Tình trạng dân số già sẽ dẫn tới một loạt thách thức về xã hội như nguy cơ nghèo đói cao, gánh nặng cho hệ thống y tế và thiếu hụt nguồn lao động. Một cuộc khảo sát xã hội học gần đây cho thấy 26,1% số người được hỏi ở độ tuổi trên 60 tại Malaysia cho biết họ sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi sức khỏe suy yếu vì phải tích lũy thu nhập để đảm bảo cho nhu cầu nghỉ hưu.
Thống kê của Quỹ tiết kiệm dành cho nhân viên Malaysia (EPF) cho thấy cứ bốn người thì có một người thực sự cạn kiệt tiền tiết kiệm trong vòng 5 năm sau khi đến tuổi rút tiền. Trên thực tế, những quy định của EPF hiện nay sẽ khiến nhiều người Malaysia không thể duy trì mức sống hợp lý khi nghỉ hưu hoặc quản lý các rủi ro về tuổi thọ.
Từ thực tiễn đó, Malaysia ưu tiên đầu tư cho “nền kinh tế tóc bạc” - cụm từ được các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản sử dụng gần đây. Theo đánh giá, nếu được phân bổ nguồn lực cho khu vực này, Malaysia có thể tự mình khai thác tiềm năng của một thị trường đang mở rộng nhanh chóng, ước tính trị giá 15.000 tỷ USD, do nhu cầu và sở thích của cơ sở người tiêu dùng già hóa.
Để thực hiện, Thủ tướng Anwar Ibrahim đề ra giải pháp cụ thể. Đó là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ cho người cao tuổi, đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế, công nghệ; khuyến khích người cao tuổi tham gia lực lượng lao động và phát triển hệ thống an sinh xã hội, theo đó mở rộng bảo hiểm y tế, lương hưu, hỗ trợ tài chính cho người cao tuổi.