Bệnh gì cũng có sách
Không riêng gì chị Mai Anh, bất cứ ai có nhu cầu tìm hiểu cũng đều có cảm giác hoang mang và lúng túng trước “ma trận” sách sức khỏe. Sách về sức khỏe nam giới, nữ giới, trẻ em, về Đông y, Tây y… đều có tất. Thậm chí, chỉ riêng một căn bệnh cũng có hàng loạt sách liên quan. Điều đáng nói là những cuốn sách này được viết hoặc biên soạn bởi nhiều đối tượng tác giả khác nhau, từ bác sĩ, chuyên gia cho đến những tác giả nghiệp dư.
Khi căn bệnh ung thư ngày càng phổ biến ở Việt Nam, rất nhiều đơn vị trong nước cũng nhanh chóng thực hiện và xuất bản sách về căn bệnh này. Chỉ cần gõ từ khóa “sách ung thư” vào thanh tìm kiếm của Google, trong 0.26 giây đã cho ra 132 triệu kết quả. Mặc dù nhiều là vậy nhưng sách về ung thư vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Mới đây, thương hiệu sách Sống và NXB Dân Trí vừa giới thiệu đến độc giả cuốn sách Ung thư không phải là chết của tác giả Nguyễn Lê, nguyên là bác sĩ chuyên khoa gan mật truyền nhiễm (Bệnh viện 103, Học viện Quân Y). Sách là tự truyện của một bác sĩ mắc căn bệnh ung thư gan nguyên phát.
“Thông qua cuốn sách, tôi muốn truyền tải thông điệp về cách nhìn nhận bệnh ung thư, quả đáng sợ nhưng không hẳn là chết, cũng như nghị lực, cảm hứng sống cho người bệnh. Bởi vì, ung thư gan là một trong những bệnh ung thư nguy hiểm nhất, nhưng tôi vẫn có thể vượt qua và hơn 10 năm vẫn sống khỏe thì những người bệnh khác cũng có thể như vậy, thậm chí có thể có cơ hội nhiều hơn. Ngoài ra, bằng những trải nghiệm, kiến thức của mình, tôi cũng mong muốn người bệnh và người nhà của bệnh nhân có thêm những hiểu biết, kinh nghiệm để chống chọi hiệu quả với bệnh”, tác giả Nguyễn Lê chia sẻ về lý do ra đời cuốn sách.
Nhưng không phải cuốn sách sức khỏe nào trên thị trường cũng xuất phát từ trải nghiệm của chính tác giả như vậy.
Chỉ là nguồn tham khảo
Sách nhiều, bệnh gì cũng có nhưng thực tế không phải cuốn sách nào cũng đáng tin, cũng có thể thay bác sĩ. Mặc dù được tái bản nhiều lần nhưng bộ sách Nhân tố Enzym của tác giả Hiromi Shinya, nguyên Trưởng khoa Nội soi dạ dày của một bệnh viện lớn ở Mỹ, lại khiến không ít độc giả thất vọng.
Theo độc giả Nguyễn Liên, tác giả chỉ dùng một phần đúng của khoa học để suy ra nhận định của mình. “Cả cuốn sách, tác giả luôn nhắc về nghiên cứu trên nhiều bệnh nhân mà không hề dẫn chứng. Như vậy không xác thực. Tôi cũng không hiểu bằng chứng nào tác giả viết rằng lipid của loài động vật thân nhiệt cao khi vào cơ thể người liền bị đông lại”, độc giả Nguyễn Liên cho biết.
Tác giả, bác sĩ Nguyễn Lê nhận định, sách vở chỉ là lý thuyết, câu chuyện của mỗi người cũng chỉ là tham khảo, thực tế mỗi người bệnh là một vấn đề riêng biệt. Chính vì vậy, người bệnh hay người nhà bệnh nhân cần tăng cường tìm hiểu những kiến thức về bệnh, để có thể tự giúp mình, tự theo dõi, tự điều chỉnh và để trao đổi cùng bác sĩ điều trị. Mỗi một giai đoạn bệnh, mỗi cơ địa là khác nhau. Cho nên, sách cũng chỉ là nguồn tham khảo và rút ra những điều cần thiết cho riêng mình, chứ không thể áp dụng được hoàn toàn cho tất cả.
“Quan trọng là tìm kiếm được điều phù hợp nhất cho chính bản thân cơ địa và bệnh lý của mỗi người. Điều này không hề dễ. Nếu người bệnh cảm thấy có những thông tin, nhận thức mình chưa chắc, chưa rõ ràng nên trao đổi với bác sĩ điều trị của mình để có thêm lời khuyên cho chính xác. Nhất thiết phải trao đổi với bác sĩ điều trị hoặc các chuyên gia, không nên hỏi lung tung”, tác giả Nguyễn Lê nói thêm
“Điều quan trọng ở đây là bạn phải hiểu về con người của mình, biết mình muốn gì, đang tìm gì để lựa chọn cuốn sách phù hợp. Có 2 kênh để độc giả có thể lựa chọn những cuốn sách thực sự bổ ích và có giá trị, chính là tác giả và nơi làm sách. Bạn cần tìm hiểu tác giả là ai, có uy tín không, đã từng đọc chưa và có yên tâm về họ không. Thêm một kênh nữa là những người trực tiếp làm sách hay các đơn vị làm sách”, Tiến sĩ xã hội học và tâm lý học Phạm Thị Thúy cho biết. |