Thương các cháu bé côi cút
Sau 11 giờ, học trò ùa ra cổng trường. Gần 15 đứa trẻ ríu rít chạy lại phía chiếc xe lam để được cha mình là ông Bùi Công Hiệp đưa về Mái ấm Thiên Thần (đường Số 1, quận 9, TPHCM). Ở tuổi 61, ông Hiệp không chỉ là cha ruột của 3 đứa con nay đã trưởng thành mà còn là người cha của 100 đứa trẻ không may mắn tại mái ấm. Mỗi đứa con đến với ông là một câu chuyện đầy trắc ẩn.
Ông Hiệp xây mái ấm vào năm 2010, chính thức nhận các bé sơ sinh từ năm 2013 đến nay. Đến bây giờ, ông Hiệp vẫn chưa quên một ngày 4 năm trước, có đôi vợ chồng gầy gò bồng đứa con chưa đầy một tuổi đứng thập thò ngoài cửa.
Được ông Hiệp mời vào trong nhà, người chồng ngập ngừng nói: “Không giấu gì chú, tụi con bị nhiễm HIV giai đoạn cuối, không biết sống chết lúc nào. Tụi con còn đứa con gái nhỏ này, không thể chăm sóc được nữa. Chú xem có nhận nuôi giùm bé được không?”. Bé B.T. được nhận nuôi từ đó. Bé được đưa đi khám sức khỏe đầy đủ, do ông Hiệp trực tiếp chăm sóc. Ông Hiệp kể: “Nghe đâu, nửa năm sau ba của bé T. mất, người mẹ sống chết không rõ. Bé nay được 5 tuổi, đang học mẫu giáo. May mà bé mạnh khỏe hoàn toàn”.
Có nhiều khách ghé thăm không hẹn trước như thế. Khi thì một người mẹ nghèo khổ không đủ sức nuôi con; khi là người mẹ trẻ lỡ dại; có lần là bà cụ bán vé số tới gửi cháu. Nhiều bé được đặt trước cửa mái ấm khi còn đỏ hỏn, không một giấy tờ gì.
Ông Hiệp kể: “Vậy đó mà mái ấm hoạt động đã 7 năm. Các con đến với mình giống như cái duyên. Dù khó cỡ nào cũng ráng lo giấy tờ khai sinh đầy đủ cho tụi nhỏ còn đi học. Hiện tại, mái ấm có khoảng 25 trẻ sơ sinh, 15 cháu đã đi học tiểu học, còn lại chừng 60 cháu được chăm sóc và học mẫu giáo tại nhà”.
Nhớ lại những ngày đầu, ông Hiệp kể: “Vợ tôi lo lắng, không tin có thể nuôi được nhiều trẻ sơ sinh, bảo hãy suy nghĩ cho kỹ, chứ nuôi con nít không đơn giản. Vậy mà tôi vẫn mang về 5 bé sơ sinh đầu tiên, nửa năm sau, người ta gửi 5 đứa nữa. Nhìn mấy đứa nhỏ côi cút, không thương sao được! Tới giờ, vợ tôi và 3 đứa con ruột, một đứa em là những người cùng tôi chăm sóc đám trẻ. Từ khi chăm sóc 5 bé đầu tiên, tôi đã phải cai thuốc lá, cai nhậu nhẹt. Lo cho tụi nhỏ một thời gian, chỉ cần nghe tiếng khóc, tôi có thể biết được bé đang đói, ướt tã, đi vệ sinh hay như thế nào đó”.
Tấm lòng người cha
“Sau này, nếu may mắn sống sót sau chiến tranh mình sẽ dành cuộc đời này để làm việc gì đó có ý nghĩa cho nhiều người khác” - đó là lời thề khắc sâu trong lòng ông Hiệp những năm tháng là người lính ở chiến trường K.
Đến năm 1983 ông về lại quê, chạy xe ôm, làm phụ hồ, làm bảo vệ kiếm sống. Tới năm 1995, ông mới thử mày mò gia công, lắp ráp các linh kiện cơ khí. Từ chỗ thử nghiệm, làm theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ, sau này nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, ông có xưởng riêng. Khi đã trở thành giám đốc, ông vẫn nhớ như in lời thề năm xưa, quyết tâm thực hiện.
Ông kể: “Tôi nghĩ đến việc nhận nuôi, chăm sóc những đứa trẻ kém may mắn nên mua mảnh đất 2.500m2 tại quận 9 để xây dựng mái ấm. Căn nhà có đầy đủ phòng ăn, phòng ngủ, sân chơi, bể bơi… Đến nay, đã tròn 100 bé được đón nhận. Ngoài người thân trong gia đình phụ chăm sóc, mái ấm còn có 10 cô bảo mẫu, 4 cô giáo mầm non. Hiện tại, tôi đang xây thêm ngôi nhà mới cho mái ấm, 3 tầng, rộng chừng 800m2. Dự kiến, đến tháng 5-2020 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng”.
Để duy trì mái ấm, mỗi năm gia đình ông Hiệp phải chi phí không dưới 9 tỷ đồng. Ông Hiệp chia sẻ: “Số tiền đó không ít. Nhưng nếu so số tiền đã bỏ ra trong thời gian qua và tương lai của 100 đứa trẻ, thì không tiếc gì. Vật chất bao nhiêu cũng không thể sánh được”.
Một ngày của ông Hiệp luôn bắt đầu từ 4 giờ 15, ông thức dậy nấu cháo ăn sáng cho tụi nhỏ. 5 giờ 20, ông kêu mấy bé lớn dậy ăn, đi học. Hơn 6 giờ lấy xe chở các con đến trường, xong lại quay về nhà tự tay nấu cơm cho con. Tới 11 giờ, ông trở lại trường đón các con về nhà ăn trưa, nghỉ ngơi. 14 giờ lại đưa đi học, chiều đón về.
Buổi chiều, ông cho các con ăn, rồi tối lo việc ôn bài cho các con. Các bé ở mái ấm được học võ vào các ngày thứ ba, năm, bảy; còn thứ hai, tư, sáu học dance sport; riêng thứ bảy, chủ nhật học tiếng Anh.
Ở mái ấm, tụi nhỏ cứ ríu rít, có khi cãi nhau chí chóe rồi lại vui vẻ với nhau. Ông Hiệp phải thường xuyên dàn xếp những cuộc cãi vã của lũ trẻ. Hôm nào lỡ có công chuyện đi đâu cả ngày mới về, tụi nhỏ mấy chục đứa chạy tới ôm cha, kể lể, khiến trái tim ông mềm đi.