Nhà máy điện phơi nắng, hứng mưa
Trước đây, nhìn các dự án ĐMT ven biển với màu đen thẫm, lúp xúp trên đồi cát, chúng tôi nghĩ rằng việc đầu tư không đáng kể, nhưng khi tận mắt chứng kiến dự án ĐMT Phù Mỹ trải dài tại 2 xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định thì suy nghĩ đó thay đổi.
Chở chúng tôi trên ô tô bán tải chạy lòng vòng hơn 1 giờ mà vẫn chưa tham quan hết dự án, ông Huỳnh Tấn Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch, chủ đầu tư dự án, tâm sự: “Nói thiệt là rất may, cơn bão số 4 vừa rồi đổ bộ rất nhẹ nên không gây ra hư hỏng gì”.
Dự án nằm sát biển, nhấp nhô theo triền cát, được thi công vững chãi. Những tấm pin mặt trời gắn kết với nhau thành từng dãy, cách mặt đất hơn 2m, bên dưới là hệ thống giá đỡ bằng trụ bê tông chôn sâu trong lòng đất, kèo sắt đan chéo qua lại. Ở giữa nhà máy là trạm biến thế đồ sộ và nhà điều hành, luôn có đội ngũ kỹ thuật túc trực vận hành cả ngày lẫn đêm. Theo báo cáo của công ty, dự án tọa lạc trên khu đất diện tích 325ha, chia làm 3 giai đoạn, gồm Phù Mỹ 1, 2, 3 với tổng vốn đầu tư 7.339 tỷ đồng, công suất 330MWp.
Để thực hiện dự án, chủ đầu tư đã thực hiện hàng loạt thủ tục. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư và cho thuê đất; Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) thẩm định thiết kế cơ sở, duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng… Ngoài ra, để đấu nối với điện lưới quốc gia, chủ đầu tư đã thi công đường dây 220kV với 2 mạch, dài 18,4km từ trạm biến áp của nhà máy đến trạm biến áp 220kV Phù Mỹ.
Trong báo cáo gửi đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội vào giữa tháng 8-2022, lãnh đạo Công ty cổ phần Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch cho biết, giai đoạn 1 và 3 của dự án đã đi vào hoạt động, được hòa lưới vào điện quốc gia, được trả tiền mua điện. Tuy nhiên, giai đoạn 2 của dự án có công suất 114MWp, tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, hoàn thành xây dựng trong quý 1-2022, đã được các cơ quan nghiệm thu, nhưng chưa bán được điện vì không hoàn thành trước ngày 1-1-2021 theo quy định.
Công ty kiến nghị, ngành điện không mua nhưng vẫn cho công ty phát lên lưới điện để ghi nhận sản phẩm, sau này có giá mua điện thì sẽ tính, nhưng không được chấp thuận. “Hiện doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, áp lực tài chính, dòng tiền cho phần đầu tư này. Công ty mong muốn đoàn giám sát sớm có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương trong thời gian nhanh nhất cho phép đấu nối, ghi nhận sản lượng phần công suất đã thực hiện và ban hành chính sách về giá thu mua điện”, báo cáo nêu.
Ông Huỳnh Tấn Huy cho biết, với công suất phát điện của giai đoạn 1 và 3 có thể tính ra sản lượng điện của giai đoạn 2, mỗi tháng công ty thất thu trên 23 tỷ đồng vì không bán được điện. Công ty phải trả lãi ngân hàng mỗi tháng gần 20 tỷ đồng; chưa tính chi phí vệ sinh, thay pin vì sét đánh, trả lương công nhân…
Tranh cãi việc khai thác công suất
Cho đến thời điểm này, dự án ĐMT hoành tráng nhất chính là Nhà máy ĐMT Trung Nam - Thuận Nam, tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, với tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng. Dự án có công suất 450MW, kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV… đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, có diện tích 557,09ha.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phan Tấn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, phân tích, đây là “dự án có điều kiện”, tức là bên cạnh việc thực hiện nhà máy ĐMT thì chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam phải đầu tư, xây dựng toàn bộ hệ thống đường dây, trạm biến áp để đưa điện lưới của công ty cũng như những dự án khác hòa vào mạch điện lưới quốc gia. Riêng hệ thống này đã tiêu tốn gần 2.000 tỷ đồng, đổi lại chủ đầu tư sẽ được bù đắp bằng doanh thu bán điện từ việc khai thác toàn bộ công suất của dự án. Điều này cũng được ngân hàng thẩm định trong phương án vốn vay của dự án.
Sau hơn 6 tháng thi công, toàn bộ Nhà máy ĐMT Trung Nam - Thuận Nam và đường tải điện hoàn thiện, khánh thành vào tháng 10-2020, đủ điều kiện hưởng giá ưu đãi theo quy định. Tuy nhiên, từ đây, nhiều tranh cãi bắt đầu nảy sinh. Nhà máy có công suất 450MW, nhưng chỉ có 277,88MW được trả tiền mua điện. Lúc đầu, ngành điện hỗ trợ chủ đầu tư, khai thác phần còn lại là 172,12MW và ghi nhận sản lượng điện; nhưng mới đây, công ty mua bán điện của ngành điện đã gửi văn bản thông báo, kể từ ngày 1-9-2022 dừng hẳn việc khai thác!
Thế nhưng, phần truyền tải hộ công suất cho các dự án điện năng lượng khác trong khu vực tính từ tháng 10-2020 đến nay là gần 4,2 tỷ kWh, tương ứng tiền bán điện khoảng 360 tỷ đồng, không được tính cho Nhà máy ĐMT Trung Nam - Thuận Nam. Đại diện chủ đầu tư cho biết: “Phần vốn vay toàn bộ dự án chiếm đến 70%, do đó khi ngành điện dừng 40% công suất thì phá vỡ cam kết với tổ chức tín dụng khi huy động vốn, dẫn đến mất khả năng cân đối trả nợ vay”.
Lý do tranh cãi là theo Nghị quyết số 115/NQ-CP do Thủ tướng ký ban hành vào tháng 8-2018 đồng ý tỉnh Ninh Thuận được hưởng chính sách giá điện theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến hết năm 2020 đối với các dự án điện năng lượng mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000MW đã được chấp thuận triển khai. Tiếp đó, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng cũng quy định ĐMT tại tỉnh Ninh Thuận có “tổng công suất tích lũy không quá 2.000MW”. Xét trên tổng thể đã cấp phép và đi vào hoạt động, cộng thêm với phần 172,12MW của Nhà máy ĐMT Trung Nam - Thuận Nam là vượt hạn mức đã cấp cho Ninh Thuận.
Trước hàng loạt kiến nghị từ chủ đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, ngày 24-9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp, chỉ đạo Bộ Công thương xem xét toàn diện liên quan về đầu tư xây dựng Nhà máy ĐMT Trung Nam - Thuận Nam gắn với đầu tư lưới điện truyền tải đấu nối giải tỏa công suất nguồn điện trong khu vực, hợp đồng mua bán điện… bảo đảm sự thống nhất, đúng quy định. Gần một tháng sau, ngày 23-10, ngành điện đã phát đi “thông tin báo chí” khẳng định: việc dừng huy động phần công suất 172,12MW chưa có cơ chế giá của Nhà máy ĐMT Trung Nam - Thuận Nam là đúng quy định của pháp luật (!?).
3 dự án Thiên Tân trông chờ mua điện |