Trở lại Cà Mau sau 7 năm, tôi không mong tìm thấy những gì đổi thay theo hướng hiện đại của xứ sở này mà chỉ cốt tìm lại một chút cảm giác mặn mòi nơi mảnh đất phương Nam. Và càng mặn mòi hơn khi được chứng kiến tình cảm của những người con xứ này với chính quê hương mình.
Nhộn nhịp bến xe
Chiếc xe giường nằm của hãng Phương Trang khởi hành tại Bến xe miền Tây lúc 23 giờ 15 và sau khoảng 7 tiếng đồng hồ đã đưa tôi đến Cà Mau - mảnh đất nơi cuối trời của Tổ quốc. Dù mới hơn 6 giờ sáng nhưng xe cộ ra vào bến xe liên tỉnh khá nhộn nhịp và ngăn nắp. Xe 45 chỗ chạy liên tỉnh đậu ngay ngắn thành hàng trong bến, xe ôm cũng mời khách nhã nhặn, không có cảnh tranh giành khách; còn cổng vào và cổng ra riêng biệt, chạy một chiều khá trật tự. Nhìn qua một lượt tôi thấy có khá nhiều tuyến liên tỉnh: gần thì đi Cần Thơ, Đồng Nai; xa hơn một chút là Đà Lạt, Phan Rang và xa nữa ra tận phía Bắc như Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình… Nhiều nhất vẫn là xe đăng ký biển số 69 của tỉnh Cà Mau, từ xe buýt chạy xuống Năm Căn, U Minh cho đến xe đường dài của các nhà xe Tuấn Hưng, Phước Thành, Thanh Tuấn…, ra vào liên tục phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa cho người dân đất Mũi một cách thuận tiện.
Sau một hồi đắn đo, tôi chọn xe buýt để vào trung tâm thành phố và chỉ mất có 3.000 đồng cho 4km đường. Khách trên xe buýt cũng khá đa dạng, không chỉ có học sinh mà cả người buôn bán, người già đi khám bệnh… Mọi người nói chuyện khá rôm rả tạo nên một âm thanh hỗn hợp, thú vị với những khẩu ngữ địa phương, như bản hòa tấu cho một ngày mới…
Từ vùng quê “nước mặn đồng chua”
Trở lại Cà Mau lần này, tôi theo chân anh Lê Trọng Khang và những thành viên thuộc nhóm Những người bạn Sài Gòn (SGF). Khang vốn quê gốc ở ấp Kiến Vàng, xã Tân Hưng Tây, huyện Phú Tân, cách TP Cà Mau hơn 50km. Quê anh là vùng nước lợ với cơ man là rừng cây đước, cây mắm đặc trưng và đến nay người dân vẫn trung thành với lối nuôi tôm, cá theo kiểu quảng canh truyền thống. Do diện tích mặt nước khá lớn, dân thưa nên môi trường nước chưa bị ô nhiễm nặng, nhờ vậy bà con ở đây vẫn “sống khỏe” với ao nhà. Dượng Tám của anh Khang có vuông tôm hơn 16 công (1,6ha) nuôi bán thâm canh, mà nói theo lời ông thì “năm rồi trừ vốn mấy chục triệu đồng cũng thu lời hơn 100 triệu đồng, có cái lo cho con cái đi học trên thành phố”.
Ông có 7 người con thì hết 4 người học và lập nghiệp ở TPHCM; trong đó, con út đang học đại học ngành dược, 2 người đã tốt nghiệp bác sĩ thì một đang làm Trưởng khoa Tim mạch của Bệnh viện quận 1. Theo lời anh Khang thì khi còn nhỏ, “học trò ở đây cứ nhìn vào mấy người con lớn của dượng Tám mà phấn đấu, từ mượn sách khi còn ở quê đến nhờ hướng dẫn chỗ trọ, hướng nghiệp khi lên TPHCM ăn học”. Và cũng như nhiều gia đình nông dân chân chất khác của xứ nước ngập mặn này, gia đình anh Khang cũng đông anh em, có tới 11 anh chị em. Cũng từ những tấm gương của con dượng Tám mà anh Khang có hướng học hành, thành đạt để đỡ đần cha mẹ.
Về Phú Tân lần này, chúng tôi được tận hưởng cái mặn mòi của những con cua gạch chắc mẩy vàng ươm và tôm đất ngon nức tiếng. Tôm bắt lên chỉ cần rửa qua rồi đem hấp, mùi thơm của tôm cùng hương mặn của đất tỏa lên thơm phức, đánh thức vị giác của khách, xua tan đi mọi mệt nhọc của một chuyến hành trình dài và cho ta thêm yêu, thêm quý những miền đất của Tổ quốc.
Đường đến trường gần hơn
Sau nhiều năm ra trường, phấn đấu trong công việc, Khang hiện là giám đốc điều hành một chi nhánh công ty phần mềm của Mỹ (Dicentral Việt Nam). Ký ức về một thời đi học lam lũ vẫn còn nguyên trong anh: “Hồi học lớp 5 đến lớp 7, em học ở xã, chủ yếu là lội bộ và chèo ghe đến trường, thường mất hơn một giờ đồng hồ. Những hôm trời mưa lầy lội thì qua cầu khỉ vào sáng sớm là cực nhất, vì đầu cầu dính bùn đất, có thể bị trượt chân xuống kênh. Khi lên lớp 8 và sau đó học lên cấp 3 thì phải ra trung tâm huyện mới có trường để học, cách nhà khá xa nên mỗi tuần về nhà một lần. Ông già cất cho bốn anh em một cái nhà nho nhỏ, tự kiếm củi, kiếm cá nấu ăn”.
So với cách đây 15 - 20 năm thì đường sá đi lại giữa các ấp đã khá hơn rất nhiều khi có thêm nhiều cây cầu nông thôn được xây, đường bê tông đã nối dài về đến các ấp. Nhưng nếu so với học trò thành phố thì các em học sinh nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, thiệt thòi, nhất là với những gia đình nghèo và cận nghèo, không dư dả để mua xe đạp cho con em đến trường nên vẫn chủ yếu là đi bộ và đi nhờ ghe. Anh Khang đã đứng ra vận động trong nhóm Những người bạn Sài Gòn cùng tài trợ (Công ty cổ phần Âm nhạc Việt Thương, Nội thất Việt Xinh, Công ty Bảo hiểm PJICO Bến Thành…) để xây 2 cầu nông thôn, tặng xe đạp cho học sinh, tặng 5 bộ máy tính cho 2 trường học của 2 xã Tân Hưng Tây và Việt Thắng của huyện Phú Tân. Đây là 2 xã được chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 và đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015.
Cơn mưa nặng hạt kéo dài từ trưa không ngăn được những người dân của ấp nô nức lội bộ, vượt qua những đoạn đường dính đầy bùn đất để đến khu vực khánh thành cầu. Khó có thể diễn tả hết niềm vui của người dân xứ nước lợ khi bước qua cầu bê tông cốt thép vững chãi bắc qua con kênh. Việc đi lại của bà con sẽ thuận lợi hơn, nhất là trong mùa mưa, và nhất là niềm hạnh phúc của học sinh khi được nhận xe đạp, có em còn loay hoay chưa quen dắt xe, nhưng trong mắt các em ánh lên niềm vui vì từ đây đường đến trường sẽ gần hơn.
Lê Trọng Khang đang thai nghén một kế hoạch mới cho năm 2018 là vận động xây một cây cầu lớn hơn (có kích thước ngang 2,2m, dài hơn 70m, với kinh phí dự trù khoảng 650 triệu đồng) bắc qua sông Quảng Phú, xã Tân Hưng Tây. Anh rủ tôi ngày khánh thành cùng về dự để chung vui với bà con ở quê nhà. Tôi mường tượng, ngày đó chắc sẽ rất vui…