Những ngày này, dải đất miền Trung đang gồng mình chống bão. Anh em cánh miền Trung liên lạc với Ban Tổ chức chương trình Nghĩa tình Trường Sơn không giấu được lo lắng: “Mưa bão như ri, đi mô được, lo quá”. Ngày 9-11 rồi đến ngày 10-11 - ngày diễn ra lễ tổng kết chương trình - những người đồng hành cùng chương trình suốt 4 năm qua đã có mặt gần như đông đủ ở TPHCM. “Tinh thần Trường Sơn” đã đưa mọi người sát lại gần nhau…
Đến với Trường Sơn
Ông lão mặc bộ quân phục đại tá tinh tươm, dáng đi hơi lom khom đến từ rất sớm. Gặp những đồng đội ở Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam, ông vui vẻ bắt tay thăm hỏi như những người đồng chí lâu ngày mới gặp lại nhau. Ông là Đại tá Nguyễn Khắc Tuyên, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An. Đại tá Nguyễn Khắc Tuyên bắt đầu câu chuyện: “Từ năm 2009, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đến với chúng tôi. Phải nói là từ trước đến giờ chưa từng có chương trình nào đặt Trường Sơn là chủ thể để hỗ trợ một cách triệt để, chúng tôi cảm động lắm”.
Là cựu chiến binh Trường Sơn, Chủ nhiệm Quân y Binh trạm 41, hơn ai hết, người lính già này hiểu những mất mát của đất và người Trường Sơn trong suốt những năm chiến tranh nên ông trân trọng những chia sẻ của cộng đồng với Trường Sơn. Đôi bàn tay nhăn nheo chợt run run khi ông kể về niềm vui của đồng đội, đồng bào mình khi nhận được sự sẻ chia từ chương trình. “Bà Nguyễn Thị Tám, ở xã Quỳnh Thạnh, Quỳnh Lưu, Nghệ An là một trường hợp rất khó khăn mà chúng tôi trăn trở vì chưa tìm được cách giúp bà. Là mẹ của hai liệt sĩ, căn nhà của bà Tám chỉ là một túp lều trên nền gạch cũ của trụ sở xã. Khi Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn xây tặng bà Tám căn nhà mới hai gian, tươm tất, bà cảm động đến không nói nên lời…”, ông Tuyên nhớ lại. “Có mặt tại đây, tôi thay mặt cho hơn 320.000 cựu chiến binh Trường Sơn hiện đang sinh sống ở Nghệ An, cảm ơn Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn và Báo SGGP đã quan tâm đến chúng tôi. Tôi mong, sẽ tiếp tục có những chương trình nghĩa tình như vậy đến với Trường Sơn”.
“Chương trình có ý nghĩa rất lớn trong việc tri ân các anh hùng liệt sĩ; nâng cao đời sống và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; bảo vệ chủ quyền đường biên giới. Tỉnh ủy, chính quyền, người dân tỉnh Quảng Bình đánh giá rất cao việc Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã hỗ trợ tỉnh nhiều hạng mục như Đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ tại Bến phà Long Đại, xây dựng mới Bản Văn hóa Di tích lịch sử Làng Ho - mô hình kiểu mẫu về làng dân tộc Vân Kiều…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Tiến Dũng nói. Với ông Dũng, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn để lại trong ông nhiều kỷ niệm. Khi bắt đầu đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, hoạt động đầu tiên của ông Dũng là thay mặt UBND tỉnh tham dự lễ khởi công Đền tuởng niệm anh hùng liệt sĩ Bến phà Long Đại. Trước thời điểm diễn ra chương trình, trời mưa lớn và liên tục. Nhưng ngay trước thời điểm khánh thành vào lúc 17 giờ, trời tạnh hẳn nên ông càng tin rằng các việc làm tri ân luôn được sự phù hộ của các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn.
Đi vào lòng dân
“Chương trình thực sự đi vào lòng dân”, Đại tá Nguyễn Đức Khánh, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị khẳng định. Đi xe từ Quảng Trị vào Huế rồi đáp máy bay vào TPHCM vừa kịp lễ tổng kết chương trình, đại tá Nguyễn Đức Khánh kể với chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện về mảnh đất Quảng Trị anh hùng, về Nghĩa tình Trường Sơn. Ông kể: “Năm 2012, hôm khánh thành Trạm y tế xã Thanh (huyện Hướng Hóa), bà con mừng dữ lắm. Không chỉ đồng bào mình, chiến sĩ mình được thầy thuốc khám chữa bệnh mà bà con Lào vùng biên giới cũng chung một niềm vui. Đời sống bà con xã biên giới này còn khó khăn bộn bề, cái ăn còn khó, nói chi đến bịch thuốc, chai dầu. Nghĩa tình đã thực sự sưởi ấm bà con sống dọc Trường Sơn”.
Từng có dịp đi từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam trên tuyến đường Trường Sơn vào năm 1968, ấn tượng đường Trường Sơn để lại trong tâm trí Trung tướng Lê Thành Tâm (Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB TPHCM) là sự hùng vĩ nhưng cũng lắm gian nan, ác liệt cùng sự hy sinh rất lớn của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Do vậy, theo ông, với ý nghĩa xã hội từ thiện, Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP đã đi vào lòng người, được sự hưởng ứng tích cực của toàn xã hội, thể hiện qua kết quả vận động được gần 140 tỷ đồng trong hơn 4 năm để lo cho những người thuộc diện chính sách, đồng bào nghèo, những công trình đền ơn đáp nghĩa…
Rõ ràng, sự xuất hiện các công trình, dự án của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo các tỉnh dọc đường Trường Sơn thời gian qua. Tình đồng đội, nghĩa đồng bào, không thể kể xiết…
| |
ÁI CHÂN - THẠCH THẢO