Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Văn phòng Thủ tướng, Thủ tướng Mahathir cho biết quyết định trên được đưa ra do các nhóm lợi ích lợi dụng vấn đề này để gây chia rẽ trong nước, dẫn tới rối loạn chính trị.
Thủ tướng Mahathir Mohammad nêu rõ: "Dường như có nhiều sự nhầm lẫn về Quy chế Rome, do đó chúng tôi sẽ không gia nhập. Quyết định này không phải vì chúng tôi phản đối (Quy chế Rome), mà bởi sự hỗn loạn chính trị mà việc công nhận quy chế này mang lại, do các nhóm lợi ích gây ra".
Theo Thủ tướng Mahathir Mohammad, các chính trị gia đối lập đã gây hoang mang trong tâm trí người dân rằng quy chế tòa án này vô hiệu hóa các quyền của người Mã Lai và quyền của các quân chủ.
Malaysia là quốc gia quân chủ lập hiến, có 9 quân chủ kế tập lần lượt được bầu chọn làm Quốc vương đồng thời là nguyên thủ quốc gia của nước này.
Ngày 4-3 vừa qua, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah đã ký hiệp ước tham gia ICC, sau khi nội các Malaysia phê chuẩn quyết định này. Theo đó, Malaysia trở thành thành viên thứ 124 của ICC kể từ khi tổ chức này thành lập năm 2002.
Theo chính phủ mới (lên nắm quyền vào tháng 5-2018) ở Malaysia, với việc gia nhập ICC, Malaysia có thể đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề liên quan đến tội ác chống lại loài người.
ICC là tòa án quốc tế thường trực truy tố các cá nhân phạm những tội ác nghiêm trọng nhất đối với nhân loại như tội ác chiến tranh, diệt chủng..., xử lý những vụ lạm dụng tồi tệ khi các tòa án quốc gia không thể hoặc không sẵn lòng truy tố. Trong thời gian gần đây, tòa án có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) này đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi không nhận được sự hưởng ứng từ các quốc gia thành viên.
Burundi là quốc gia đầu tiên rút khỏi ICC vào năm 2017, trong khi Philippines cũng đã tuyên bố ý định rút khỏi tòa án này.