Đây là diễn đàn thường niên lần thứ 9 với chủ đề “Tìm bước đột phá”, sẽ diễn ra tại TPHCM vào ngày 10-8 tới đây.
Theo thông tin từ cuộc họp, tại Việt Nam, sau khi đạt 5,8 tỷ USD trong năm 2016 - mốc kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, thị trường đang cần một cú hích mới. Trên thực tế, hoạt động M&A từ nửa cuối năm 2016 đến nay có dấu hiệu chậm lại, ít thương vụ quy mô lớn và năm 2017, nếu không có những yếu tố đột phá, giá trị M&A sẽ không dễ vượt qua con số 5,8 tỷ USD của 2016. Tăng trưởng của thị trường M&A tại Việt Nam được các nhà quan sát cho là đáng ghi nhận, tuy nhiên quy mô thị trường vẫn ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Chẳng hạn, tổng giá trị M&A năm 2016 của thị trường Singapore đạt 62,3 tỷ USD; Indonesia, Thái Lan và Malaysia đều ở mức 11-16 tỷ USD. Đáng lưu ý, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô lớn từ 20 triệu usd đến trên 100 triệu USD. Yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua là làn sóng tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực (Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore).
Năm 2017, một số nhận định dự báo sự trỗi dậy của Trung Quốc. Về “khẩu vị” đầu tư, tại thị trường Việt Nam, trong khi Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm, thì Singapore đặc biệt quan tâm đến những thương vụ bất động sản thương mại; Thái Lan tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ và vật liệu - hóa chất, với mục tiêu mở rộng thị trường; Hàn Quốc thực hiện một số thương vụ trong lĩnh vực thực phẩm và tài chính - ngân hàng.
Nhìn vào tỷ lệ thương vụ có nhà đầu tư ngoại chiếm 77% về tổng giá trị M&A tại thị trường Việt Nam, có ý kiến bày tỏ băn khoăn: phải chăng các doanh nghiệp nội đã dần dần mất “đất” kinh doanh? Hoặc các doanh nhân Việt Nam thường sớm “chồn chân mỏi gối”, hài lòng với quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, ít người đủ tài, đủ sức để dựng nghiệp lớn? “Không hẳn như vậy”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định. Theo ông Hiếu, trong xu hướng hội nhập và với sự trợ giúp của công nghệ thông tin, nhà đầu tư có thể bỏ vốn vào sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả mà không cần thuê nhà, đưa vợ con sang Việt Nam sinh sống và làm việc như trước đây. Trong khi đó, có khá nhiều lý do khiến các doanh nghiệp nội muốn thực hiện M&A với đối tác nước ngoài, từ thỏa mãn nhu cầu vốn, nâng cao kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho đến mở rộng thị phần, tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực mới, phát triển mạng lưới phân phối… Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Quang Bảo, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC). “Bán cổ phần, sáp nhập với doanh nghiệp nước ngoài không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt từ bỏ kinh doanh, mà có thể là chiến lược chủ động của họ” - doanh nhân này nhận định. Trên thực tế, sự gia nhập mạnh mẽ của các nhà đầu tư ngoại hiện nay là điều đáng mừng, bởi nó góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp nội. Dù rằng, ông Nguyễn Quang Bảo lưu ý, vẫn cần có những giải pháp quản lý nhất định trong một số trường hợp “nhạy cảm”.
Điều đáng quan tâm hơn hiện nay, theo nhiều chuyên gia, chính là tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn vẫn rất ì ạch. Chỉ có 52 doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa năm 2016 , bằng 25% số doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ đạt 20 doanh nghiệp, bằng 76% so với cùng kỳ năm 2016. Theo báo cáo của Chính phủ, số doanh nghiệp cổ phần hóa đạt 96,3% nhưng phần vốn Nhà nước bán ra rất thấp, chỉ đạt 8%. Về thoái vốn Nhà nước, năm 2016, giá trị thoái vốn cả về sổ sách và giá trị thị trường đều giảm so với năm 2015…