Những em nhỏ bị bỏ rơi, khuyết tật hoặc mang trong mình bệnh nan y được nuôi dưỡng rồi lớn lên từ mái ấm này. Người sáng lập ra trung tâm là chị Huỳnh Tiểu Hương (52 tuổi) cũng có một tuổi thơ bất hạnh nhưng biết vượt lên số phận, đã đồng cảm, che chở cho những phận người kém may mắn.
Tuổi thơ cơ cực
Sau nhiều lần hẹn, phải đến lần thứ 4 tôi mới gặp được chị Huỳnh Tiểu Hương vì chị liên tục bận rộn với công việc chăm sóc trẻ, đón tiếp các đoàn khách từ khắp nơi tìm đến. Chị Hương chia sẻ: “Lúc nào tôi cũng muốn tận mắt thấy các con ngủ ngon và thấy chúng dậy tập thể dục, có người giám sát mới chợp mắt được một chút”.
Rồi chị kể về cơ duyên hình thành trung tâm nhân đạo này với mối liên hệ xót xa về những ngày tháng trẻ thơ của mình khi bị bỏ rơi, lang thang phiêu bạt ở đầu đường, góc chợ xin ăn qua ngày, chịu đủ mọi đắng cay, cực khổ của phận người. Bản thân chị không biết mình sinh năm nào và tuổi thật ra sao, chỉ đến khi được một gia đình người lái xe đò chạy tuyến các tỉnh miền Tây - Sài Gòn nhận nuôi và làm giấy khai sinh thì chị mới có họ Huỳnh của gia đình cha nuôi, cùng năm tháng ra đời được ghi theo phỏng đoán. Chính tuổi thơ cơ cực, không có tình thương của cha mẹ ruột mà chị từng có ước mơ về chiếc giường để ngủ mỗi đêm, một ngôi nhà nhỏ như những ngôi mộ có mái che mà chị từng ngã lưng khi gặp mưa giữa đêm khuya khoắt, hay xa hơn là mơ về một ngôi trường, một bệnh viện có bác sĩ thường trực cứu chữa cho mọi người…
Chị đã vượt qua khó khăn để kiếm sống bằng nhiều nghề như buôn bán, môi giới nhà đất, đá quý… và bắt đầu đưa về nhà nuôi dưỡng những trẻ sơ sinh bị bỏ lại dọc đường. Sau này, chị gặp một người nước ngoài và cùng nói chuyện về những em bé bất hạnh, chị nhận được hỗ trợ 20 cây vàng (năm 1987) lấy vốn làm ăn và đưa các em về nhà trọ chăm sóc như người trong gia đình.
Ngôi nhà trăm con
Từ số vốn ban đầu ấy, số trẻ được chị nuôi dưỡng, chăm sóc ngày một nhiều hơn và chủ yếu là con của công nhân sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Người mẹ này bắt đầu nghĩ đến việc thành lập một cơ sở bài bản để các em được chăm sóc, học hành, vơi bớt đi những bất hạnh.
Năm 2001, Trung tâm nhân đạo Quê Hương được thành lập làm chỗ sinh sống, học tập cho “đại gia đình Tiểu Hương”. Nhớ về những lúc tiếp nhận các trẻ bị bỏ rơi, chị Hương tâm sự: “Có những em không thể xác định sẽ sống được bao lâu vì cơ thể đã có quá nhiều tổn thương do côn trùng cắn, do mẹ tự sinh đẻ dẫn đến con bị gãy xương, hay do ép sinh non… Khi đó, các nhân viên trung tâm chỉ biết cầu nguyện và may mắn là đến nay phần lớn các bé đều sống khỏe mạnh, ngoan ngoãn”. Trong số hàng trăm bé tại đây, trường hợp kỳ diệu nhất chính là Huỳnh Tiểu Như (17 tuổi), khi ra đời chỉ nặng 700g, thân thể dính đầy đất cát, giờ đã trưởng thành với thể chất khá tốt: cân nặng khoảng 50kg, chiều cao 1,7m. Hiện Tiểu Như vừa tham gia học nghề, vừa học văn hóa, hết giờ học lại về trung tâm sinh hoạt, đọc sách cùng các em tại thư viện - một thói quen được hình thành từ cấp tiểu học.
Đây không phải là em bé duy nhất được cứu sống bằng tình yêu thương, sự đồng cảm, mà còn có 345 trường hợp khác với đủ mọi hoàn cảnh khác nhau, như những em khiếm thị, khuyết tật hoặc mang trong mình bệnh tật (HIV, phong…) và đều được mua bảo hiểm y tế. Trường hợp mới nhất được nhận vào năm 2019 là bé gái chưa đầy một tuổi, bị bỏ ngay trước cổng trung tâm trong tình trạng nhiễm lạnh, tính mạng bị đe dọa, nhưng sau một thời gian được chăm sóc, giờ bé đã có sức khỏe tốt hơn.
Đến nay, sau gần 20 năm xây dựng mái ấm tình thương, Trung tâm Quê Hương đã có rất nhiều người con lớn lên, trưởng thành và tự mình kiếm sống với các nghề cắt tóc, massages, làm công nhân, với mức thu nhập trung bình 5 - 7 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, đã có ít nhất 60 cặp đôi nên duyên vợ chồng. Trung tâm cũng phát triển quy mô lớn hơn (diện tích khoảng 1ha) với nhiều phân khu chức năng như: khu trường học (từ bậc mẫu giáo đến THCS) có gần 300 em theo học, trong đó khoảng 50% là con em công nhân lao động, chỉ đóng tiền ăn với mức 700.000 đồng/tháng; khu trẻ sơ sinh, khu trẻ khuyết tật, khu dành cho trẻ nam, khu dành cho trẻ nữ, khu công viên cây xanh, khu sân vui chơi sinh hoạt, khu nhà bếp.
Mái ấm tình thương này đã lan tỏa hình ảnh rộng rãi trong cộng đồng và thu hút sự quan tâm của nhiều mạnh thường quân và chính quyền các cấp. Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao tặng trung tâm 70 triệu đồng cùng 600kg gạo và nhiều phần quà khác để chia sẻ, động viên các cháu thiếu nhi mồ côi, khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại đây (trong thời gian tới, sẽ hỗ trợ thuốc men cần thiết cho việc chăm sóc sức khỏe trẻ em).