Ngày 10-2, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre cho biết, độ mặn 4‰ đã xâm nhập cách các cửa sông từ 32 - 44km, qua địa bàn các xã như: Giao Hòa (huyện Châu Thành), Sơn Phú (huyện Giồng Trôm), Mỹ Thạnh An (TP Bến Tre), Tân Thành Bình (Mỏ Cày Bắc), Cẩm Sơn (huyện Mỏ Cày Nam).
Ngoài ra, độ mặn 1‰ đã xâm nhập cách các cửa sông từ 46 - 55km. Dự báo từ nay đến ngày 15-2, mặn tiếp tục xâm nhập sâu và có xu thế tăng dần. Cấp độ rủi ro do thiên tai xâm nhập mặn tăng lên cấp độ 2.
Ngành chức năng khuyến cáo người dân cần thận trọng theo dõi diễn biến xâm nhập mặn, kiểm tra độ mặn trước khi sử dụng, nhất là tưới cho cây trồng và có kế hoạch vận hành, sử dụng cống ngăn mặn trữ ngọt phù hợp, chủ động ứng phó với xâm nhập mặn.
Cùng ngày, ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng cho biết, những ngày qua độ mặn ghi nhận tại các cửa sông và các cống tăng mạnh.
Ghi nhận vào trưa ngày 10-2, độ mặn tại Bến phà Đại Ân trên Sông Hậu là 1,8‰. Các cống tại hầu hết các cửa sông cũng ghi nhận được độ mặn tăng cao. Cụ thể cống Bà Xẫm ở mức 1,2 ‰, cống Cái Quanh 1,8%, cống Cái Xe 2,2‰…
Trước việc mặn tấn công các cửa cống, ngành chức năng huyện Long Phú đã cho đóng hoàn toàn các cửa cống nhằm bảo vệ nguồn nước ngọt bên trong, cũng như đảm bảo nước ngọt phục vụ trồng trọt.
"Những năm qua, dưới tác động khó lường từ hạn hán và xâm nhập mặn, cũng như giá vật tư nông nghiệp tăng mạnh nên diện tích xuống giống lúa vụ 3 của người dân đã giảm mạnh. Đến thời điểm hiện tại, tình trạng mặn tấn công mạnh nhưng vẫn chưa ghi nhận thiệt hại, tuy nhiên bà con không được chủ quan và nên theo dõi sát sao thông báo và hướng dẫn của ngành chức năng" - ông Lâm Văn Vũ cho biết.