Với người Việt thì mái hiên là thứ không thể thiếu trong việc xây cất chỗ ở của mình. Nó là chỗ che mưa, che nắng cho chính gia đình và kể cả khách vãng lai. Thậm chí người Việt xưa còn xây dựng cả những công trình kiến trúc không để ở mà chỉ mang mỗi một mục đích để che nắng, che mưa cho người qua đường. Đó là những cái quán, cái cầu lợp ngói, cái điếm canh nằm cách xa làng xóm. Chẳng biết như thế có nên nâng lên thành quan điểm ngợi ca nếp sống vì cộng đồng hay không? Việc “nâng quan điểm” từ trước đến giờ hoàn toàn chỉ nhằm mục đích phê bình, trách phạt nên có lẽ chữ ấy đã luôn gắn với những việc làm, lời nói không hay mất rồi!
Xa xưa nhất có thể kể đến là cái đình làng. Nó được xây dựng đơn giản chỉ như một cái mái với sàn gỗ bên trong. Người ta vẫn gọi “mái đình” là thế. Nơi này khi có việc làng cần ngồi thì trải chiếu xuống sàn. Cần cúng bái thì hầu như tất cả đều đứng. Sinh hoạt cộng đồng này còn duy trì được cho đến tận hôm nay. Đã có thời kỳ người ta định thay cái đình bằng một thứ khác văn minh hơn gọi là “Nhà văn hóa” thôn hoặc xã. Có thêm bàn ghế, sân khấu, bục bệ đọc diễn văn, tường treo bằng khen, huân huy chương. Dĩ nhiên nằm trong một căn nhà xây mới khang trang bề thế hơn nhà ở rất nhiều. Thế nhưng, hình như nó chỉ còn hoạt động ở những nơi nào không có hoặc đã phá mất đình làng. Người dân vẫn thích tụ họp ở cái đình làng mình hơn là nhà văn hóa. Và kiến trúc nhà cổ người Việt ở làng bao giờ cũng có hàng hiên trải vừa chiếc chiếu đôi. Bên ngoài nó còn một hàng “giại” chắn nắng bằng tre đan hoặc gỗ chạm lộng.
Hà Nội trước khi người Pháp vào đô hộ cũng có những mái đình như thế của nhiều làng hợp lại. Nhà cửa được xây trước đó ở khu phố cổ cũng thường có những mái hiên che ra mặt phố. Người Pháp đã dùng kiến trúc của mình thiết kế ra những tòa nhà mới cho phần thành phố còn lại. Họ không có thói quen làm mái hiên cho những ngôi nhà. Hoặc vì lý do thẩm mỹ của kiến trúc hàn lâm nên rất nhiều ngôi nhà mặt phố không hề có mái hiên. Phần lớn mái hiên những ngôi nhà Pháp thuộc là do người sử dụng thêm vào bằng kết cấu nhẹ lợp tôn. Cái cao cái thấp, cái rộng cái hẹp không thể nói là không làm xấu đi bộ mặt phố phường. Duy nhất có hàng hiên nhà Bách hóa tổng hợp (nhà Godard) cũ bao bọc cả hai mặt phố Tràng Tiền và Hàng Bài được người Pháp thiết kế và xây dựng gần với tâm lý của người Việt hơn cả. Tất nhiên đó cũng là kiến trúc Pháp nay vẫn còn vài nơi ở Paris sử dụng. Người Pháp quen với chiếc ô hơn là đứng chôn chân dưới mái hiên.
Những mái hiên ở khu phố cổ là khoảng trống trước nhà mặt phố được người chủ cho xây dựng bằng cách lùi tường mặt tiền vào khoảng hơn 1m. Nhà kiến trúc Pháp sẽ có mái hiên lợp tôn chìa ra vỉa hè. Đó là những khoảng không rất quan trọng cho việc tránh mưa nắng của dân phố. Không có nó, người ta sẽ kéo vào chật nhà trú mưa nhờ còn bất tiện hơn nhiều. Không có nó, cái nắng miền nhiệt đới sẽ tràn vào trong nhà không ai chịu nổi.
Mái hiên thân thuộc với người Việt đến mức có thể dùng để ví von tế nhị trong việc xem tướng. Những người có hàm răng “mái hiên” thường rộng rãi, xởi lởi, dễ gần. Mái hiên với dân phố như là một vật thân quen ấm áp không thể thiếu. Sau hòa bình lập lại, đám trẻ con trong phố nhiều đứa vẫn coi nó như nhà mình. Như sân chơi và chỗ ngủ của mình. Cụm từ “Hotel de la Hiên” không chỉ có người lớn cơ nhỡ thời Pháp thuộc quen dùng khi trú ngụ qua đêm dưới mái hiên Hà Nội. Những đêm hè mất điện, nó vẫn là chỗ ngủ lý tưởng của lũ trẻ nhà nghèo. Trải một manh chiếu cũ dưới mái hiên nằm nghe gió mát đêm hè còn hơn phải chui rúc trong những căn nhà chật chội nồng nặc mùi mồ hôi.
Những ngôi nhà mặt phố, cả cũ, cả mới xây thời thuộc Pháp lần lượt hết thời hạn sử dụng. Người ta đập bỏ và xây lại gần như toàn bộ. Luật xây dựng bây giờ không cho phép làm ban công quá 1,2m và buộc phải cao trên 4m. Cái ban công ấy hoàn toàn không còn tác dụng của mái hiên. Thế là sinh ra mái hiên di động. Nó phủ kín thành phố vào quãng những năm 2000. Ban đầu cũng tiện lợi. Về sau nhếch nhác dần bởi nhiều mái hiên như thế trở thành cố định. Hết nắng hết mưa người ta cũng không cuộn nó vào nữa. Thành phố lại một lần nữa ra tay quét sạch mái hiên di động ở những con phố quan trọng.
Người ở phố không thể thiếu mái hiên. Giờ là lúc phải tập sử dụng cái mái hiên của riêng mình. Rất may, chiếc ô không còn là vật trang trí sang trọng đắt tiền như ngày xưa nữa. Ai cũng có thể mua nó ở vỉa hè với giá chỉ bằng hai bát phở hạng xoàng.
ĐỖ PHẤN