Cùng nhau vượt khó
Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (gọi tắt Trung tâm) là cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, được hình thành từ tâm huyết của gia đình cố nhà báo Võ Hồng Sơn, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng. Năm 2014, mẹ ruột cố nhà báo Võ Hồng Sơn hiến hơn 4.500m2 đất để xây dựng Trung tâm, với mong muốn góp phần chia sẻ với quê hương trong việc nuôi dạy, tạo nghề, chữa bệnh cho trẻ em khuyết tật, để các em có cuộc sống tốt đẹp hơn, xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng. Đến lượt các con cháu xắn tay áo góp công sức xây dựng, nhưng khó khăn nhất lại là việc đưa trường đi vào hoạt động một cách quy củ.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Hoàn thành việc xây dựng, ổn định được công tác tổ chức thì đến vấn đề đào tạo đội ngũ trực tiếp giảng dạy. Các giáo viên vào đây đều chưa có kinh nghiệm dạy học cho các cháu khuyết tật, khiếm thính. Tôi phải trực tiếp đi mời, thuyết phục các nhà tư vấn tại TPHCM, Quảng Ngãi về hướng dẫn các thầy cô. Các giáo viên trẻ của tôi trong thời gian ngắn đã cố gắng vừa học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với các cháu khiếm thính, vừa tiếp thu phương pháp dạy học cho các cháu”. Giờ đây, không chỉ nuôi dạy, các cháu còn được quan tâm đào tạo nghề. Rất nhiều cháu đã tự làm ra sản phẩm và có thu nhập từ việc bán các sản phẩm này. Từng bước khởi đầu và phát triển của trường đều có sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương và các nhà tài trợ.
Mỗi năm, Trung tâm nhận nuôi dạy hoàn toàn miễn phí 100-120 trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Chi phí ăn uống mỗi tuần cho trẻ vào khoảng 12-15 triệu đồng. Toàn bộ thực phẩm đều đặt mua ở siêu thị để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Rồi tiền lương giáo viên, nhân viên, bảo mẫu… Trung tâm đã vận dụng mọi mối quan hệ thân thiết, bạn bè ở khắp nơi để vận động nguồn kinh phí cho hoạt động.
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, có thời điểm Trung tâm buộc phải quyết định cắt giảm 50% phụ cấp của giáo viên, nhân viên, bảo mẫu. Dù phải gồng mình căng kéo, lo toan cho cuộc sống riêng nhưng không ai có ý định bỏ cuộc. Biết thời gian tới còn nhiều khó khăn, các giáo viên, nhân viên ở đây đã chủ động chăn nuôi và trồng trọt. Quyết tâm không bỏ trống khoảnh đất nào, họ đã tự bỏ công để gà vịt dần lớn, vườn rau thêm xanh, góp phần cung cấp dinh dưỡng cho các cháu. Bên cạnh đó, các giáo viên còn tình nguyện không nhận tiền bồi dưỡng trực nội trú ban đêm để góp thêm vào bữa ăn cho học sinh.
Mái nhà hy vọng của chúng em
Cô Nguyễn Thị Thanh Thảo, đã dạy ở Trung tâm 3 năm, kể: “Lúc đầu, mình cũng gặp khó khăn khi dạy trẻ khuyết tật, nhưng gần gũi rồi thì rất thương các em. Có một điều chắc chắn là cho dù khó khăn, thiếu thốn thế nào thì các cô giáo nơi đây đều sẽ ở bên bọn trẻ và bên cô Hà, góp sức cùng Trung tâm đem tới niềm hy vọng cho các cháu”.
Ông Cao Hoài Nam (xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) có con đang học lớp khiếm thính khó khăn 2. Ông Nam chỉ có mảnh ruộng 2 sào để nuôi 3 đứa con. Ông cảm kích: “Nhờ Trung tâm mà con tôi có nơi học hành như những đứa trẻ bình thường. Là cha mẹ, chúng tôi chỉ mong nụ cười của con mãi vui thì dẫu có nhọc nhằn chúng tôi cũng chấp nhận. Cô Hà cùng các cô giáo ở đây đã san sẻ nỗi lo cùng chúng tôi. Vì vậy mà khi cô cần, chúng tôi luôn sẵn sàng góp sức”.
Từ vùng biển, ngư dân Lê Văn Quang (xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi) gửi con lên cho các cô giáo nơi đây chăm sóc, bản thân ông suốt ngày đêm lênh đênh trên biển. Ông nói: “Trung tâm trở thành mái nhà thứ hai của con tôi trên đất liền, để chúng tôi - những ngư dân yên tâm vượt sóng ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt, giữ biển”.
Em Phạm Thanh Quý (lớp khó khăn 5) được đại diện 115 học sinh Trung tâm nói lên nguyện vọng: “Chúng em có một nơi để học tập, vui chơi, để được yêu thương, dạy dỗ là nhờ có mẹ Hà và các cô, chú - những tấm lòng hảo tâm đã mang trái tim nhân ái đến với chúng em. Chúng em đã biết ước mơ, gắn kết bạn bè và mong muốn trở thành công dân có ích cho xã hội”.
Trong năm học 2020-2021, Trung tâm tiếp nhận 50 học sinh vào học nghề, trong đó có 27 học sinh đủ điều kiện để học nghề theo chương trình hỗ trợ của Sở LĐTB-XH tỉnh Quảng Ngãi, 23 học sinh còn lại học nghề may, thêu lắc tay và thêu vi tính bằng nguồn kinh phí của Trung tâm. Mong sẽ có thật nhiều những tấm lòng nhân ái cùng chung tay góp sức giúp các em nhỏ kém may mắn được chăm sóc, dạy dỗ, đào tạo chu đáo để trở thành những công dân có ích cho xã hội. |