Mắm cá lia thia đồng bưng Đức Huệ

Chẳng hiểu sao chị Út Lớn, lò mắm cá lia thia duy nhất và lớn nhất thị trấn Đông Thành cứ một hai muốn đãi khách món khoai mì ăn với mắm cá lia thia do chị muối.


Út Lớn có hai loại mắm lia thia, một loại chua, ăn nhanh và một loại mặn, có thể để ăn lâu hơn. Ảnh: ĐỖ KHUÊ
Út Lớn có hai loại mắm lia thia, một loại chua, ăn nhanh và một loại mặn, có thể để ăn lâu hơn. Ảnh: ĐỖ KHUÊ

Những củ khoai mì thực kỳ lạ, gọt vỏ khá ư là ‘trần ai khoai củ’. Nghĩ mình cũng từng một thời lên tận xã kinh tế mới Xuân Sơn mua hom mì về trồng ở HTX Vạn Phú 3. Thuở đó H34 được coi là thứ cứu đói quan trọng. Đến độ có thông tin còn nói lá mì bổ hơn thịt bò.

Thành thử, nhìn mấy củ khoai mì nhổ ngoài ruộng của chị Út Lớn mà cám cảnh chuyện xưa. Nhưng mì ở Đức Huệ khó lột vỏ, tuy không phải ngâm nước cả đêm như mì H34. Nghe đâu là giống khoai mì HLS11, luộc chín vàng đậm..

Đến khi chị Út Lớn dọn ra món khoai mì ăn với mắm cá lia thia, chẳng hiểu hình như hạp khẩu, tôi cứ tì tì từng củ khoai, một miếng khoai một miếng cá. Thỉnh thoảng mới chêm miếng thịt ba rọi. Ăn sao ngon gì đâu, ăn khoai mì mắm lia thia suốt buổi không ngó ngàng gì đến cơm...

Những ngày ‘ai ở đâu, ở yên đấy’, tiệm online ‘Ông Già’ bán khoai mì luộc với giá man rợ 100.000 đồng ký. May sao kiếm được mối khoai mì sống 25.000 đồng/kg, ship 15.000 đồng... Thèm khoai mì lại nghe ông bạn nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Vân ở Phong Điền, Cần Thơ, rao 5.000 một mớ khoai mì luộc ba người ăn mới hết, lại thương nhớ Cần Thơ...

Thị trấn Đông Thạnh, nhứt là xã đồng bưng Mỹ Thạnh Tây giáp giới Campuchia, là cái xứ phèn không trồng được gì ngoài lên liếp trồng keo lá tràm. Liếp lên xong để lại những con mương chạy dọc theo rừng keo chỉ có năn sống nổi. Ấy vậy mà lại là chốn sinh sôi cho giống cá được mệnh danh là ‘cá thiên đường’ (paradise fish).

Vừa nuôi làm cá kiểng nhờ màu sắc đẹp vừa làm cá đá độ vì con cá vốn tính hung hăng. Số lượng rất lớn dôi ra được người dân sáng chế ra món mắm cá lia thia - mắm đặc hữu của xứ phèn Đức Huệ. Ngoài xứ Đức Huệ, nơi muốn đến phải đi qua cái lò rượu Hiệp Hòa mà dân TPHCM nhiều người đã từng ‘xô xị’ [1],  không đâu có được món mắm cá lia thia.

Hai lần về xứ mắm cá lia thia là hai lần gặp gỡ với khoảng cách y như đầu và mút đũa. Hai lần cách nhau gần đúng tám năm; tháng 4-2013 và tháng 5-2021. Lần đầu gặp lò chị Thắm và lần hai gặp lò chị Út Lớn.

Thuở tiếp cận lò Võ Thị Hồng Thắm, chủ lò hai vợ chồng Đoàn Thị Út còn xúc cá thuê cho lò chị Thắm. Xúc cá thuở đó, chị Út Lớn ngậm ngùi cho biết, có bữa về tới nơi cân cá xong đói run, ngồi chờ không nghe nói tiền bạc gì, hai vợ chồng đành lủi ra về lục cơm nguội...

Chẳng biết từ lúc nào từ cá ‘thia thia’ trong Đại Nam quấc âm tự vị của ông Huình Tịnh Paulus Của và Việt Nam từ điển của Hội Khai trí tiến đức biến thành cá ‘lia thia’. Người Việt cả đời chỉ rút ra được một kinh nghiệm nghèo nàn mà vế đầu không lấy gì làm chắc. Vế sau xây dựng dựa theo vế đầu coi như cũng khá là trớt huớt: ‘Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi’.

Lần đầu nghe nói về mắm cá lia thia, đọc số điện thoại ghi trên nắp hũ mắm, chúng tôi đi Đức Huệ. Sau nhiều lần hỏi thăm mất gần hết buổi sáng, chúng tôi mới đến được lò mắm cá lia thia của vợ chồng chị Thắm.

Lúc đó chị Thắm không nhớ mình bắt đầu làm mắm con cá nghe thực ‘phiêu lưu’ từ lúc nào. Chị chỉ nhớ, lúc đó cá lia thia nhiều lắm, giá rẻ. Và, thay vì tiếp tục làm các loại mắm cá đồng truyền thống theo nghề của má truyền lại, chị thử làm mắm cá lia thia.

Lúc đó đứa con gái đầu của chị mới sanh, đến năm 2013 nó đã 17 tuổi. Có thể nói, tổ nghề mắm cá lia thia là chị Thắm. Nghề có vẻ thịnh dần lên nhưng chỉ phát tới một mức nhất định.

Cá lia thia ở Đức Huệ còn gọi là lia thia đồng, phân biệt với loài cá ‘ngầu đời’, thiện chiến hơn là cá lia thia Xiêm. Những con cá này có thể đá kéo dài cho tới khi song phương ‘đồng quy vu tận’, thân thể tàn liệt.

Trong khi cá lia thia đồng để hai hũ cá sát nhau, hai con cá nhìn nhau thờ ơ. Anh chồng Út Lớn, tên là Phạm Văn Bổn, nói cho qua: cá này kỳ lắm, muốn đá thì đá, không muốn thì thôi. Không dữ dằn như cá lia thia đá người ta nuôi.

Chị Thắm giữ nghề làm mắm liên tục bằng con cá lia thia mùa nước về năm trước, khoảng tháng Mười Â.L. cho đến mùa sa mưa năm sau vào tháng Tư Â.L. Lúc này lia thia đã biền biệt nơi đâu, người dân đi dặm cá mới bắt đầu bắt cá bãi trầu về bán cho chị Thắm làm mắm cá bãi trầu. Loài cá này họ cá sặc, nhỏ con, sống theo bầy. Tiếng địa phương xứ này quen gọi chúng là cá lòng ròng.

Lúc này ở rừng tràm cũng là mùa nấm tràm. Nấm tràm tươi nấu cháo ăn ngon lắm luôn. Lúc đầu nhai miếng nấm cảm thấy đắng đắng, nuốt vào mới nhận ra dư vị ngọt. Lần đầu tiên, tôi có dịp ăn nấm tràm tươi ở xứ này.

Lần thứ hai trở lại xứ ‘cá thiên đường’, điện thoại hai vợ chồng chị Thắm, anh Nhủ không ai bắt máy. May quá, có một ông bạn từng làm Truyền hình Long An cho số Út Lớn. Lò mắm này ‘lớn’ gấp nhiều lần lò mắm chị Thắm.

Có thể nói đây là lò mắm cá lia thia chuyên nghiệp với công suất bình quân 5.000 hũ (500mg) mỗi tháng. Ngoài cá lia thia, Út Lớn còn tận dụng nguồn cá rô bí của địa phương để làm mắm. Nguyên liệu cá rô bí rẻ, có không đều, nên khi trúng, hàng thường dội chợ khiến giá cá ‘dễ chịu’.

Hai vợ chồng Út Lớn lên được cái lò lớn như thế là cả một kỳ tích. Nhìn mấy chục cái tủ đông trong nhà Út Lớn cũng đoán được quy mô phần nào. Ban đầu, họ có một cặp ghe đánh đủ thứ cá, bán cho các lò mắm. Công việc làm ăn ba trồi bốn sụt, nghe lời ‘quân sư quạt mo’ một ông anh sang Campuchia đánh bạc kiếm vốn.

Sập vốn, trốn nợ, hai vợ chồng đi dặm từng ký cá cân cho lò chị Thắm như đã nói ở trên. Cá lia thia thời chị thắm 150.000 đồng/kg nguyên liệu đến thời Út Lớn là 300.000 đồng. Hai vợ chồng bắt đầu chí thú làm ăn từ sáu, bảy năm nay. Mắm lia thia thịnh lên chừng hai ba năm.

Họ sống được, giúp cho năm, sáu chục hộ chuyên cung cấp nguyên liệu cho lò, sống được theo họ. Mặt bằng cá lia thia được khai thác rộng hơn là cái xã Mỹ Thạnh Tây trước kia, phải đi xa hơn. Có khi qua tuốt Campuchia.

Sống chùm gởi nghề mắm lò Út Lớn còn có người chuyên đươn rổ bán cho dân dặm cá. Mỗi cái rổ hình giống như ‘bán nguyệt’, rộng tám tấc, có tay cầm, bà Nguyễn Thị Bảy, năm nay gần 80 tuổi, bán cho người dặm cá 400.000 đồng.

Tre trúc ở nhà không đủ, bà Bảy đi vào xóm mua thêm và chở bằng xe đạp về. Nghề của bà là nghề nghèo quá chịu không thấu, bèn tự học đươn rổ rá bán kiếm sống. Dân dặm cá lia thia đông lên, nghề phát lên giúp bà Bảy sống qua ngày.

Thế là suốt buổi trò chuyện về thứ mắm làm bằng loại cá mà người Việt chỉ có một kiến thức nghèo nàn, nói lấy được nhiều hơn là trải nghiệm - ‘lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi’ - tôi gặm hết mấy củ khoai mì với mắm cá lia thia. Mì ngon, mắm mặn, beo béo, thơm nứt mùi thính quyện với cá, với vài miếng ba rọi ăn kèm, thiệt là ngon cái ngon bất ngờ.


[1] Kiểu pha rượu cứ một chai soda pha với một xị rhum Hiệp Hòa uống với đá một thời nổi tiếng.

Tin cùng chuyên mục