Mặc "áo giáp" cho vựa lúa - Bài 3: “Trở bộ” trước khó khăn, thách thức

Những khó khăn, thách thức của ĐBSCL đã được nhận diện; hiện từ Chính phủ tới chính quyền các địa phương đã có nhiều quyết định đầu tư, nhiều chủ trương chính sách hỗ trợ cho ĐBSCL. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học, người dân đã tham gia góp ý, hiến kế cho ĐBSCL vượt qua khó khăn.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch khóm. Ảnh: LÝ ANH LAM
Nông dân Hậu Giang thu hoạch khóm. Ảnh: LÝ ANH LAM

Chủ động lên kế hoạch ứng phó

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, Cần Thơ ghi nhận có 2 đợt xâm nhập mặn theo đường sông Hậu vào đến cảng Cái Cui thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng (giáp ranh tỉnh Hậu Giang) vào năm 2016 và 2020. Điều này cho thấy tác động của biến đổi khí hậu, tác động của thiên tai cả nhân tai (như vận hành thủy điện, hồ chứa ở thượng nguồn…) ngày càng cực đoan, gay gắt.

Để chủ động phòng chống và thích ứng với hạn mặn, thiếu nước, xâm nhập mặn, thành phố đã tập trung làm tốt công tác dự báo, truyền thông thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ đến chính quyền các cấp, để người dân chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Thành phố cũng tổ chức vận hành các công trình thủy lợi hợp lý; xây dựng các kịch bản về ứng phó và thích ứng với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với tình hình thực tế của từng quận, huyện…

Nhiều địa phương khác cũng đã xây dựng hệ thống kênh rạch dẫn nước, các công trình ngăn mặn lớn như hệ thống thủy nông Quản Lộ - Phụng Hiệp, hệ thống thủy lợi ngọt hóa và ngăn mặn ở tỉnh Bến Tre, cống đập Ba Lai, kênh Cái Lớn - Cái Bé, hệ thống đê biển... Bên cạnh đó, tập trung rà soát các tuyến giao thông ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở, sụt lún để lắp đặt các biển cảnh báo và triển khai các biện pháp phù hợp nhằm giảm tối đa thiệt hại; huy động nhân dân tham gia thực hiện phòng chống thiệt hại do sụt lún, sạt lở đất và khắc phục những vị trí có nguy cơ đe dọa an toàn đến người và phương tiện trong quá trình lưu thông.

Mô hình sản xuất lúa tôm được xem là mô hình nông nghiệp thông minh, thuận thiên, thích ứng với biển đổi khí hậu. Theo đó, ở vùng sản xuất nông nghiệp thường xuyên bị xâm nhập mặn, bà con nông dân tận dụng 6 tháng mùa mưa (nước ngọt) để sản xuất luân canh mô hình lúa tôm. Hiện diện tích sản xuất lúa tôm tập trung nhiều tại tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… Một số nơi, người dân đã chủ động mua túi bạt trữ nước mưa; nạo vét các kênh, mương, ao, đìa và lót bạt… tích trữ nước. Những mô hình này vừa sống chung được với hạn mặn, vừa gia tăng thu nhập.

Những kiến nghị tâm huyết

Ở góc độ khoa học, nhiều nhà khoa học đã có những nghiên cứu sâu về hiện trạng, đồng thời đề xuất giải pháp giải quyết thách thức cho ĐBSCL. PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, đưa ra hướng sử dụng nước mặt hiệu quả, đảm bảo chất lượng thay cho khai thác nước ngầm quá mức như hiện nay. Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, việc chuyển đổi dần từ khai thác nguồn nước ngầm sang nước mặt để phục vụ sinh hoạt là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, trước khi bắt tay vào chuyển đổi, cần xem xét nguồn nước mặt phải lấy từ đâu, công nghệ xử lý là công nghệ gì? Vì vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến giá thành cũng như khả năng chi trả của người dân.

“Bên cạnh đó, cũng cần xem xét tính dung hòa, linh hoạt trong tiếp cận 2 nguồn nước mặt và nước ngầm. Nếu vào mùa mưa, nguồn nước mặt dồi dào, chất lượng tốt thì ưu tiên dùng nước này; còn vào mùa khô, hạn mặn gay gắt, nước mặt bị nhiễm mặn, ô nhiễm thì mới sử dụng nước ngầm ở mức hạn chế nhất có thể”, PGS-TS Lê Anh Tuấn nói.

Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp Hồ Thanh Phương cho biết, tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng lộ trình chuyển đổi khai thác từ nước ngầm sang nước mặt. Tỉnh đặt ra mục tiêu, tất cả trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh sẽ không còn khai thác nước ngầm. Việc chuyển đổi này phải đảm bảo 2 tiêu chí là nhà máy cấp nước sử dụng nước mặt và cấp nước đủ số lượng, chất lượng cho người dân sử dụng. Còn theo bà Dương Thị Ngọc Tuyền, Trưởng phòng Tài nguyên nước và Khí tượng thủy văn (Sở TN-MT tỉnh Cà Mau), địa phương đang kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương sớm triển khai dự án dẫn nước mặt từ sông Hậu về các tỉnh ven biển và bán đảo Cà Mau, để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và từng bước thay thế nguồn nước ngầm.

PGS-TS Nguyễn Thị Hồng Điệp (ĐH Cần Thơ) đề xuất, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thích ứng với hạn mặn. Theo đó, hướng dẫn người dân trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt trong gia đình. Hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho người dân canh tác phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng sinh thái. Chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, vật nuôi, cây trồng phù hợp với từng vùng, nghiên cứu, lai tạo giống cây mới chịu hạn, chịu mặn mang lại giá trị kinh tế cao. Tăng cường quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo mặn. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi linh hoạt, vừa đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, trữ ngọt, vừa thực hiện nhiệm vụ tiêu thoát nguồn nước bị ô nhiễm… Cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân, địa phương trong hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề ứng phó với tình trạng hạn mặn, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đang rất cấp bách.

Trồng rừng để bảo vệ đất và nước ngầm

Là một trong những địa phương bị sạt lở nhiều nhất, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho biết, 13 năm qua, hơn 350km bờ biển của tỉnh bị sạt lở, hơn 5.200ha đất bị mất, tương đương diện tích của một xã. Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài bờ biển đang tiếp tục bị sạt lở là trên 105km; trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm trên 43km (bờ biển Tây 11km, bờ biển Đông hơn 32km); sạt lở nguy hiểm hơn 62km (bờ biển Tây 22km, bờ biển Đông hơn 40km).

Đại diện Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho rằng, với tốc độ sạt lở rất nghiêm trọng như hiện nay, nếu không có giải pháp bảo vệ ngay thì thời gian tới, sạt lở ven biển sẽ tiếp tục làm mất thêm rất nhiều đất, rừng phòng hộ - đây là diện tích đất, cây rừng đã được hình thành qua hàng trăm năm. Nếu để sạt lở tiếp tục tiến sâu vào đất liền thì không chỉ mất thêm đất, mất rừng mà còn nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều công trình hạ tầng đã xây dựng bên trong, buộc phải thực hiện bảo vệ theo tình huống khẩn cấp; khi đó việc xây dựng công trình bảo vệ sẽ rất tốn kém, rất khó khôi phục diện tích đất và cây rừng đã mất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết, hiện Cà Mau đã hoàn thành hơn 55km kè bảo vệ bờ biển, với tổng kinh phí 1.720 tỷ đồng, 9,2km kè bảo vệ bờ sông, kinh phí thực hiện 391 tỷ đồng. Tuy vậy, tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Hiện tỉnh Cà Mau đang xây dựng và triển khai Đề án Phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 177 công trình phòng chống sạt lở bờ biển, bờ sông với kinh phí hơn 31.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, đầu tư xây dựng 30 công trình, với kinh phí trên 6.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030, đầu tư xây dựng 147 công trình, với kinh phí hơn 24.000 tỷ đồng.

Mục đích của đề án nhằm khắc phục sự cố sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư, cơ sở hạ tầng ven biển, rừng phòng hộ ven biển; đầu tư xây dựng tuyến đê biển vừa kết hợp làm đường giao thông, ngăn triều cường, chắn sóng, ngăn chặn sạt lở, đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở kết hợp trồng rừng, nhằm phục hồi đất rừng ngập mặn, phòng hộ ven biển, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo sinh kế cho người dân, khai thác tiềm năng tín chỉ carbon; xây dựng các công trình chỉnh trị sông tại các khu vực trọng điểm, vùng cửa sông, ven biển…

Từ năm 2016 đến nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã xuất hiện tổng số 779 điểm sạt lở với tổng chiều dài 1.134km. Trong đó, bờ sông là 666 điểm với chiều dài 744km; bờ biển xuất hiện 113 điểm với 390km. Có 281 điểm với 528km sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần phải xây dựng công trình để bảo vệ; 155 điểm với 306km sạt lở nguy hiểm và sạt lở bình thường là 343 điểm với 300km. Thống kê sơ bộ tại 5 địa phương (An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau), trong 5 năm (2018-2022), sạt lở đã làm sập, cuốn trôi ít nhất 2.500 căn nhà, làm thiệt hại hơn 304 tỷ đồng, có trên 20.000 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cần phải di dời.

Nguồn: BỘ NN-PTNT

Tin cùng chuyên mục