DIỄN ĐÀN “XÂY DỰNG TPHCM THÀNH ĐÔ THỊ CẢNH QUAN SÔNG NƯỚC”

Mạch ngầm phát triển từ đô thị sông nước Sài Gòn - TPHCM

LTS: Sau khi Báo SGGP đăng bài phản ánh cùng những ý kiến chuyên gia, người dân, doanh nghiệp về công viên Bến Bạch Đằng và những vấn đề xoay quanh việc xây dựng TPHCM thành đô thị cảnh quan sông nước, để người dân có không gian công cộng và được hưởng lợi từ thiên nhiên, Báo SGGP tiếp tục đón nhận nhiều ý kiến của bạn đọc, người dân quan tâm đến vấn đề này. 

Quả thực, nhìn hình ảnh người dân dạo chơi, thưởng ngoạn ở khu vực công viên Bến Bạch Đằng, cạnh đó là công trường Mê Linh và tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo đang chuẩn bị cho ngày mở cửa trở lại; đặt trong đề mục của Đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM giai đoạn 2020-2045” vừa được UBND TPHCM phê duyệt, lại nhớ về cái ngày khốc liệt của tâm dịch Covid-19, ngày 26-8-2021, một trong những “công việc cần làm ngay” của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên lúc ấy là ông chỉ đạo đưa hàng ngàn hộ dân ở các khu nhà, xóm trọ chật hẹp, khả năng lây nhiễm rất cao đến nơi lưu trú thoáng đãng, sạch sẽ.

Bờ sông Sài Gòn nhìn từ Bến Bạch Đằng. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Trong cuộc giãn dân để bảo vệ sự an toàn cho dân ấy, có lẽ, người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng đã nhận ra những bất cập của quy hoạch khu vực nhà ở cho người lao động có thu nhập thấp; thậm chí, họ gần như bị “lãng quên” trong cái bản đồ quy hoạch đô thị đã được vẽ ra từ khá sớm ấy.

Và giờ, trong nỗ lực thúc đẩy sự hồi sinh, tái thiết sau đại dịch Covid-19, chính quyền thành phố đang tái khởi động đề án khơi thông luồng sinh khí vốn đã được định hình là sức sống bản địa của Sài Gòn - Gia Định - TPHCM, đó chính là trục sông Sài Gòn, là không gian phát triển của hành lang sông, là hệ sinh thái của hệ bờ đi cùng “dòng chảy” kênh rạch đã từng là mạch sống ngầm của vùng đất trên bến dưới thuyền này.

Đó là một lựa chọn tất yếu và nó đúng đắn, hợp lý về nhiều mặt. Bởi nó tổng hòa mối quan hệ và phát huy lẫn nhau cái sức mạnh của tự nhiên với xã hội - sông Sài Gòn là sự “ban tặng” của thiên nhiên dành cho vùng đất mở này, “nhờ hệ thống trục đường sông Sài Gòn và kênh Bến Nghé, người Việt dần biến Sài Gòn thành một trung tâm thương mại và thủ công nghiệp, mua bán sầm uất, hình thành hải cảng đối nội cũng như đối ngoại, tàu buôn các nước Trung Hoa, Xiêm La, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan… tới lui mua bán và cạnh tranh dữ dội trên sông Sài Gòn và Đồng Nai” (trích “Đô thị Sài Gòn - TPHCM” - Lê Chương).

Là tiếp nối và tiếp sức mối quan hệ lịch sử và hiện tại để tạo bệ phóng vững chắc đi tới tương lai, hãy nhìn từ cảm thức, tâm lý xã hội, người dân đối với việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa được lưu cữu qua Cột cờ Thủ Ngữ, tượng đài Đức thánh Trần Hưng Đạo, Bến Nhà Rồng, Cảng Ba Son… để sự đón nhận khá hào hứng những “biểu tượng mới” như tòa tháp 81 tầng, Khu đô thị mới Thủ Thiêm… lại luôn trong quy chiếu của ký ức công viên Bến Bạch Đằng, công trường Mê Linh, Nhà thờ Thủ Thiêm, Nhà thờ Đức Bà…

Là sự khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế bằng kinh tế dịch vụ ven sông trên cơ sở đảm bảo tính tôn trọng (tuyệt đối) các nguyên tắc bảo vệ hệ bờ, kè sông. Đây là thử thách không nhỏ, nếu nhìn vào hiện trạng thực tế, đã có nhiều bài học để bớt gây ra những hệ lụy về sau.

Trong bài phỏng vấn mới đây, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đã nêu: “Trễ nhưng không muộn. Tôi vẫn cho rằng TPHCM cần một quy hoạch hợp nhất hai bờ Đông - Tây hơn là chỉ quy hoạch rời. Hai quy hoạch rời đều đã trên 5 năm, sắp tới cũng phải điều chỉnh. Theo tôi, khi điều chỉnh nên hợp nhất hai quy hoạch lại và có kết nối tốt hơn giữa hai bờ Đông - Tây. Khi kết nối hai bờ Đông - Tây, trục ven sông sẽ là trục cảnh quan chính, là không gian đi bộ, công trình lịch sử, công trình mới ven sông đều trên trục cảnh quan đó”.

Mà sự mở đầu bằng cuộc chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng, khu vực công trường Mê Linh là một động thái trực quan đầy thuyết phục. Từ đây, kể cả bài học hạ bỏ toàn bộ cây xanh một cách khá chóng vánh để giờ công viên hoàn thiện lại thiếu bóng mát cũng là điều sẽ phải được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định ở các công trình chỉnh trang, tôn tạo, phát triển khác. Bởi, trong “bản tổng phổ” của đô thị sông nước, sẽ không chỉ có sông - nước mà còn cả không gian bờ, ven sông được nối dài, tương tác với thành và phố, với mật độ cây xanh và môi trường xanh, sạch được thụ hưởng từ dòng sông và trả ngược lại cho sông những nguồn năng lượng tái tạo bởi con người, từ lối sống và cách thức quản trị xã hội, môi trường của chính họ.

Tin cùng chuyên mục