Nhờ sự đấu tranh gan lỳ, không ngại đụng chạm với cả ban giám đốc công ty mà sau hơn 20 năm làm cán bộ công đoàn, ông đã cùng tập thể ký được các thỏa ước giúp phúc lợi của người lao động ngày càng được nâng lên. Với ông Đạt, bất cứ việc làm nào có lợi cho người lao động, ông đều đeo bám đến cùng.
Lợi cho công nhân thì làm
Gần 1 tháng trước, trong cuộc hẹn gặp ông Đạt ở quán cà phê vỉa hè giữa trung tâm TPHCM, ông phấn khởi nói: Các đại biểu Quốc hội TPHCM đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc tăng giờ làm rồi đấy. Nước mắt đại biểu cũng đã rơi ở nghị trường rồi. Vậy mà cách đây vài ngày, sau khi Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tôi không còn bắt gặp sự hồ hởi ấy nơi ông. Có lẽ, bởi ông mong muốn quyền lợi cho người lao động nhiều hơn thế.
Biết ông đã lâu, tôi hiểu ông luôn bảo vệ quan điểm: Công nhân cần được nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Tôi nhớ trong lần gặp các đại biểu Quốc hội để đóng góp ý kiến, ông còn mời các đại biểu thử làm công nhân 1 tuần để xem bản thân xoay xở ra sao với quỹ thời gian hạn hẹp dành cho gia đình. Nhắc chuyện ấy, ông Đạt chỉ cười buồn: “Xuống khu trọ mới thấy thương công nhân. Vì phải tăng ca triền miên nên con cái đành phó thác cho các cơ sở nuôi dạy không đủ chuẩn. Ăn uống thì kham khổ, rồi lấy thời gian, sức lực đâu mà nâng cao tay nghề”.
Nhớ hồi công ty xây nhà ăn cho người lao động, ông Đạt phải trầy trật đeo đuổi suốt 2 đời giám đốc mới có thể đạt được nguyện vọng. Đó là năm 2006, ông thấy công nhân, dược sĩ, bác sĩ cứ đến giờ ăn lại tấp vào quán cơm ven đường vừa nóng bức, lại xập xệ, không đảm bảo vệ sinh. Trăn trở, ông đề xuất công ty xây nhà ăn - điều mà nhiều năm nay chưa ai từng nhắc. Bị từ chối ngay khi vừa trình bày ý tưởng nhưng ông không nản, nghĩ chắc mình nói chưa đủ “thấm”.
Vậy là tại các cuộc họp trong suốt nhiệm kỳ 4 năm của vị giám đốc người Pháp, lần nào thuận tiện là ông Đạt lại nhắc đề xuất ấy. Đâu chỉ vậy, đến đời giám đốc kế nhiệm, nhà ăn vẫn chưa được xây, ông Đạt tiếp tục ý kiến với những phân tích thấu tình đạt lý. “Tôi chưa từng thấy ai quyết liệt như chú. Bị từ chối lần này, chú đề xuất vào lần khác. Chú thường nói, mình vì cái chung chứ có phải riêng tư đâu mà sợ người khác cười”, anh Thanh Tuấn (công nhân sản xuất) nhận xét. Cũng nhờ sự kiên trì, đeo bám của ông Đạt, một nhà ăn khang trang với kinh phí xây dựng hơn 40.000 EUR được hình thành. Tiền ăn cũng được nâng dần từ 11.000 đồng đến nay là trên 32.000 đồng. Hỏi thì ông Đạt cười: Chắc do mình nói hoài nên họ đồng ý. Giờ thì thành nếp rồi, cứ xây nhà máy thì công ty lại xây nơi ăn sạch đẹp.
Ông Đạt là vậy, vì không ngại đụng chạm nên rất nhiều lần ông đứng ra cãi lý với ban giám đốc công ty để đòi quyền lợi cho người lao động. Mỗi lần như thế ông đều kiên quyết với những lý lẽ chắc chắn, nhưng cũng từ tốn thấu tình đạt lý. Nhớ lần công ty đưa ra quy định kiểm tra, khám xét tủ cá nhân và kiểm duyệt thư từ cá nhân của nhân viên, ông đã đấu tranh đến cùng. Ngoài giải thích để ban giám đốc hiểu đó là tài sản của riêng mỗi người, ông còn đưa Bộ luật Dân sự ra nói chuyện. Cuối cùng, quyền cá nhân của người lao động được bảo vệ, còn ông thì có thêm... vài người “ghét”.
Một lần, thấy ông trao đổi với vị giám đốc bằng tiếng Anh một cách lưu loát, tôi thán phục, ông chỉ cười: Già đầu 2 thứ tóc tôi mới đi học ngoại ngữ. Khó lắm, nhưng ráng rồi cũng xong. Cái hay ở chỗ, ông Đạt “xóa mù” ngoại ngữ là để có thể đọc được các quy định liên quan đến quyền lợi người lao động phía công ty mẹ gửi sang. Nói như ông Đạt là để “cãi” cho chính xác. Mà đúng thật, rất nhiều lần ông đấu đến cùng khi phía công ty có ý lấp liếm quyền lợi người lao động. Thậm chí, ông còn viết email bằng tiếng Anh để thay mặt công nhân đề đạt nguyện vọng lên ban giám đốc. Mỗi lần đề đạt nguyện vọng gì ông đều tìm hiểu rất cặn kẽ các quy định của pháp luật. Hết đọc trong sách, ông lại lên mạng để tìm hiểu các điều khoản cho thật nhuần nhuyễn. Bởi với ông Đạt, đó là cơ sở chắc chắn cho các lý lẽ của ông khi thuyết phục ban giám đốc.
Ông cán bộ công đoàn thứ thiệt
Vài ngày trước, tôi nhận được điện thoại của Phong (công nhân trực tiếp sản xuất của Sanofi), giọng rất buồn: Chú Đạt chuẩn bị nghỉ hưu rồi chị. Chú nghỉ là thiệt thòi lớn cho công nhân chúng em.
Nhận tin ấy có lẽ công nhân đang làm việc tại Sanofi lo lắng lắm. Không buồn sao được bởi ông Đạt đã để lại dấu ấn quá lớn trong lòng người lao động của công ty. Tôi nhớ cách đây 3 năm, khi ông đến tuổi về hưu, người lao động công ty đã đồng loạt ký đơn mong ban giám đốc tiếp tục giữ ông lại làm việc. Lần này cũng vậy, vừa hay tin ông sẽ nghỉ, lãnh đạo công ty đã nhận được đơn của người lao động gửi đến. Tình cảm người lao động dành cho ông Đạt nhiều như thế cũng phải. Hơn 20 năm làm cán bộ công đoàn, trải qua 9 đời giám đốc, ông Đạt đã thương lượng được rất nhiều phúc lợi cho công nhân. Bằng cái tâm lo việc khó cho “người dưng”, như từ chuyện đóng bảo hiểm xã hội dựa trên tổng thu nhập, đến trợ cấp thôi việc, tiền thai sản, nghỉ mát, ăn ca đêm, tổ chức lễ hội Trung thu cho con công nhân…
Thành công lớn nhất của vị chủ tịch công đoàn ấy chính là đã xây dựng được niềm tin cho người lao động qua việc ký kết các thỏa ước lao động tập thể. Trong đó, các chính sách chăm lo, chế độ phúc lợi cho người lao động năm sau phải cao hơn năm trước 10% giá trị. Nhắc tới ông, chị Bá Giang (nhân viên kinh doanh) không khỏi ngưỡng mộ: “Chú là vị cứu tinh của mọi người đấy. Lúc nào chú cũng tất bật lo cái này, tính chuyện kia cho người lao động. Tôi chưa từng thấy chú đòi quyền lợi gì cho mình, kể cả những lần giám đốc thẳng thừng đòi đuổi việc, chú vẫn mạnh mẽ lên tiếng bênh vực công nhân. Chú thường nói, đuổi thì tôi nghỉ, nhưng quyền lợi này của công nhân, các vị phải giải quyết cho xong trước đã. Mà 9 đời giám đốc rồi, có ai đuổi chú được đâu. Chắc chú còn “mắc nợ” công nhân!”.
Với nhiều công nhân Công ty Sanofi, ông Đạt là người ơn của cuộc đời họ. Tôi nhớ thói quen của ông mỗi khi có thời gian rảnh là đi xuống gặp công nhân để lắng nghe tâm tư, kiến nghị. Nhờ đó, ông biết được hoàn cảnh người này, khó khăn của người kia, rồi tìm cách giúp đỡ. Như lần ông hay tin công nhân Mai Thị Ánh bị bệnh ung thư, bên cạnh viết email gửi các tổ trưởng để vận động sự hỗ trợ của người lao động, ông còn viết thư đề xuất lên công ty để tìm cách trợ giúp tốt nhất cho chị Ánh. Nhờ sự quan tâm, sâu sát của ông, chị Ánh đã vượt qua bệnh tật khi được công ty chuyển thuốc từ nước ngoài về giúp chị điều trị và hỗ trợ toàn bộ chi phí chữa bệnh. Thậm chí hay tin người thân công nhân mắc bệnh hiểm nghèo, ông Đạt cũng tìm cách xoay xở để giúp đỡ.
Mới đây, đến thăm ông, thấy ông đang cặm cụi bên máy tính. Ông đang soạn văn bản đề xuất các chế độ chăm lo cho người lao động dịp tết. Ông chia sẻ: “Các chế độ lương, thưởng tết thì đã có rồi, nhưng còn một số trường hợp khó khăn đặc biệt nên tôi đề đạt thêm để lãnh đạo công ty có sự quan tâm riêng”.
Nhìn phong thái làm việc của ông, tôi thầm cảm phục người chủ tịch công đoàn có mái tóc bạc phơ và giọng cười hào sảng ấy. Cả đến lúc nghỉ hưu, tâm của ông Đạt vẫn dành trọn cho quyền lợi chính đáng của người lao động. Còn việc của mình, xưa giờ ông coi nhẹ tênh. Nhìn ông, tôi thầm nghĩ, chắc cuộc đời này ông “mắc nợ” người dưng thật!