Ma túy bủa vây giới trẻ - Bài 2: Khóc hận với “bóng cười”

Trên địa bàn TPHCM, không khó bắt gặp hình ảnh các dân chơi tụ tập thổi “bóng cười” (khí dinitrogen monoxide, còn gọi là khí N2O), hay dùng các chất kích thích như cắn ke, hút shisha (còn gọi là “thuốc lào Ả Rập”) tại các quán cà phê, quán bar…
Các bạn trẻ vô tư hít bóng cười tại bar DRAMA và LEO coffee. Ảnh: QUANG HUY
Các bạn trẻ vô tư hít bóng cười tại bar DRAMA và LEO coffee. Ảnh: QUANG HUY

Điểm hẹn

Một trong những điểm hẹn ưa thích của những tín đồ “bóng cười” là khu phố Tây phường Phạm Ngũ Lão, quận 1. 

22 giờ đêm một ngày giữa tháng 10, khu phố Tây tấp nập người, chúng tôi đi thẳng vào bar DRAMA (số 1 Bùi Viện). Nhân viên đon đả chào hỏi và gợi ý không chút e dè: “Uống cà phê thì ngồi dưới này; muốn hút shisha, chơi “bóng” thì lên lầu”. 

Theo hướng dẫn của nhân viên, chúng tôi lên lầu. Lầu chính là bar. Lầu nối với tầng trệt bởi cầu thang hẹp ở góc phòng. Khi cửa cách âm mở ra, một thế giới hoàn toàn khác đập vào mắt chúng tôi: tiếng nhạc chát chúa, ánh đèn màu chớp nháy liên tục, không khí nặng mùi ngai ngái trong hơi men, khói thuốc, khói shisha...

Bar ken đặc người, bàn sát bàn. Khoảng 200 người, chủ yếu là nam nữ thanh niên, đứng lắc lư trong tiếng nhạc mix thình thịch đầy phấn khích. Nhiều nhóm 3-4 người ngồi bàn riêng. Mặt bàn nào cũng la liệt bia, rượu, shisha, bóng cười… 

Một cô gái trẻ chỉ trong vòng 10 phút đã gọi liên tiếp 5 trái bóng. Miệng ngậm bóng, cô hít vào, thở ra liên tục cho đến khi trái bóng chỉ còn là cái vỏ xẹp lép. Vừa hít bóng, cô gái vừa lắc lư, mắt lim dim mơ màng. Thổi hết 5 trái bóng, cô gái đứng dậy, lảo đảo đi vào toilet; lúc đi ra, trên miệng vẫn là trái “bóng cười”.

Cách đó không xa, một cặp nam nữ chừng 18-20 tuổi cũng hít bóng cười sau khi đã kéo nhiều hơi shisha. Động tác của nam thanh niên khá thành thục, tay phải cầm chặt miệng bóng, tay trái đỡ phía dưới bầu bóng, từ từ ngậm trái bóng vào miệng rồi hít vào, thở ra liên tục, ánh mắt lờ đờ như mơ ngủ. Sau khi hít, nam thanh niên thả mình ra ghế, nhìn chăm chăm vào bạn gái, rồi lắc lư theo nhạc, ra chiều “phê” lắm... Cô gái trẻ đi cùng có vẻ như mới lần đầu hít “bóng cười” nên khá lóng ngóng khi làm theo hướng dẫn của chàng trai. Vừa hít được vài hơi, cô gái có biểu hiện chóng mặt và nôn ói, nhưng ngay sau đó cười không ngớt kèm theo hành động hưng phấn tột độ, hò hét, ôm hết người này tới người kia… Càng về khuya, nhiều thanh niên bắt đầu gục xuống bàn hoặc ôm bạn lắc lư, cười điên dại, xung quanh la liệt vỏ bóng. 

Gần DRAMA, quán cà phê LEO coffee, cũng là điểm hẹn của giới trẻ. Không gian nơi đây có vẻ tĩnh lặng, nhưng bước chân vào phía trong, khác hẳn. Hơn chục thanh niên nam nữ ngồi, nằm, ôm eo nhau... Trên miệng họ ngậm đầu trái “bóng cười”, thi nhau hít vào thật sâu, rồi thở vào cho trái bóng to lên. Họ lặp đi lặp lại như vậy để quả bóng căng phồng rồi cuối cùng là xẹp lép. Khi đó, lượng khí N­2O đã xâm chiếm khắp cơ thể. Có bạn trẻ hít xong mồ hôi vã ra như tắm. Nhiều thanh niên phấn khích, cười nói bất tận, chìm đắm cuộc vui, bất chấp ngày mai.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cho biết:

Những dấu hiệu phụ huynh nhận biết con mình có thể sử dụng ma túy là: các em bị rối loạn giấc ngủ (ngủ ngày - thức đêm), mệt mỏi, rối loạn cảm xúc (cảm xúc không ổn định, dễ bùng nổ, dễ gây gổ). 

Người sử dụng nấm thần thì đồng tử sẽ giãn nở, mất khả năng nhìn, nên có thể bị mù tạm thời. 

Khi nghi ngờ, phụ huynh có thể kiểm tra bằng que thử mua ở các nhà thuốc. Nếu có kết quả dương tính với ma túy, nghĩa là các em đã sử dụng ma túy, cần nhanh chóng đưa con mình đến bệnh viện để điều trị”

Vùng vẫy khỏi lưới ma túy

Sau những cuộc vui bất tận, không ít bạn trẻ lờ mờ nhận ra sự đổi khác trong người thì đã muộn. Con đường từ thử đến thật, từ chơi cho biết đến lệ thuộc vào ma túy tổng hợp, từ thể hiện mình đến hủy hoại chính bản thân mình - hóa ra thật ngắn. T.H.T. (ngụ quận 8, TPHCM), mới 25 tuổi, đã có 7 năm mắc kẹt với ma túy tổng hợp. Cũng như các bạn trẻ quen tụ tập tối ngày và tập tành sử dụng ma túy với lời cam kết của bạn bè rằng “không nghiện đâu, thử một lần đi”, T.H.T. thử. 

Bữa đó, T.H.T. đưa vô miệng một chút nho nhỏ màu trắng như đường phèn. Sau đó, người T.H.T hưng phấn lạ kỳ, cảm giác làm gì cũng được. T. vui chơi bất tận cùng đám bạn. “Qua hôm sau, “thuốc” (ma túy tổng hợp - PV) hết, người rã rời, mệt mỏi. Em ngủ liền một mạch 2 ngày trời, chỉ muốn nằm trên giường, không muốn động chân, động tay làm bất cứ việc gì. Lúc này, em thấy rợn lên trong người một nỗi sợ, nhưng lại nhớ đến “nó”, nhớ đến cảm giác phấn khích, sung sướng, vui vẻ khi xài “nó”,  T.H.T. nhớ lại lần đầu tiên sử dụng, vào 7 năm trước, với niềm hối tiếc. 

Rồi lần nọ nối tiếp lần kia, T.H.T. ngày càng “chơi” nhiều hơn, “đô” cao hơn. Nhưng khác những lần đầu, những cuộc vui về sau, nhiều khi T. không ngủ được. “Em nằm một chỗ, không muốn nói chuyện với ai, nằm suy nghĩ lung tung, không ra chuyện gì. Ai hỏi gì thì cộc cằn đáp lại”, T. mô tả về mình sau một thời gian chơi đủ các loại ma túy tổng hợp. Người T. gầy sọp, đầu óc không còn tỉnh táo. Mọi người trong gia đình thấy T. vắng nhà nhiều, khi về hay nằm thơ thẩn, cứ nghĩ T. có chuyện buồn phiền. Cho đến ngày, T. la hét ầm ĩ, kêu cứu mọi người bởi “có người uy hiếp, cầm dao đòi chém” thì mọi người mới vỡ lở - T. đã nghiện. 

Từ một thanh niên có công việc ổn định, làm điều hành ở một hãng taxi với mức lương 7 triệu đồng/tháng, T. bị mất việc, không còn thu nhập. Bạn bè, người thân và cả người yêu cũng xa lánh. T. mất tất cả, người “điên khùng” (chữ mà T. tự nói về bản thân). Cuối cùng, T. được gia đình đưa vào Cơ sở xã hội Nhị Xuân cai nghiện, ra vô 3 lần trong hơn 1 năm qua. 

Con đường từ đang có nhiều thứ đến mất tất cả của N.C.T. (37 tuổi, ngụ quận Bình Tân) cũng tương tự. Anh N.C.T. đang làm trang điểm, thu nhập rất khá và cũng theo lời bạn bè, anh thử “cho đầu óc thoải mái”. Nhưng, thoải mái một thì sau đó lại buồn hai. Song N.C.T. không dứt ra được. 

Từ đó, suốt 3 năm qua, anh bỏ bê công việc, thường xuyên “bay” cùng bạn bè, tới nhà nghỉ, khách sạn, hay nhà riêng của bạn bè. Ngắn thì 1-2 đêm, dài có khi đi miết cả tuần mới về. Cứ thế, trượt dài. 

Hiện nay, anh N.C.T. đang cai nghiện trong Cơ sở xã hội Nhị Xuân. Anh lý giải tình trạng tái nghiện của mình: “Ở trong này, có bạn bè, có thầy cô nên không nhớ gì đến ma túy. Nhưng khi trở về cuộc sống thường ngày, lúc vui thì không sao, lúc buồn rất khó trụ vững và lại tìm đến “nó” khỏa khuây. Mãi vẫn chưa dứt ra được”.

Ông Nguyễn Minh, Phó trưởng Khu tiếp nhận cắt cơn, Cơ sở xã hội Nhị Xuân (Lực lượng TNXP TPHCM) chia sẻ, khu đang tiếp nhận, cắt cơn cho khoảng 450 người, đa số là người trẻ, sinh từ những năm 1990 trở lại đây. Lượng người sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 70% số người nghiện ma túy mà cơ sở tiếp nhận. Các bạn trẻ sử dụng đủ các loại ma túy tổng hợp, gồm cả Cỏ Mỹ, “bóng cười” và đều cho rằng mình không nghiện. Chỉ khi bị ảnh hưởng thần kinh, không còn tỉnh táo thì mới vào cơ sở cai nghiện. 

“Nhiều bạn tuổi còn rất nhỏ, sau một thời gian xài ma túy tổng hợp đã không nhận thức được gì. Chén cơm ăn cũng bưng đổ đi. Quần áo thì không mặc, toàn để mình trần… Không ít học viên như Đ.T.N.H. cứ hốt hoảng cho rằng có người rượt sau lưng mình, có người nói trong tai mình. Họ đã không còn làm chủ được hành vi”, ông Nguyễn Minh nói. 
Khó phục hồi


Với kinh nghiệm nhiều năm giúp cai nghiện ma túy, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa, cho biết tỷ lệ người nghiện ma túy tổng hợp ngày càng nhiều và bệnh lý càng nặng. Cách đây 14 năm, mỗi năm, trung tâm chỉ đón 1-2 ca nghiện ma túy tổng hợp đến chữa bệnh. Những năm gần đây, số lượng tăng lên hàng trăm và chiếm đa số trong số người đến cai nghiện. 

Trở ngại trong việc cai nghiện ma túy tổng hợp, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, chính là nhận thức của người nghiện. Do hội chứng cai không rõ ràng, họ không biết là mình đã lệ thuộc vào ma túy, đa số không chịu đi cai nghiện. Thậm chí, có quan niệm dùng ma túy tổng hợp để… chữa nghiện heroin. 

Chính vì suy nghĩ ma túy tổng hợp không gây nghiện, nên khi nhận ra đã nghiện thì não bộ bị tổn thương nặng. Mức độ tổn thương, mức độ lệ thuộc vào ma túy tổng hợp tùy theo thời gian, liều lượng “đập đá”. 

“Khoảng 1/4 những người vào cơ sở Thanh Đa cai nghiện đã có biểu hiện tâm thần”, bác sĩ Duy cho biết. Những năm trước, người nghiện còn ở mức độ tâm thần nhẹ. Nay, học viên hung dữ, kích động khác thường; có khi ảo thị, ảo giác, ảo thính; có khi hoang tưởng, cứ “thấy” người khác đuổi bắt, truy sát mình. 

Trả lời cho việc điều trị người nghiện ma túy tổng hợp mất bao lâu thì hồi phục, bác sĩ Duy trầm ngâm: “Khó”. 
Theo bác sĩ Duy, thời gian để hồi phục có khi vài tháng đến vài năm, thậm chí nhiều năm cũng không hồi phục được, tùy mức độ và thời gian xài ma túy.


Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển, Bệnh viện Tâm thần TPHCM cũng cho hay, người dùng ma túy tổng hợp liều cao sẽ bị loạn tâm thần cấp (thường gọi là “ngáo đá”). Những người dùng liều lượng thấp tuy không bị “ngáo đá” nhưng nếu dùng trong thời gian dài (khoảng vài tháng) thì sẽ bị ảo thanh. Đi kèm với ảo thanh là chứng hoang tưởng, cho rằng bị theo dõi, bị hãm hại và quay trở lại tấn công người mà họ nghĩ muốn hại mình. Điển hình là vụ Trần Trọng Đạt (ngụ quận 10), trong cơn “ngáo đá” đã đâm chết hàng xóm của mình là bà T.T.Q. vì nghĩ bà Q. muốn hại mình; hay như vụ Nguyễn Văn Quý (ngụ quận Tân Phú) trong cơn “ngáo đá” đã vô cớ đâm chết ông T.Q.T. vì cho rằng ông T. giống một người có mâu thuẫn với Quý... 

Đáng lưu ý là não những người sử dụng ma túy tổng hợp có sự tổn thương nặng. Những tổn thương này điều trị chỉ hồi phục được một phần. Với những người sử dụng ma túy trong thời gian dài, khả năng hồi phục rất khó. Khi đó, họ sẽ sống chung với chứng ảo thanh, loạn thần.

Tin cùng chuyên mục