà chưa thấy về/ Thức ăn ngon nhất trần đời là cơm bếp củi mẹ nấu xoong gang/ Bước ra đời là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan”, lại càng ý nghĩa trong những ngày này. |