Những ngày tháng khó khăn
Hơn 20 năm trước, cô Đặng Thị Thúy Phượng theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương. Ngay sau khi ra trường, cô đã gắn bó với Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Ánh Sáng và đến nay làm giám đốc của trung tâm.
Để bù đắp cho sự thiếu hụt tình cảm, lấp dần khoảng trống trong tâm hồn nhạy cảm của các em khiếm thị, cô đã ân cần dạy dỗ để giúp những đứa trẻ bị rối loạn về vận động, về nhận thức, ngôn ngữ giao tiếp trở thành những học sinh chăm ngoan, học giỏi.
Những giấy khen trong thành tích học tập, rèn luyện cứ nhiều lên dần qua mỗi năm học, nói lên sự nỗ lực vượt bậc và đong đầy tình yêu thương của một mái ấm mà mọi thành viên luôn trân trọng dành cho nhau.
Cô Phượng và các em học sinh ở Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Ánh Sáng
28 em, nhỏ nhất chỉ mới 3 tuổi và lớn nhất 24 tuổi. Nhìn các em bị khiếm thị lại không được sống trong vòng tay của cha mẹ, những ai khi vào đây đều cảm thấy nhói lòng. Như bé Trương Ngọc Sương, năm nay mới 8 tuổi nhưng đã có đến 3 năm ở trung tâm này. Gia đình bé Sương ở tận Nghệ An, còn cả bố lẫn mẹ nhưng kể từ khi vào đây, bé chưa một lần được ba mẹ vào thăm.
Bé Sương bày tỏ: “Mặc dù con đôi lúc cũng thấy buồn vì không được ba mẹ chăm nom, nhưng được cô Phượng và các cô ở trung tâm rất yêu thương và tận tâm dạy dỗ, con thấy được an ủi và ấm lòng”.
Dạy trẻ bình thường vốn dĩ đã khó khăn, nuôi dạy trẻ khuyết tật, nhất là với trẻ khuyết tật về mắt thì những khó khăn đó càng tăng gấp bội. Để các em làm quen trong mọi sinh hoạt hàng ngày, sử dụng thành thạo máy vi tính phục vụ cho học tập, vui chơi như bao trẻ em bình thường khác, các cô ở trung tâm đã thế trọn vai những người cha, người mẹ.
Bằng tình cảm yêu thương chân thành, các cô đã dìu dắt các em từ hướng dẫn định hướng khi di chuyển, dạy từng con chữ nổi cho đến những sinh hoạt hàng ngày như tắm giặt, ngủ nghỉ. Nhìn những căn phòng ngăn nắp do chính tay các em tự xếp dọn gọn gàng và nhìn các em mạnh khỏe, vui đùa hồn nhiên, nói chuyện lễ phép, biết vâng lời, mới cảm nhận đầy đủ tình yêu thương và sự tận tâm của các cô dành cho các em.
Chắp cánh cho trẻ vào đời
Sau 15 năm thành lập, đến nay, trung tâm đã có 1 em vào đại học, 2 em tốt nghiệp THPT, 3 em đang học tại Trường THPT Nguyễn Huệ, 10 em học tại Trường THCS Tân An, các em còn lại thì học ở Trường Tiểu học Tân An 3. Nuôi dưỡng, ấp ủ những khát vọng về tương lai, các em luôn dặn lòng phải cố gắng trong học tập và rèn luyện để sau này khi trưởng thành sẽ trở về lại mái ấm trung tâm, góp sức chăm lo cho các em nhỏ có cùng hoàn cảnh.
Sống tại trung tâm, các em không chỉ học tập, vui chơi mà còn được các cô định hướng cho việc tiếp cận và học những nghề phù hợp với người khuyết tật như: bấm huyệt, massage; học đánh đàn, chơi trống… Hầu hết các em tiếp thu tốt. Để tạo điều kiện cho các em vừa có thêm thu nhập sử dụng cho nhu cầu cá nhân, vừa để rèn luyện tay nghề, trung tâm dành hẳn một phòng cho các em làm dịch vụ massage; một phòng nhạc với trống, đàn để các em thực hành và biểu diễn khi có người yêu cầu.
Em Lê Văn Vũ bày tỏ: “Với tình yêu thương của các cô, em sẽ cố gắng vượt qua nghịch cảnh, học thật giỏi. Sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ thi vào trường giáo dục đặc biệt để sau này trở thành thầy giáo dạy cho các em khuyết tật giống mình”.
Cô Đặng Thị Thúy Phượng chia sẻ: “Ước mơ lớn nhất của đội ngũ sư phạm trung tâm là có được một cơ sở khang trang hơn, để điều kiện dạy dỗ các trẻ khiếm thị được tốt hơn, hầu bù đắp phần nào những thiệt thòi mà các em đã gánh chịu. Hạnh phúc của những người làm công việc nuôi dạy trẻ khuyết tật là được nhìn thấy nụ cười tươi vui của các em khi được nuôi dưỡng, bảo bọc trong một mái ấm tràn ngập tình yêu thương. Từ mái ấm này, các em được chắp thêm đôi cánh, tự tin vững bước vào đời”.