
Mua chung cư cao cấp, mới ở... đã xuống cấp
Một ngày cuối tháng 9-2007, chúng tôi tìm đến chung cư cao cấp The Manor. Bên ngoài có vẻ hoành tráng nhưng bên trong tòa nhà đã xuất hiện dấu hiệu của sự xuống cấp. Tại phòng thư tầng 1 của tòa nhà, nước thấm dột, nhân viên vệ sinh phải để 3 cái xô nhựa để hứng nước từ trần nhà rơi xuống.
Chúng tôi lên thang máy vào hành lang khu vực AE. Khu vực hành lang này được thiết kế khá bí, máy lạnh lại không được mở và cũng không có hệ thống thông gió nên hơi nóng hầm hập, ngột ngạt vây lấy, mồ hôi ra ướt đẫm áo chúng tôi.
Căn hộ AE 305 của bà Nguyễn Thị Bình nằm trong khu vực này đang được khóa trái cửa, bên trong các nhân viên của tòa nhà đang đục đẽo, trám trét và thông bồn cầu. Trong khi chờ sửa chữa căn hộ, gia đình bà Bình đã được Công ty Bitexco di dời đến ở tạm trong căn hộ B502.
Khác với khu vực AE, hành lang khu B này luôn bị nước mưa tạt vào nhà, trần hành lang bung nứt nhiều chỗ. Một số hộ dân ở đây cho biết, cứ mưa xuống nước tạt thẳng vào nhà. Mặc dầu đóng kín cửa nhưng nước từ ngoài hàng lang thoát không kịp, dâng lên chảy vào nhà ngập lênh láng… Bà Bình cho biết: “Công ty Bitexco nói sửa chữa lại căn hộ trong 3 tuần nhưng đến nay đã 5 tuần, vẫn chưa sửa chữa xong”.

Cầu thang trong cao ốc The Manor bị lún, nứt nẻ. Ảnh: SONG PHA
Tháng 11-2006, bà Nguyễn Thị Bình được nhân viên Công ty sản xuất kinh doanh XNK Bình Minh (Bitexco) giới thiệu mua căn hộ cao cấp số AE305, rộng 113m2 trong tòa nhà The Manor (đường Nguyễn Hữu Cảnh, P22 Q.Bình Thạnh, TPHCM) với giá 167.000USD (gần 2,7 tỷ đồng).
Từ khi bà Bình nhận căn hộ, 3 lần bồn cầu cứ trào ngược nước lên, mang theo các thứ dơ bẩn tràn ra gây hôi thối khắp nhà, không ai chịu được.
Trước đó, hộ bà Trần Thị Mận cũng đã bỏ ra 136.000 USD mua căn hộ số AE 307 và cũng bị sự cố nước thải, cùng vô số những thứ dơ bẩn từ bồn cầu trào ngược ra ngoài làm ngập 2 phòng và tràn cả ra hành lang. Sự cố này đã được Ban Quản lý tòa nhà khắc phục nhưng một tuần sau, tình trạng lại tiếp diễn.
“Treo đầu dê, bán thịt... chó”
Theo đơn khiếu nại của trên 20 hộ dân đang sống ở chung cư The Manor, trước khi ký hợp đồng mua căn hộ, tất cả khách hàng đều được hướng dẫn tham quan căn hộ mẫu. Vì vậy căn hộ mẫu ở đây có thể được coi là một “phụ lục hợp đồng” để tham chiếu khi xảy ra tranh chấp về chất lượng căn hộ. Thế nhưng khi nhận nhà họ mới biết nội thất, trang thiết bị nhà tắm, nhà bếp (đá lát sàn, sàn gỗ, gỗ đóng tủ, thiết bị vệ sinh) đều khác xa với căn hộ mẫu.
Các cánh tủ, cửa của căn hộ được Công ty Bitexco cam kết làm từ gỗ thiên nhiên nhưng được thay thế bằng ván ép, gỗ chế biến. Vì thế mới sử dụng, một số cánh cửa nhà vệ sinh, gỗ lát sàn đã bị bong dộp. Do sử dụng vật liệu rẻ tiền hơn nhà mẫu, nên hiện tượng rò rỉ nước, nứt tường... xảy ra ở khá nhiều căn hộ.
Bà Bình cho biết, nhà ở chưa được 1 năm nhưng đã 15 lần bóng đèn nhà đứt phải thay mới, mỗi lần thay bóng tốn 95.000 đồng. “Mua căn hộ cao cấp chúng tôi mong được an cư lạc nghiệp nhưng từ khi nhận nhà đến nay, chưa được một ngày an cư. Chúng tôi bỏ tiền tỷ ra mua căn hộ cao cấp nào ngờ… họ “treo đầu dê, bán thịt chó” - bà Bình than thở.
Trường hợp của ông Lý Thanh Tùng chủ căn hộ AE 2304 cũng dỡ khóc, dỡ cười. Ông Tùng trả giá cao hơn so với các căn hộ khác để mua căn hộ AE 2304 với giá 260.000USD (giá trong hợp đồng 231.846 USD) với mong muốn có được cảnh quan khi nhìn ra 2 con sông Sài Gòn, Đồng Nai và hưởng tiện tích từ ban công chạy dọc hình chữ “L” theo căn hộ.
Nhưng sau đó ông Tùng mới biết Công ty Bitexco cũng đã hứa cho hộ 2305 sử dụng phần diện tích ban công này. Thế là tranh chấp xảy ra, khi đó giám đốc kinh doanh Công ty Bitexco mới có công văn đồng ý với yêu cầu của ông Tùng sẽ phân chia phần diện tích ban công theo tỷ lệ diện tích căn hộ với hộ 2305. Nhưng để được như vậy, ông Tùng phải thanh toán hết tiền mua căn hộ cho Công ty Bitexco trước.
Theo đơn của bà con, căn hộ mà Bitexco đã bàn giao cho khách hàng thiếu 10% diện tích. Mỗi căn hộ có giá từ 136.000USD đến 260.000 USD (tùy diện tích và vị trí), nếu giao thiếu 10% diện tích căn hộ thì Bitexco gian lận của khách hàng vài chục ngàn USD. Đó là chưa kể các dịch vụ tiện ích, công cộng mà lẽ ra các cư dân của tòa nhà được dùng, đều bị chủ đầu tư sử dụng sai mục đích.
Ví dụ: Khu vực đỗ xe B1 được biến thành nhà kho của Bitexco; khu vực lầu 1 dùng để nghỉ ngơi giải trí thì một phần được sử dụng thành phòng tập thể dục của Bitexco; khu sân chơi trẻ em biến thành quầy bar; khu vực lầu 26 lẽ ra cũng là một khu vực nghỉ ngơi giải trí thì được trưng dụng để đặt thiết bị thông gió công suất lớn.
Chưa có chuẩn đánh giá chung cư
Có thể nói “sự cố” dỡ khóc, dỡ cười của các hộ dân ở tòa nhà The Manor không phải là cá biệt. Hiện có nhiều chung cư, tòa nhà cao tầng mới xây dựng ở trung tâm TPHCM và ở các quận mới cũng được chủ đầu tư gắn mác “cao cấp” và bán với giá cao ngất trời (từ 1.600USD/m2 đến 2.000USD/m2).
Theo ông Võ Đình Quốc, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc ACB, pháp luật hiện hành chỉ có phân loại khách sạn theo tiêu chuẩn sao, còn với chung cư, căn hộ cao cấp thì chưa có tiêu chí cụ thể để đánh giá. Chính vì thiếu quy chuẩn, nhiều nhà đầu tư đã tự gắn mác cho căn hộ chung cư là “căn hộ cao cấp”, “khu căn hộ cao cấp tiêu chuẩn 5 sao”, “tiêu chuẩn quốc tế” hay “khu căn hộ cao cấp thông minh”. Khách hàng bị thiệt thòi vì khó phân biệt đâu là cao cấp thật, đâu là giả.
Trên thực tế, nhiều dự án căn hộ được quảng cáo rầm rộ là “cao cấp” nhưng thực tế chỉ là một chung cư cao tầng… có thang máy và thiếu các tiện ích tối thiểu. Có khách hàng sau khi đầu tư hàng tỷ đồng để mua căn hộ đã thất vọng vì chất lượng căn hộ không “cao cấp” như quảng cáo của chủ đầu tư.
TRẦN THANH