CAAM đang tập trung đầu tư hiện đại hóa cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các sân bay, tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng cũng như dịch vụ quản lý không lưu. Cục trưởng CAAM - ông Norazman Mahmud, cho biết DSP được triển khai theo từng giai đoạn nhằm cải thiện quy trình quản lý, đảm bảo an toàn và tính bền vững trong ngành hàng không thông qua chuyển đổi số.
“CAAM áp dụng công nghệ để nâng cao tính an toàn, bảo mật và hiệu quả chung của ngành hàng không, đồng thời định vị ngành này là động lực kinh tế để phát triển kinh tế bền vững của Malaysia”, ông Mahmud nói.
Sáng kiến DSP gồm 3 giai đoạn chính. Trong giai đoạn đầu tiên, CAAM tập trung vào các cải tiến, nâng cấp công nghệ để tạo tiền đề triển khai giai đoạn thứ hai như số hóa quy trình giám sát, vận hành, cấp giấy phép... Dựa trên những kết quả của 2 giai đoạn đầu, CAAM sẽ triển khai các dự án phức tạp hơn trong giai đoạn 3 nhằm củng cố hệ sinh thái hàng không.
![Khu vực nhập cảnh tự động ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Ảnh: KLIA R8b.jpg](https://image.sggp.org.vn/w1000/Uploaded/2025/rfnan/2025_02_18/r8b-3239-1601.jpg.webp)
Người đứng đầu CAAM cho biết, một trong những sáng kiến quan trọng trong DSP là phát triển hệ thống cấp phép điện tử. Đây là nền tảng trực tuyến tiên tiến được thiết kế để hỗ trợ nhân viên hàng không nộp đơn xin cấp phép dưới hình thức kỹ thuật số, qua đó cải thiện hiệu suất làm việc và giảm thời gian xử lý.
Hệ thống này dự kiến sẽ được triển khai cuối tháng này. Ngoài ra, CAAM đang nỗ lực thiết lập hệ thống dữ liệu toàn diện vào năm 2027, nhằm tăng cường khả năng giám sát, đảm bảo an toàn và dự đoán rủi ro trong ngành hàng không.
“Đến năm 2028, tất cả dữ liệu liên quan đến an toàn hàng không sẽ được kết nối với nhau, qua đó cho phép tiếp cận chủ động với việc giám sát, đảm bảo an toàn, tăng tính minh bạch và giảm đáng kể thời gian điều tra các sự cố máy bay”, ông Mahmud nói.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động và đảm bảo an toàn hơn nữa, CAAM có kế hoạch đưa vào sử dụng một “tháp không lưu ảo kỹ thuật số” để cải thiện công tác quản lý không lưu từ xa, đặc biệt là tại các sân bay trong khu vực. Theo ông Mahmud, DSP phản ánh cam kết của CAAM trong phát triển ngành hàng không thông qua cải thiện quy trình quản lý, tăng cường tính minh bạch và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của ngành.
Có thể thấy, thời gian qua, quốc gia Đông Nam Á đang đẩy mạnh công cuộc số hóa, tự động hóa. Cuối tháng 12 năm ngoái, Cục Di trú Malaysia đã mở rộng cơ sở dữ liệu của cổng tự động nhập cảnh để đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục cho du khách đến từ 53 quốc gia và vùng lãnh thổ. Danh sách mở rộng gồm 26 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), 17 quốc gia châu Âu ngoài EU, 6 quốc gia Arab, cùng với Canada, Trung Quốc, Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) và lãnh thổ Đài Loan.
Chính phủ Malaysia thực hiện bước đi này nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ công thông qua việc tăng số lượng máy quét hộ chiếu tự động cho các du khách nhập cảnh. Hiện Malaysia đang đặt 1.568 máy quét hộ chiếu tự động tại các điểm nhập cảnh vào nước này. Trong khi đó, Bộ Nội vụ đang xem xét triển khai thêm hệ thống mới hiệu quả hơn sử dụng công nghệ quét mã QR tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình kiểm tra cho du khách.