Nhà tình thương họ đạo Búng được các nam nữ tu sĩ trong khu vực chung tay xây dựng trên diện tích khoảng 1.500m2 với 11 người làm việc không lương, hiện đang chăm sóc 72 em nhỏ từ nhiều tỉnh thành và nhiều dân tộc khác nhau (H’Mông, Kinh, Ê đê…). Các em được nuôi dưỡng đến đủ 16 tuổi và nếu sau đó các em vẫn có nhu cầu ở lại sẽ tiếp tục làm thủ tục đăng ký do chính các em ký tên. Tại đây đã có một số em được các gia đình người nước ngoài (Mỹ, Đức…) tiếp nhận làm con nuôi, số còn lại khi lớn lên sẽ lập gia đình, đi làm công nhân hoặc tiếp tục đi học. Tuy nhiên, đa số các em do hoàn cảnh, điều kiện, mặc cảm cá nhân hoặc các lý do khác nên khi trưởng thành ít khi quay lại mái ấm mà mình từng gắn bó.
Hiện nay, trừ một số em chậm phát triển thể chất, trí tuệ, còn lại phần lớn các em đều được đi học tại các trường cấp 1, cấp 2 trong khu vực thị xã Thuận An. Nhiều em trong số đó đã đạt thành tích học tập khá, giỏi. Nhà tình thương đã dành 2 phòng riêng biệt có giá sách, bàn ghế học tập, các trò chơi rèn luyện trí tuệ (như cờ tướng, cờ vua) cho các em ôn bài mỗi tối sau khi đi học về và ăn uống, vệ sinh cá nhân.
Trực tiếp trò chuyện với các em, chúng tôi thật sự xúc động trước ánh mắt hồn nhiên, nụ cười vô tư cùng những ước mơ giản dị của hàng chục em nhỏ nơi đây. Em Nguyễn Mai Linh (14 tuổi, quê Nam Định, hiện đang là học sinh lớp 8) có một hoàn cảnh đặc biệt khi ba mẹ ly hôn. Linh được ở cùng mẹ nhưng vì phải bôn ba khắp nơi để mưu sinh khốn khó nên mẹ gửi em nhờ mái ấm tình thương cưu mang. Đôi mắt em nhòe đi, chực chờ khóc khi kể về những ngày tháng gia đình nợ nần, chạy ăn từng bữa do ba thường xuyên say xỉn, cờ bạc. Hoàn cảnh cũng không được may mắn là em Thị BLim (11 tuổi, quê Đắk Nông), đã gắn bó với mái ấm hơn 11 năm qua. Thị BLim mơ ước khi lớn lên sẽ làm bác sĩ và được quay trở lại mái ấm để chăm sóc sức khỏe cho mọi người, nhất là những em nhỏ mồ côi hoặc bị bỏ rơi...
Linh mục Ngô Xuân Hiến, Giám đốc nhà tình thương họ đạo Búng, cho biết kinh phí để nuôi dưỡng, chăm sóc y tế và trang trải học tập của hàng chục em nhỏ nơi đây mỗi năm không dưới 1 tỷ đồng. Tất cả nguồn tài chính cần thiết này đều được tài trợ từ các mạnh thường quân, kể cả xe đạp làm phương tiện đi học của các em cũng được các cá nhân và doanh nghiệp trao tặng, giúp vơi bớt khó khăn tài chính để duy trì các hoạt động của nhà tình thương.