Mê hoặc giới trẻ
Đưa con vào điều trị tại Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương 1, ông Nghiêm Hoàng T. (Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng khi cho biết: “Sau 3 ngày bỏ nhà đi chơi, khi về, con tôi như hóa điên. Lúc thì ngồi ủ rũ khóc một mình, lúc thì gào thét, đập phá đồ đạc, đuổi đánh mọi người, kể cả bố mẹ”.
Tại BV Tâm thần Trung ương 1, so với cách đây 5 năm thì số người trẻ tuổi nghiện ma túy tổng hợp được gia đình đưa tới để điều trị các bệnh về thần kinh tăng gấp 8 - 10 lần, nhiều trường hợp bệnh rất nặng, lúc nào cũng tưởng có người đuổi đánh, dọa giết hoặc chỉ muốn tự tử.
Theo Ủy ban quốc gia Phòng chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm, tới nay cả nước có hơn 222.580 người nghiện có hồ sơ quản lý. Trong đó, báo cáo từ 21 địa phương có thống kê, phân loại thì số người sử dụng ma túy tổng hợp là hơn 15.445 người (chiếm 46% số người sử dụng ma túy). Đặc biệt, một số địa phương có tỷ lệ trên 80% như: Trà Vinh 90,7%; Đà Nẵng 86%; Quảng Trị 84%...
Nghiên cứu của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng cũng cho thấy, tuổi bắt đầu sử dụng ma túy đá của nhiều thanh thiếu niên sống ở Hà Nội, Hải Phòng và TPHCM là từ 16,4 - 17,3 tuổi. Cùng với việc “đập đá”, không ít em có xu hướng quan hệ tình dục tập thể khiến nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh xã hội khác trong nhóm này khá cao.
Lực lượng chức năng khống chế một đối tượng “ngáo đá” gây rối
an ninh trật tự. Ảnh: T.L
an ninh trật tự. Ảnh: T.L
Tệ nạn sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng phức tạp. Nếu như trước đây, các đối tượng sử dụng ma túy đá chủ yếu tụ tập đến các điểm công cộng như vũ trường, bar, nhà hàng có sử dụng nhạc mạnh và tập trung ở các quận nội thành tại các thành phố lớn, thì nay đã lan sang các điểm kín đáo như quán karaoke, nhà nghỉ ở ngoại thành. Thậm chí ma túy tổng hợp cũng đã xuất hiện và được sử dụng ở một số khu công nghiệp.
Quan tâm đến cai nghiện tại cộng đồng
Theo các chuyên gia y tế, ngoài các loại ma túy truyền thống như thuốc phiện và heroin thì ma túy tổng hợp có rất nhiều loại, tên gọi khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là Amphetamine, với tên thường gọi là “hàng đá” hay “thuốc lắc”. Hiện nay, người nghiện các chất dạng thuốc phiện còn có Methadone hay một số loại thuốc khác để hỗ trợ điều trị cai nghiện, còn người nghiện ma túy tổng hợp thì gần như là vô phương cứu chữa.
Ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho biết hiện trên thế giới, số lượng ma túy tổng hợp có trên 600 loại. Nguy hiểm hơn, tốc độ sản xuất ma túy tổng hợp loại mới rất lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi để tiếp cận với người nghiện, nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn trong việc nghiên cứu để tìm ra được những loại thuốc điều trị thay thế cho ma túy tổng hợp.
Đối với người nghiện ma túy, việc hỗ trợ cai nghiện là giải pháp cơ bản để họ tái hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, các hình thức cai nghiện được áp dụng phổ biến hiện nay đều bộc lộ sự bất cập.
Theo bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, công tác cai nghiện tại cộng đồng được chỉ đạo quyết liệt nhưng gặp nhiều khó khăn, nhất là với người nghiện ma túy tổng hợp (chiếm khoảng 60% - 70%) do họ dễ bị kích động, loạn thần, không làm chủ được hành vi nên không tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng.
Trong điều trị cho người nghiện ma túy, đặc biệt là ma túy đá thì yếu tố quan trọng nhất là gia đình và cộng đồng. Những bệnh nhân có gia đình quan tâm tận tình, phối hợp chặt chẽ với bác sĩ thì kết quả điều trị tốt hơn rất nhiều.
“Về cơ bản là phải tách người nghiện ra khỏi môi trường có thể mua, tiếp cận được với ma túy, tách họ khỏi bạn bè có thể rủ rê họ dùng ma túy. Đồng thời người thân nên gần gũi, chia sẻ, thông cảm với họ, không để họ bị suy sụp, buồn chán, dẫn đến suy nghĩ phải đi tìm ma túy tổng hợp để “kích” tinh thần tăng lên”, bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, cho biết.
Lễ ra quân hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy”, “Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng chống ma túy 26-6” năm 2018 của TPHCM vừa được tổ chức, với chủ đề “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ khỏi hiểm họa ma túy”.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, kêu gọi phát huy các nguồn lực, đẩy mạnh phong trào phát hiện, tố giác tội phạm, đấu tranh chuyển hóa địa bàn, triệt phá các tụ điểm về ma túy; tăng cường quản lý, giáo dục và chăm sóc thanh thiếu niên tại địa phương, cộng đồng dân cư, không để các em bị lôi kéo vào việc mua bán, tàng trữ và sử dụng trái phép các chất ma túy. Bên cạnh đó, không có thái độ kỳ thị, xa lánh đối với người nghiện ma túy và gia đình họ; huy động sự tham gia của cộng đồng thông qua việc kết nối, tạo điều kiện cho người cai nghiện được học nghề, giới thiệu việc làm, tham gia các hoạt động, giúp họ sớm hòa nhập cộng đồng…