Mafia Ý từ tội ác đến hiểm họa

Mafia Ý từ tội ác đến hiểm họa
 
 

 

Mafia Ý từ tội ác đến hiểm họa ảnh 1
Sciarabba

Các hoạt động khủng bố gia tăng thời gian qua dường như làm cho uy thế của các nhóm mafia mờ nhạt đi. Song, sau khi bị truy sát gắt gao nhiều năm qua, mafia không biến mất mà tồn tại với một “học thuyết” mới, kín đáo và nguy hiểm hơn.

 

“Pax Mafiosa” thách thức “Bàn tay sạch”


Năm 1993, nước Ý chấn động bởi năm vụ đánh bom liên tiếp do mafia thực hiện, sát hại hai quan tòa hàng đầu là Giovanni Falcone và Paolo Borsellino. Chính phủ Ý sau đó đã tiến hành những chiến dịch thanh trừng rất mạnh tay đối với các băng đảng tội phạm có tổ chức. Từ chính sách khẩn về chống tham nhũng “Tangentopoli” (Bàn tay sạch) thẳng tay tiêu diệt các quan chức trong bộ máy nhà nước quan hệ với mafia, tiếp đến là các chiến dịch “Teflon Don”, “John Gotti”… truy sát tận gốc các băng đảng.


Chỉ riêng trong năm 2003, theo Bộ Nội vụ Ý, cảnh sát đã điều tra 1.254 vụ liên quan tới các tổ chức tội phạm, bắt giữ 172 tình nghi; phong tỏa hơn 2.000 tài khoản nghi ngờ dính dáng đến các tổ chức mafia và loại bỏ 12 tòa án có mafia cài người vào. Qua đó, cảnh sát Ý đã bắt được những “ông trùm của những ông trùm” như: Salvatore vào năm 1993 cùng “phó tướng” Leoluca Bagarella vào năm 1995; Giovanni Brusca, chuyên gia chế tạo bom và ngâm người vào bể axít vào năm 1996; Mafiosi nhóm Sicilian và Sciarabba nhóm Calabrian‘Ndragheta... Vào tháng 3 vừa rồi, bố già Giuseppe Morabito, 70 tuổi, thống lĩnh thị trường herion châu Mỹ và châu Âu cũng đã bị tóm và nhận án 7 năm tù. Tháng 10-2002, quá trình truy sát mafia gần như “đến đường cùng” khi “Bàn tay sạch” đã kết án cựu phó thủ tướng Giulio Andreoti 24 năm tù, vì liên quan tới một vụ giết người vào năm 1979 có bàn tay của mafia nhúng vào.

 

Số các vụ do mafia thực hiện nhằm thanh toán “kẻ thù” như cảnh sát, quan tòa và các thành viên bằng cách ám sát, đặt bom, bắt cóc... trong nhiều năm qua đã giảm đáng kể. “Mafia đã yếu đi”? Antonio Ingroia, một quan tòa điều tra mafia trong nhiều năm qua cho biết, mafia đang cố thực hiện một bước lùi để tiến, lùi để củng cố mạnh hơn, phản kháng lại những chiến dịch gắt gao của chính phủ.

 

“Bộ não” đằng sau chiến lược mới này của mafia là Bernardo Provenzaro, nay đã 70 tuổi. Cảnh sát đã lần theo dấu vết của ông trùm này hơn 40 năm qua. Bức ảnh cuối cùng có được về Provenzaro khi hắn mới 25 tuổi. Sử dụng kỹ thuật vi tính nhận dạng tội phạm cảnh sát đã suýt tóm được hắn vài lần nhưng đến nay, biệt tài lẩn trốn của “bố già” này vẫn còn là những câu chuyện có tính huyền thoại. Provenzaro đưa ra một “học thuyết” mới được gọi là “Pax Mafiosa” với chủ trương: không chống lại bộ máy nhà nước và quản lý nội bộ bằng sự thống nhất, thuyết phục và hào phóng hơn là tàn sát. Khi biết những thành viên không ưng thuận hay chuẩn bị khai báo cảnh sát, những ông trùm sẽ không lệnh giết để “răn đe” hay “diệt khẩu” như trước đây, mà cho tay chân tới để lắng nghe và giải quyết chu đáo những lời phàn nàn, nhằm gắng giữ thành viên này trong mối quan hệ với băng nhóm.

 

Ngoài buôn lậu heroin, hàng trốn thuế, một nguồn thu đáng kể của các nhóm mafia tại Ý là tiền bảo kê các công ty, doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn... Tiếng lóng chỉ số tiền “bảo kê” mà các băng nhóm mafia bắt các công ty, tập đoàn lớn phải chi ra hàng tháng là “pizzo”. Với học thuyết “Pax Mafiosa”, hoạt động “pizzo” của mafia đã được điều chỉnh lại thành “Pagare tutti, pagare meno” nghĩa là “Nộp ít hơn nhưng tất cả đều phải nộp”. Không chỉ có những công ty giàu có, mà kể cả các cửa hàng nhỏ cũng phải nộp tiền “bảo kê” nhưng thay vì hàng ngàn USD như trước, nay tay chân mafia chỉ thu vài trăm, thậm chí chỉ chừng 20 – 30 USD/tháng. Số tiền không quá lớn nên nhiều người đã dễ dàng thỏa hiệp với mafia để mua lấy sự bình ổn. Theo điều tra, không có hoạt động thương mại nào ở Monreale (Palermo) không phải trả tiền “bảo kê” cho thành viên mafia nhưng đến nay cảnh sát hầu như không nhận được thông tin tố giác nào. Đánh giá về tình hình mafia, các quan chức chống tội phạm Ý nhận xét: “Phải mất mười năm để truy bắt một tên mafia, nhưng chỉ một phút là có một nhóm mafia mới hình thành. Loại trừ mafia như múc cạn nước biển với một cái chậu thủng”.  

  • Uranium đã trong tay mafia!  

Cảnh sát Ý cho biết họ có đủ bằng chứng cho thấy mafia nước này dính dáng đến hoạt động buôn lậu uranium. Trong tháng tư vừa rồi, cảnh sát đã thu giữ một thanh làm giàu uranium tại một nhà ga ngoại ô Rome . Đây là một trong tám thanh làm giàu uranium bị nghi ngờ là đang nằm trong tầm kiểm soát của băng nhóm Maglian, thành viên của Calabria . Đây là các thanh uranium 235 và 238, từng được một công ty Mỹ bán cho chính phủ Zaire vào năm 1987, đã biến mất 4 năm sau khi chế độ Mobutu sụp đổ. Sau đó, các thanh uranium trên được nhập trở lại châu Âu vào năm 1997. Năm 1998, lần theo đường dây buôn vũ khí lậu, cảnh sát điều tra đóng vai những tay buôn lậu đã ra giá 6,8 triệu USD mua lại cả 8 thanh. Tuy nhiên, chỉ một thanh 6910 GA chứa 40 gram uranium 235 được thu hồi. Dấu vết của 7 thanh còn lại đến nay vẫn bặt vô âm tín.

 

Đó là bằng chứng mới nhất về việc mafia và các nhóm tổ chức tội phạm lớn khác tại Ý đang chuyển hướng hoạt động, “nhẹ

“Mafia” hay “La Cosa Nostra” theo tiếng Ý có nghĩa là “Suy nghĩ của chúng tôi”, là tên chỉ một nhóm người ở đảo Sicily, nước Ý. Thời Trung cổ Mafia được thành lập với mục đích bảo vệ và kiểm tra việc thực thi pháp luật. Sau đó nhóm này trở thành một băng tội phạm có tổ chức. Vào thế kỷ 19, mafia mạnh đến mức, quân đội, cảnh sát muốn đi qua Palermo phải được mafia cho phép. Từ “mafia” nay được chỉ chung cho các băng tội phạm có tổ chức trên toàn thế giới. Mafia Ý hiện có bốn tổ chức: Sicilian hay Cosa Nostra, Calabrian (‘Ndrangheta), Comorra và Sacra Corona Unita (SCU). Sicilian vẫn còn là băng mạnh nhất với khoảng 5.000 thành viên trong 180 băng nhóm.

(Tổng hợp từ tài liệu Trung tâm Chiến lược và nghiên cứu quốc tế - IISS, MSNBC, News ITALIAPRESS, La Repubblica).

 nhàng” nhưng “tàn độc” hơn như các nhóm môi trường Ý Legambiente gọi là “gangster kinh tế”. Theo số liệu của Legambiente, khoảng 1,6 triệu tấn rác thải phóng xạ nguy hiểm từ năm 1996 đã được các nhóm tội phạm có tổ chức thu hồi bí mật. Trong danh sách tình nghi có đủ “tứ đại mafia” Ý gồm: Cosa Nostra, Neapolitan Camorra, Calabrian’Ndrangheta và Sacra Corona Unita. Ước tính, 22 băng nhóm thành viên đã thu được 7 tỷ USD từ các hoạt động buôn bán, vận chuyển các chất phóng xạ trong đó có cả uranium làm giàu nhiều năm qua.

 
Theo điều tra của đội đặc nhiệm Cababinieri, đội được thành lập cách đây 3 năm để đối phó với tội phạm hạt nhân tại Ý, đã có sự cấu kết giữa mafia Ý và các trung tâm mafia khác ở Mỹ, Nga, Trung Đông, Đông Âu nhằm kinh doanh mặt hàng giàu lợi nhuận này...
Mặc dù an ninh đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, tuy nhiên tình hình buôn lậu chất phóng xạ ngày một gia tăng. Kể cả phóng xạ thật và giả, các nhà chức trách tại Đức báo cáo 41 vụ vào năm 1991, 158 vụ vào năm 1992, 241 vụ vào năm 1993 và 267 vụ vào năm 1994... Mặc dù phần lớn các vật liệu trên không đủ cho việc chế tạo bom nguyên tử, nhưng với uranium 235 và 238 cũng đủ để chế tạo một vũ khí nguy hiểm mới là “bom bẩn”. Như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cảnh báo: “Đó thực sự là hiểm họa nếu mafia cấu kết với khủng bố”. Hiểm họa này được dẫn từ một báo cáo từ Istanbul cho biết, 6kg uranium làm giàu đã lọt vào Thổ Nhĩ Kỳ qua biên giới Aralik từ năm 1993. Số hàng này sau đó đã qua Tashkent và tới Gtozniy- nơi phiến quân Chesnia đang hoạt động. Như vậy, nguy cơ nhóm khủng bố Chesnia đã tiếp cận được nguồn uranium là có thật.

M.TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục