Phương Loan tâm sự: “Một tuần, tôi chỉ ăn ngoài với bạn vài ba lần, còn lại toàn ăn đồ nhà mang lên. Mang tiếng là đồ nhà nhưng cũng không rẻ hơn ở đây là bao, nhưng lại khiến tôi có cảm giác như luôn có mẹ bên cạnh chăm sóc, giúp tôi đỡ nhớ nhà trong năm đầu lên đây học. Tuy hơi lỉnh kỉnh nhưng riết thành quen, giờ mẹ tôi cũng có nhiều kinh nghiệm gói đồ nên không còn cảnh mỗi món mỗi túi như trước nữa. Bạn bè tôi lúc đầu cũng cho là phiền nhưng dần dần cũng thèm cơm nhà, sau đó cũng mang đồ ăn lên”.
Đại Phước - sinh viên Trường Cao đẳng Y dược Hồng Đức, cho biết: “Tôi ở trọ với 2 bạn chung lớp, phòng toàn con trai nên lười nấu ăn. Ba mẹ cũng hiểu nên mỗi lần từ quê lên, đứa nào cũng được rất nhiều đồ ăn tiếp tế, không thịt thì cá, mỗi nhà một món. Đồ ăn đầu tuần chất đầy cả tủ lạnh, ăn dần đến cuối tuần về quê là vừa. Ngon, bổ, rẻ mà lại còn tiện. Mẹ tôi nói, nếu đi chợ và nấu đồ ăn cho tôi mang lên mỗi tuần chỉ tốn khoảng 200.000 đồng, cộng tiền tiêu vặt của tôi nữa thì tiết kiệm hơn hẳn so với lúc mẹ đưa tiền tuần để tôi ăn ngoài”.
Còn Quốc Anh - sinh viên Trường Đại học Kiến trúc, chia sẻ: “Từ nhỏ tôi đã không có thói quen ăn cơm nhà, nhưng từ ngày lên thành phố học đến nay, mỗi lần về mẹ đều bắt phải mang theo một hộp trứng gà, một hộp thịt bò. Nhiều lần, tôi ngại không mang theo, nhưng đến khi nhiều đêm thức khuya làm đồ án hay những ngày nghỉ, lười ra đường, tôi mới thấy được công dụng của những món này”.
Việc đem đồ ăn từ quê lên thành phố đối với nhiều người tuy có hơi bất tiện nhưng đối với sinh viên đi học xa nhà thì lại lợi trăm đường. Sinh viên về quê chỉ cần hộp đồ ăn mẹ nấu, bó rau mẹ đi chợ mua, hoặc là những trái cây ba hái trong vườn, đã giúp sinh viên có được hương vị gia đình trong mỗi bữa ăn khi xa nhà. Hơn hết, đó là những bữa ăn tiết kiệm, an toàn, thay cho những lần “cơm hàng, cháo chợ” mà nơm nớp nỗi lo mất vệ sinh an toàn thực phẩm.