Malaysia với chiến lược phát triển ngành bán dẫn

Với chủ đề “Tăng cường tính linh hoạt và khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu”, triển lãm Semicon Đông Nam Á 2024 dành cho ngành công nghiệp điện tử trong khu vực vừa diễn ra ngày 28-5 tại Malaysia.

Chiến lược 3 giai đoạn

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim khẳng định, trong 50 năm phát triển và trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ 6 về chất bán dẫn và thứ 10 về các sản phẩm điện - điện tử (E&E), Malaysia tự tin có đủ năng lực mạnh mẽ để đa dạng hóa và tiến lên cao hơn trong chuỗi giá trị, bao gồm thiết kế chất bán dẫn, lắp ráp và thử nghiệm thuê ngoài (OSAT), đóng gói tiên tiến cũng như thiết bị sản xuất chất bán dẫn phức tạp.

Theo ông Ibrahim, tầm nhìn của Malaysia là tạo ra hệ sinh thái được thúc đẩy dựa trên các công ty địa phương năng động, mang đẳng cấp quốc tế để cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu dựa trên sự đổi mới, sáng tạo. Vì vậy, Malaysia tự định vị mình là “cầu nối” để kết nối các bên sẵn sàng hợp tác công nghệ, cũng như tự coi mình là “trung lập” để đảm bảo tất cả hoạt động hợp tác công nghệ đều phục vụ mục đích tích cực. Nhu cầu về chất bán dẫn trên toàn cầu dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Malaysia đang nỗ lực tham gia vào thị trường này, với mục tiêu trở thành trung tâm của ngành bán dẫn ở châu Á.

Đáng chú ý, ông Ibrahim công bố tổng quan kế hoạch Chiến lược bán dẫn quốc gia của Malaysia với 3 giai đoạn, bao gồm xây dựng nền tảng OSAT, phát triển các nhà máy và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; thiết kế, chế tạo và thử nghiệm chip bộ nhớ và logic tiên tiến; tăng cường hỗ trợ phát triển cho các công ty thiết kế chất bán dẫn, thiết bị sản xuất, đóng gói tiên tiến mang đẳng cấp quốc tế và thu hút người mua chip tiên tiến. Để hiện thực hóa Chiến lược bán dẫn quốc gia, chính phủ Malaysia đặt ra 5 mục tiêu, phân bổ ít nhất 5,3 tỷ USD hỗ trợ tài chính kèm theo các ưu đãi. Ngoài ra, để tái khẳng định cam kết trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu trong ngành bán dẫn, Lực lượng đặc nhiệm chiến lược bán dẫn quốc gia được thành lập nhằm tập trung vào việc thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển cũng như thúc đẩy thương mại hóa chất bán dẫn công nghệ.

Bộ trưởng Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia, ông Tengku Datuk Abdul Aziz, cho biết, xuất khẩu chất bán dẫn hiện chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, qua đó giúp Malaysia trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 6 trong lĩnh vực này. Với kinh nghiệm xây dựng và phát triển ngành bán dẫn trong 50 năm qua, Malaysia sẽ tiếp tục nâng cao vị thế và vai trò trong ngành bán dẫn thông qua ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI).

bandan.jpg
Nhà máy Micron tại Penang, Malaysia. Ảnh: TECHWIRE ASIA

Hỗ trợ toàn diện

Với chính sách hỗ trợ tốt, cơ sở hạ tầng hiện đại và đội ngũ lao động có trình độ tay nghề cao, Malaysia đang trở thành điểm đến lý tưởng đối với các doanh nghiệp đang tìm cách thiết lập sự hiện diện và mở rộng hoạt động kinh doanh ở châu Á.

Năm 1972, một cánh đồng lúa nằm ở ngoại ô Penang trở thành cơ sở sản xuất đầu tiên bên ngoài Mỹ của Intel, sau khi chính phủ Malaysia giới thiệu những ưu đãi mạnh mẽ theo Đạo luật Khu vực thương mại tự do năm 1971 nhằm thu hút các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu. Đạo luật đã tạo nên một khu vực thương mại tự do trên đảo Penang, với các chính sách miễn thuế, xây dựng khu công nghiệp, nhà kho và phát triển một hệ thống vận tải đường bộ liên kết với cảng biển tại đây. Gần như ngay sau đó, các công ty bán dẫn như National Semiconductors, AMD, Motorola, HP, Renesas và Texas Instruments... đã đổ bộ vào Malaysia.

Lúc này, mục tiêu của Malaysia chỉ là tạo công ăn việc làm cho người dân. Với rào cản gia nhập thị trường thấp, các tập đoàn bán dẫn ngay lập tức bị cuốn hút bởi một lực lượng lao động giá rẻ và có trình độ tiếng Anh tốt. Năm 1986, Chính phủ Malaysia khởi xướng “Chương trình Quy hoạch công nghiệp tổng thể” nhằm nâng cao khả năng sản xuất quốc gia, trong đó bán dẫn được định hướng là một lĩnh vực chủ chốt. Ngay trước đó, Viện Hệ thống vi điện tử Malaysia (MIMOS) đã được thành lập trực thuộc Văn phòng Thủ tướng vào năm 1985 với mục tiêu nuôi dưỡng ngành bán dẫn trong nước, tạo điều kiện để có những đổi mới trong ngành và bắt kịp thị trường toàn cầu.

Đầu thế kỷ 21, Malaysia lại phải đối mặt với một thử thách mới khi các trường đại học trong nước không đào tạo được số lượng và chất lượng các nhà khoa học và kỹ sư cần thiết cho các doanh nghiệp như Intel, AMD và Renesas - tất cả đều có nhu cầu tuyển thêm nhiều kỹ sư. Giữa năm 1997 và 2007, khi xem xét tiềm năng mở rộng hoạt động sản xuất chip sang các quốc gia châu Á, 7 tập đoàn đa quốc gia đã đánh giá Malaysia không phải là một lựa chọn hấp dẫn - và thay vào đó, họ chọn Trung Quốc.

Nhưng đến năm 2024, bức tranh của Malaysia đã trở nên hoàn toàn khác. Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung bắt đầu có ảnh hưởng nặng nề đến ngành bán dẫn, và điều này dường như đã đem lại sức sống mới cho lĩnh vực bán dẫn của Malaysia. Các công ty OSAT đổ bộ vào quốc gia Đông Nam Á này, giúp Malaysia kiểm soát 13% thị phần đóng gói và kiểm thử chip toàn cầu. Đây là một diễn biến có thể thấy rõ trong dòng tiền ngày càng chảy mạnh vào quốc gia này. Tổng giá trị FDI của Malaysia đạt gần 40 tỷ USD vào năm 2023, cao hơn gấp đôi tổng vốn FDI năm 2019.

Tin cùng chuyên mục