Những thiên thần bị bỏ rơi
“Nấm ơi, uống sữa nha con”, bé Nấm, 6 tháng tuổi, đang được chăm sóc ở Khoa Bệnh lý sơ sinh (BV Nhân dân Gia Định), nhoẻn miệng cười khi nghe điều dưỡng trưởng Trần Thị Thanh Thúy gọi tên. Bé Nấm bị bỏ lại bệnh viện từ khi còn đỏ hỏn, mới rời lòng mẹ. Để những đứa trẻ kém may mắn như Nấm có chút hơi ấm tình thân, các bác sĩ, điều dưỡng đã thay nhau ẵm bồng, chơi đùa với các cháu. Có “mẹ” còn tranh thủ nấu cháo, đút ăn, mua bỉm tã, quần áo cho các bé có cái thay đổi mỗi ngày. Nhiều đêm, các bé khó ngủ, bác sĩ trực phải ẵm ru trong lòng, đưa vào phòng trực ngủ cùng mình. Các bé cứ thế cứng cáp dần lên bên các “mẹ”, bụ bẫm và đáng yêu.
Điều dưỡng Thúy cho biết, thông thường, sau 7-10 ngày điều trị bệnh lý, trẻ sẽ được ba mẹ đón về. Nhưng thực tế, mỗi năm có hàng chục bé bị bỏ lại bệnh viện. Năm 2020, có 10 bé bị bỏ rơi như thế, đây cũng là năm đặc biệt đối với các bác sĩ, điều dưỡng trong khoa. “Các bé thường chỉ ở lại khoa tầm 2 tháng rồi được chính quyền địa phương làm thủ tục gửi vào trung tâm bảo trợ xã hội. Năm rồi dịch Covid-19, thủ tục bị chậm, có bé đến 11 tháng mới rời đi. Bởi vậy mà chúng tôi quyến luyến, tình cảm dành cho các bé rất nhiều”, chị Thúy tâm sự.
Tại Khoa Sơ sinh BV Hùng Vương, điều dưỡng Hồ Thị Ngọc Loan bâng khuâng đứng nhìn mấy chiếc cũi trống không, xếp gọn ở một góc phòng. Sáng nay, một số bé đã được chuyển đến Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình. Có chút thời gian nghỉ ngơi, chị lấy điện thoại ra ngắm hình các bé: “Lúc đưa con đến nơi ở mới, tôi đã chọn cho chúng bộ quần áo màu xanh, hy vọng các con sẽ gặp may mắn trong cuộc sống sau này…”.
Bị bỏ lại Khoa Sơ sinh BV Hùng Vương đa phần là trẻ sinh non, dị tật, bị các bệnh lý bẩm sinh, gia đình khó khăn, thai ngoài ý muốn, và có cả trẻ bị bỏ rơi ngoài bệnh viện… “Nhiều trẻ ban đầu cũng có cha mẹ, ông bà đến thăm nom, được một thời gian thì gia đình bặt tăm. Sau vài tháng điều trị, nằm lồng ấp, các con khỏe mạnh, xinh đẹp, BV liên hệ với gia đình nhưng họ không nghe máy. Chúng tôi thì đâu nỡ bỏ rơi các con!”, chị Loan bùi ngùi kể. Hàng ngày chứng kiến biết bao đứa trẻ được cha mẹ ẵm bồng ra vào bệnh viện, vỗ về, chăm sóc, rồi quay nhìn các bé trong khoa chưa từng được gần hơi ấm của mẹ, các bác sĩ, điều dưỡng càng muốn bù đắp cho các bé nhiều hơn.
Gửi gắm qua những cái tên
Các thành viên Khoa Bệnh lý sơ sinh BV Nhân dân Gia Định không thể nhớ chính xác khoa đã có tất cả bao nhiêu “đứa con” như vậy, nhưng tên của các bé thì họ không quên, bởi mỗi lần đặt tên, cả khoa đều suy nghĩ, thảo luận kỹ càng. Mỗi cái tên được chọn đều có ý nghĩa gắn liền với kỷ niệm về bé, hoặc gửi gắm mong ước bé lớn lên có một tương lai tươi sáng hơn.
“Bé Ngọc Mai “già đời” ở khoa nhất, mãi 11 tháng mới vào trung tâm. Còn đây là cu Kim Thành, lúc mới sinh có hơn 1kg, giờ 9 tháng rồi, rất cứng cáp! Này là Thành Nhân, trắng tươi, yêu lắm! Bên trung tâm mới chụp hình, quay clip gửi về cho các mẹ coi đặng đỡ nhớ”, điều dưỡng Thúy mở điện thoại khoe hình các bé, giọng lạc đi vì xúc động.
“Bọn trẻ ở đây gần 1 năm trời, chúng tôi thương như con, cháu mình. Ngày đưa các bé vào trung tâm bảo trợ, cả khoa ai cũng khóc. Bữa giờ chúng tôi muốn đi thăm, nhưng lại sợ các bé nhớ nên thôi. Để ít bữa nữa, các bé quen môi trường mới đã”, bác sĩ Nguyễn Trần Thị Huyền Dung, Trưởng Khoa Bệnh lý sơ sinh BV Nhân dân Gia Định, chia sẻ.
Bằng tình yêu bản năng của người phụ nữ, các điều dưỡng hiểu tính nết từng trẻ. Không chỉ đặt tên thật đẹp, các cô còn xỏ lỗ tai, gom góp sắm cho các bé gái đôi bông tai xinh xắn bằng bạc. “Niềm mong ước lớn nhất là những đứa trẻ thiếu may mắn này sẽ được một gia đình nhân hậu nhận nuôi, để các bé được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ. Đó cũng là niềm hạnh phúc vô bờ của chúng tôi”, chị Loan, điều dưỡng Khoa Sơ sinh BV Hùng Vương, đã trải lòng như thế!
Theo bác sĩ Bùi Thị Thủy Tiên, Trưởng Khoa Sơ sinh BV Hùng Vương, hơn 10 năm qua, khoa đã chăm sóc, nuôi nấng gần 400 trẻ bị bỏ rơi. Sau những ngày nằm lồng ấp, sức khỏe ổn định, bác sĩ, điều dưỡng sẽ thay phiên nhau chăm lo tươm tất trước khi chuyển bé về các trung tâm. Ở đây, trẻ không bị phân biệt đối xử, mà được điều trị, chăm sóc chu đáo để lớn lên khỏe mạnh. Đó là cách các bác sĩ, điều dưỡng bù đắp những thiệt thòi mà trẻ phải gánh chịu từ khi mới chào đời. |