Hi Hữu xạ tự nhiên hương
Thật may là những năm qua, chiếc áo dài đã trở lại, cổ điển có, cách tân cũng nhiều, rực rỡ sắc màu. Không chỉ dịp tết, áo dài xuất hiện ở rất nhiều dịp, nhiều nơi. Không chỉ chị em, trong những sự kiện trang trọng, cánh đàn ông cũng “diện” áo dài, nhiều người còn cầu kỳ kén đúng chiếc áo dài ngũ thân may theo lối cổ. Đẹp, thanh lịch, nhưng cũng rất nam tính. Chính vì thế mà nghề may ở làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) - một thời tưởng mai một, nay lại hồi sinh. Dù trong lặng lẽ.
Nói “hồi sinh lặng lẽ” vì đi khắp làng, người ta không thấy những tấm biển hiệu to tát, khoa trương. Cũng gần như không có những cửa hiệu đèn nhấp nháy cửa gương với dãy ma-nơ-canh khoác trên mình nhung lụa. Đi khắp Trạch Xá, những người dân làng được chúng tôi hỏi tìm thợ khéo đều chỉ đến nhà anh Lê Văn Duẩn. Cửa hiệu gia đình anh Duẩn, chị Toàn có biển hiệu rất khiêm nhường. Tuy cởi mở, nhưng anh Duẩn không dám nhận là nghệ nhân. Anh chỉ tự nhận mình thợ may có tới 40 năm làm nghề, nên có thể làm thạo tất cả công đoạn.
“Nếu muốn tìm hiểu về áo dài ngũ thân cho nam giới, anh chị nên sang nhà ông Đỗ Minh Tám”, anh Duẩn chia sẻ.
Anh Lê Văn Duẩn cắt vải chuẩn bị may áo dài. Ảnh: QUANG PHÚC |
Cứ theo lời anh Duẩn, trước đây áo dài Trạch Xá được làm hoàn toàn thủ công, nay dù có một số đường may trong được may bằng máy, nhưng tay áo và vạt áo thì nhất thiết phải khâu tay bằng chính loại chỉ rút được rút từ tấm vải may áo. Có như thế chiếc áo mới đảm bảo độ đồng nhất, không bị co ngót, cứng tà.
Điểm đặc biệt nữa là kỹ thuật khâu tay dọc với chiếc đê khâu xỏ ở ngón tay giữa, rất… Trạch Xá. Nhìn chiếc kim bật nảy trong tay người thợ lành nghề, loáng cái đã thành đường may thật dài, gần như không nhìn thấy mũi chỉ trên mặt vải thật thích mắt. Người thợ Trạch Xá nào cũng bắt đầu việc học nghề bằng tập khâu. Phải 3 tháng trời đánh vật với chiếc kim và mảnh vải, đường khâu đạt tiêu chuẩn “trong dán hồ ngoài phô trứng rận” (bên trong không thấy đường may, bên ngoài mũi chỉ li ti đều tăm tắp) mới được phép khâu áo cho khách.
Cổ truyền và… hơn thế nữa
Năm nay đã 90 tuổi, cụ Nguyễn Văn Nhiên không còn làm nghề nữa, nhưng vẫn được người dân làng nhắc đến một cách đầy kính trọng. Nhưng chính cụ Nhiên lại bày tỏ sự khâm phục bố vợ của mình, một người từng được may áo cho chính Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu từ khi mới ngoài 30 tuổi. Điều thú vị là ông không được phép đo trực tiếp mà chỉ được đứng từ xa để ước lượng, vậy mà những chiếc áo may lên đã làm đẹp lòng nhà vua và hoàng hậu.
“Người giỏi nhất làng cũng chỉ làm được một chiếc áo dài mỗi ngày, nhưng bố vợ tôi làm được đến 3 chiếc. Tôi từng làm thuê cho bố vợ, lúc ấy cụ đã mở cửa hàng trên phố Lương Văn Can (Hà Nội), nhưng người truyền nghề cho tôi là bố đẻ. Ông cùng với hầu hết những người thợ trong làng một thời đeo tay nải đi khắp nơi kiếm cơm thiên hạ, có khi đi hàng tháng trời”, cụ Nhiên kể.
Khi những cậu con trai đủ lớn, các ông bố bèn đưa đi theo, vừa làm vừa học. Có lẽ vì cách truyền dạy đó mà hầu hết “thợ cả” của làng là đàn ông, vì con gái không thể xa nhà lâu ngày, sinh hoạt bất tiện.
Nghề may ở Trạch Xá đã trải qua không ít thăng trầm, bởi những năm đất nước khó khăn, nhu cầu may mặc không nhiều, lại là áo dài. Cụ Nhiên từng đi bộ đội, bị thương, phục viên về làm chủ nhiệm HTX mua bán, rồi mới quay trở lại làm nghề may. Làng giờ đây không có nhiều cửa hiệu tấp nập là bởi vì nhiều người thợ tài khéo đã tỏa đi lập nghiệp khắp nơi, thậm chí ở nước ngoài. Nhiều người gây dựng được cơ nghiệp không hề nhỏ và vẫn giữ chữ “Trạch” trong thương hiệu như một cách tri ân quê hương mình. Nào là Vinh Trạch, Phúc Trạch, Mỹ Trạch, Vạn Trạch, Phương Trạch, rồi Đức Trạch, An Trạch…
Từ những năm 2005 trở lại đây, những người thợ làng Trạch Xá thường nhận gia công những đơn hàng lớn do các cửa hiệu trên phố gửi về. Tháng 11 hàng năm, trước Ngày Nhà giáo Việt Nam, cả làng đều bận. Thợ cắt, thợ may làm việc không ngớt tay. Việc tổ chức sản xuất, rất “làng nghề”, là chia thành nhiều công đoạn: nhà chuyên cắt, nhà chuyên may. Những người thợ khâu, phần lớn là phụ nữ, có thể đem áo về nhà, vừa khâu, vừa tranh thủ làm việc nhà, nên chồng con vẫn luôn có cơm dẻo canh ngọt...
Theo dã sử, nghề may áo dài bằng lụa tơ tằm ở làng đã có tuổi đời hơn 1.000 năm. Bà Nguyễn Thị Sen, thứ phi của Vua Đinh Tiên Hoàng, được coi là Tổ nghề của làng. Sau biến cố lớn của nhà Đinh, bà mang các con về làng cư ngụ, truyền nghề cho dân làng. Để tưởng nhớ công ơn bà, Đền thờ Tổ nghề có ghi lại 4 câu thơ: Rạng rỡ vầng trăng soi/ Sen vàng làng Trạch Xá/ Nghĩa cả khắc muôn đời/ Ơn sâu ghi vạn thế.
Hàng năm, vào ngày 12 tháng Chạp âm lịch, làng Trạch Xá tổ chức giỗ Tổ nghề. Dịp ấy, làng hết sức đông vui, nhộn nhịp vì những người con Trạch Xá đã lập nghiệp ở phương xa cũng về dự.
Chị Huyền Trang chăm chút từng đường kim mũi chỉ |
Tất nhiên, chỉ thành thạo những gì cổ nhân truyền lại sẽ là không đủ. Chu Huyền Trang, cô chủ Nhà may Hướng Trang ở làng Trạch Xá, cho biết, cô vừa tham gia một khóa học về thời trang áo dài. Không chỉ nhận gia công cho những hiệu quen ở Hà Nội, nhờ tận dụng các trang mạng xã hội để kết nối với khách hàng, cửa hàng của vợ chồng cô cũng có khách riêng. Trang chia sẻ, nghề may là một nghề rất vất vả, vì phải ngồi nguyên một tư thế nhiều giờ đồng hồ, đầu cúi, mắt chăm chút vào đường kim mũi chỉ. Đau lưng, đau vai gáy, mắt mờ dần… là những bệnh nghề nghiệp mà nhiều người thợ gần như không thể tránh. Thu nhập sẽ không cao nếu như chỉ làm gia công. Trang quyết tâm học hỏi để có thể sáng tạo và thực hiện thêm nhiều mẫu trang phục mới lạ hơn, tân thời hơn, bên cạnh những mẫu mã cổ điển.
Điều đáng mừng là đầu tháng 1-2020, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Áo dài Trạch Xá”. Đây là một điều kiện thuận lợi để các hộ làm nghề mở rộng sản xuất, phát triển thương hiệu và được trả công xứng đáng với vốn liếng, công sức mà họ đã đầu tư. Và để cho ngày càng nhiều thêm những tà áo dài duyên dáng tung bay, tô điểm cho cuộc đời, không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nơi trên thế giới.
Một sự hiện diện Việt Nam đẹp đẽ và đáng tự hào biết mấy!