Sử thi Tây Nguyên là thể loại tự sự dân gian truyền miệng vẫn được lưu giữ trong trí nhớ của nhiều nghệ nhân đồng bào dân tộc Tây Nguyên và thường được diễn xướng (hát) trong các dịp sinh hoạt cộng đồng. Nhưng hiện nay, người hát sử thi Tây Nguyên còn lại rất ít và đang sống trong cảnh “gần đất, xa trời”. Mai này còn ai hát sử thi Tây Nguyên cho hậu thế nghe là câu hỏi nhức nhối nhất trong việc bảo tồn sử thi ở Tây Nguyên.
Tây Nguyên hiện còn rất ít người biết hát sử thi của đồng bào dân tộc mình, hầu hết sắp về “bến nước ông bà” (cách nói về cái chết của đồng bào Tây Nguyên - phóng viên).
Ngôi sao của làng
Trong ký ức của nhiều người dân ở xã Đắk Rơ Wa (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum), ngôi làng Kon Klor 2 là vùng đất sản sinh ra nhiều nghệ nhân hát sử thi thiên tài. Chúng tôi tìm đến ngôi làng nằm nép mình bên dòng sông Đắk Bla huyền thoại. Ông A Banh (Trưởng thôn Kon Klor 2) trầm ngâm: “Đúng là vùng đất này từng có nhiều người như thế. Nhưng cuối cùng họ cũng về với Giàng. Giờ đây làng chỉ còn mỗi già A Lưu (74 tuổi) là biết kể thôi”. Theo ông Banh, già A Lưu thuộc diện hộ nghèo trong thôn, cuộc sống mưu sinh chủ yếu bằng việc làm rẫy. Dù nghèo nhưng già A Lưu rất nổi tiếng vì đó là người hát sử thi Ba Na giỏi nhất trong vùng.
Căn nhà lụp xụp của già A Lưu nằm một góc bên con đường đất gồ ghề. Giữa trưa nắng, già ngồi dưới bóng cây cạnh nhà để tránh cái nắng hắt của thời tiết. Nghe nói đến sử thi, đôi mắt già rực sáng, gương mặt bừng lên sự háo hức. “Thế mấy người muốn nghe hay muốn học, muốn nghe thì già hát cho mà nghe”, già A Lưu hít một hơi thật sâu để lấy giọng. Những câu ca ngân vang lúc trầm lúc bổng. Tiếng kể của già vang vọng, xuyên qua bản làng heo hút. Kết thúc một đoạn kể, nghe chúng tôi vỗ tay khen, già A Lưu rất vui: “Bài này là bài Giôn, nói đến việc đi đòi lại rượu cần. Bài rất dài nên già chỉ kể một đoạn thôi”.
Theo già A Lưu, hát sử thi là vốn quý của người Ba Na. Hàng ngày, người dân kéo nhau lên rẫy, tối về nhà rông hát sử thi cho nhau nghe. Từ nhỏ cậu bé A Lưu đã mê mệt với sử thi qua những lời kể của bố mẹ. Cũng vì mê nên âm thầm học. A Lưu học sử thi trên rẫy, trong các buổi tụ tập ở nhà rông… Đến năm 10 tuổi, A Lưu đã biết kể sử thi. Bây giờ, già A Lưu đã thuộc hàng trăm bài sử thi Ba Na. Có bài dài đến nỗi kể nhiều ngày không hết. “Già sức khỏe đã yếu, không còn đi xa được nên hay kể sử thi trong nhà cho con cháu nghe. Rồi ai đến học, hay nhà nghiên cứu văn hóa đến nhờ hát để ghi âm thì già đều hát”, già A Lưu cho hay.
Kho báu Ot Ndrong
Trong những anh em của mình, Điểu K’lung được xem là “kho báu” sử thi M’Nông (còn gọi là Ot Ndrong) vì ông thuộc hơn 120 bài Ot Ndrong. Năm nay ông đã bước sang tuổi 76 và thời gian đã làm ông mắt mờ, tóc bạc, chân yếu…
Chúng tôi về đến nhà ông Điểu K’lung (ở buôn Tul A, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) thì trời đã về chiều. Trước mắt chúng tôi hiện ra hình ảnh căn nhà dài xiêu vẹo nằm hiu hắt bên ngôi trường THCS Nguyễn Du và một ông già chân tay còn lấm lem bùn đất. Ông Điểu K’lung đang loay hoay cột bao cà phê lên chiếc xe đạp cộc cạch cho con đem ra đại lý bán mua gạo và mua thức ăn buổi tối cho cả nhà. Ông vội giải thích: “Già rồi nhưng tôi vẫn phải lên nương lên rẫy mấy chú ạ!”. Rồi bàn tay gầy guộc của ông dắt chúng tôi vào nhà. Trong ngôi nhà, ngoài mấy tấm bằng khen và những cuốn sử thi M’Nông thì không có cái gì đáng giá.
Điểu K’lung sinh năm 1941 tại xã Quảng Trực, huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông), vùng đất có nhiều nghệ nhân thuộc sử thi M’Nông như Điểu Pi Ắt, Điểu Kuh, Điểu Klứt, Thị Doanh... Ngày ấy, bố mẹ của ông giàu nhất trong bon (buôn). Trong nhà ông có 50 con trâu, 20 con heo và 5 sào ruộng trồng lúa nước. Bố ông là người thuộc nhiều sử thi M’Nông nhất trong số các anh em và ông chỉ truyền lại cho người con thứ ba đã mất. Từ thuở nhỏ, Điểu K’lung rất yêu thích Ot Ndrong và rất muốn bố truyền lại Ot Ndrong cho mình. Vì bố rất thương ông nên không truyền Ot Ndrong cho ông. Theo ông Trương Bi (nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đắk Lắk) tiết lộ, truyền thống người M’Nông chỉ truyền Ot Ndrong cho một người con duy nhất trong nhà và người đó phải ăn lá cây ngải (một loại lá rừng chứa chất độc nhưng làm cho giọng hát hay). Người ăn lá ngải một thời gian sau sẽ chết vì chất độc có trong cây ngải. Khi bố truyền lại Ot Ndrong cho người anh thứ 3 (Điểu K’lung là em út, trong gia đình ông có 4 anh em là Điểu Klứt, Điểu Kâu, một người anh đã mất từ nhỏ và Điểu K’lung) ở trên rừng, ông đã đi theo nghe và trong đầu ông đã “dính” Ot Ndrong từ đó.
20 Ot Ndrong về đâu?
Ông Điểu K’lung tham gia sưu tầm Ot Ndrong từ năm 1995, khi Sở VH-TT Đắk Lắk (cũ) và Viện Nghiên cứu văn hóa (trực thuộc Viện Khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam) thực hiện dự án “Điều tra, sưu tầm, biên dịch, xuất bản và bảo quản kho tàng sử thi Tây Nguyên”. Phần lớn những tác phẩm sử thi M’Nông sưu tầm được là do nghệ nhân Điểu K’lung hát kể và ghi âm lại. Những bài Ot Ndrong ông hát có độ dài ít nhất là 5 băng và nhiều nhất là 25 băng cassette (90 phút/băng) như bài Chàng Tiăng bán tượng gỗ. Sáu ngày sáu đêm, K’lung cứ miệt mài hát và các nhà nghiên cứu miệt mài nghe, thâu băng. Ông Trương Bi nhớ lại: “Có lúc chúng tôi mải nghe quá nên băng hết lúc nào không biết. Mọi người bảo K’lung vừa hát vừa nghỉ nhưng ông không chịu và ông chỉ nghỉ uống nước rồi hát tiếp”.
Từ năm 1995 - 2005, ông đã hát kể cho các nhà nghiên cứu như Đỗ Hồng Kỳ, Ngô Đức Thịnh, Trương Bi… ghi băng 90 bài Ot Ndrong. Có bài Ot Ndrong đồ sộ đã được Điểu Kâu biên dịch sang tiếng Việt và xuất bản như Chàng Tiăng bán tượng gỗ dài 4.113 câu thơ; Cướp chiêng cổ bon Tiăng dài 12.983 câu văn vần; Cướp ché quý bon Tiăng; Cướp vợ của Tiăng; Cướp em của Tiăng; Cướp cô gái trẻ bon Tiăng... Năm 2003, ông Điểu Klung được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp văn học dân gian.
Năm 2005, dự án “Điều tra, sưu tầm, biên dịch, xuất bản và bảo quản kho tàng sử thi Tây Nguyên” phải dừng lại do hết kinh phí. Ông lấy số tiền Nhà nước trả khi thâu băng (150.000 đồng/băng) mua đất và mua rẫy... Ông Điểu K’lung trở lại cuộc sống đời thường của chàng trai M’Nông và ngày ngày lên rẫy lao động nuôi gia đình. Từ khi ông không còn hát kể Ot Ndrong nữa, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn, mỗi dịp ra giêng lại đói ăn. Còn 20 bài Ot Ndrong chưa hát kể, ông cẩn thận ghi tên vào quyển tập học trò bằng tiếng M’Nông vì ngày trước ông tự học tiếng Việt và chỉ viết được tiếng Việt không dấu. Ngoài ông Điểu K’lung, hiện nay người M’Nông không có ai hát kể được 20 bài Ot Ndrong này nữa.