“Ma trận” phí bủa vây đầu năm học - Bài 1: Học sinh tiểu học “cõng” bao nhiêu loại phí?

Danh sách các khoản thu đầu năm học tại các trường không ngừng nối dài với vô số các khoản từ thu theo thoả thuận, thu hộ, đến quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường… Câu chuyện không mới nhưng vì sao cứ đến hẹn lại nổi lên? Đã đến lúc, nhà trường, ban đại diện và cả nhà quản lý cần hành động để giành lại một chữ tin.


Học sinh tiểu học vốn được miễn học phí nhưng kỳ thực khoản học phí được miễn không là bao khi so với các loại phí phải đóng. Ngoài những khoản thu chính danh, chính những khoản “vận động” trở thành giọt nước tràn ly khiến phụ huynh ngao ngán.

Học phí không bằng… phụ phí

Theo quy định, học sinh phải hoàn thành nghĩa vụ học phí cùng với bảo hiểm y tế. Ngoài ra, trường học còn được thu các khoản thu hộ chi hộ, thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh ở từng địa phương hoặc thu theo nghị quyết của HĐND từng tỉnh, thành để phục vụ cho hoạt động giáo dục như: Tiền ăn, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú; học phí buổi 2; nước uống học sinh; đồng phục… sẽ được áp dụng tùy từng địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, tất cả phải áp dụng mức thu theo quy định của đơn vị quản lý nhà nước (nếu có) hoặc phải có sự thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh.

Đặc biệt, trong các bậc học từ mầm non đến THPT thì tiểu học là bậc học được miễn học phí. Thế nhưng, đó là miễn học phí buổi 1 thôi, học sinh còn học buổi 2 và buổi 2 này thì có thu học phí. Đã thu học phí buổi 2 song nhiều môn học năng khiếu, tin học, Stem… học trong buổi 2 vẫn có thu phí. Nhiều phụ huynh có con em đang học tiểu học khẳng định, miễn thu học phí chính khoá chẳng đáng kể. Thậm chí, với điều kiện cơ sở vật chất cũng như kinh phí có giới hạn của trường công, việc miễn học phí lại dễ khiến phát sinh ra nhiều khoản thu khác để tổ chức hoạt động giáo dục, sinh hoạt như mong muốn.

Danh sách các khoản tạm thu tháng 9 (không có học phí chính khoá và chương trình tiếng Anh) của một học sinh tiểu học đang học tại quận 5 phải có đến 10 khoản. Trong đó, có các khoản thu theo văn bản, thu thoả thuận và thu hộ chi hộ như: tiền học 2 buổi/ngày, tiền học môn năng khiếu, tiền học Tin học, tiền học giáo dục Stem, tiền phục vụ bán trú, vệ sinh, thiết bị bán trú, nước uống, bảo trì- vệ sinh- điện máy lạnh, số báo bài, phù hiệu, phí sử dụng dịch vụ tiện ích của trường học thông minh... được chia theo tháng, theo học kỳ, theo đợt hoặc cả năm. Dĩ nhiên đó là các khoản thu được cho phép.

Thế nhưng, điều làm các phụ huynh “khó chịu” không phải là các khoản thu giấy trắng mực đen, mà là việc gợi ý mua những thứ nằm ngoài danh mục. Một phụ huynh có con đang học lớp 5 kể: "Trường vận động phụ huynh tự nguyện đóng góp để mua smart tivi cho con học sinh động hơn. Nhưng yêu cầu là mua đồng bộ cùng loại và 65 inch với mức giá khá cao, vị chi ra mỗi phụ huynh đóng góp hơn 1 triệu đồng. Đầu tư cho con học sinh động hơn, tôi không tiếc nhưng không hợp lý vì nếu mua để học thì mua loại nào cũng được sao phải đồng bộ. Huống hồ học sinh cuối cấp đầu tư học xong rồi tháo ra nên đồng bộ là không cần thiết. Đó là chưa kể chi phí quá cao. Không chỉ tôi mà nhiều phụ huynh trong lớp cũng không đồng ý nên chưa thấy triển khai".

Không còn là cá biệt, giờ đây khi một đứa trẻ đi học sẽ “cõng” những khoản phí phải đóng, có thể đóng, đóng cho xong…đang dần bỏ xa học phí. Dư luận tại Hà Tĩnh cũng râm ran với những khoản thu tại một số lớp 1 bao gồm cả tiền bàn ghế, tiền bảng, quỹ lớp, rèm cửa… Ở những vùng quê, những khoản tiền này sẽ trở thành gánh nặng không nhỏ cho người học. Đáng nói hơn khi đây không phải là những khoản mà người học phải chịu trách nhiệm đầu tư.

Trình bày: HỮU VI

Tự nguyện theo kiểu “đồng phục”

Từ lâu, nhiều nhà giáo dục đã chỉ ra rằng nguyên nhân khiến phụ huynh và dư luận bức xúc với các khoản tiền trường phần lớn nằm ở những cuộc vận động của Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS). Nhiều nơi, với cách làm thiếu minh bạch và bài bản đã biến những mong muốn ban đầu là hỗ trợ thầy cô, cải thiện điều kiện học tập cho con trở thành những cuộc đua méo mó, không hồi kết. Chỉ 1 tháng sau ngày khai giảng, những bảng dự thu “khủng” không ngừng lộ diện trên khắp cả nước. Tại TPHCM, có những lớp cần đến vài ba trăm triệu đồng để chi cho các hoạt động của lớp. Để duy trì hoạt động giáo dục chất lượng, đó là những công trình thật sự cần thiết hay bày vẽ?

Dù đã có quy định nhưng Ban đại diện CMHS thường vận động cả những khoản cấm. Những cuộc vận động đổ đồng khoản đóng góp, mua sắm vượt quá nhu cầu sử dụng thông thường… đã biến sự tự nguyện của phụ huynh trở thành gượng ép, bất khả dĩ.

Các khoản thu, vận động đầu năm tùy thuộc vào từng lớp, trường. Thông thường, trước khi họp phụ huynh học sinh lớp, nhà trường hoặc chủ nhiệm có “bàn” với Ban đại diện về các khoản thu xã hội hóa nhằm hỗ trợ thêm cho nhà trường, lớp trong hoạt động dạy - học như: tổ chức khen thưởng học sinh, hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm, tặng quà thăm viếng thầy cô dịp lễ tết, mua sắm các trang thiết bị cho lớp hoặc công trình cho trường… Cũng có Ban đại diện tự đề xuất công trình này nọ nhưng thông thường thì cũng hỏi ý của giáo viên hoặc ban giám hiệu…

Đó có thể chỉ là những trường hợp đơn lẻ nhưng cũng đủ để chúng ta thấy vấn đề cần phải được giải quyết tận gốc, nếu không sẽ lan nhanh. Mới đây thôi, một phụ huynh của Trường tiểu học Tân Phú Trung (Củ Chi) cũng bức xúc với việc được gợi ý phụ huynh các lớp mua tivi 50 inch gắn cho con học. Rồi Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) có vài lớp dự toán lên đến tiền trăm triệu với những khoản đủ làm dư luận xôn xao. Đến lượt bảng dự trù kinh phí hoạt động của hội phụ huynh lớp 1/3, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 7) trong năm học 2022-2023 thì thật sự choáng váng. Bảng dự toán mà phụ huynh đưa ra có tổng các mục cần chi dự kiến là 130,2 triệu đồng, trong đó kinh phí để chăm sóc giáo viên và bảo mẫu cùng lãnh đạo trường hết hơn 100 triệu đồng...

Còn bảng danh sách các khoản thu học kỳ 1 của lớp 4/5 Trường tiểu học Lê Văn Thọ (quận 12) thì có đến 21 khoản cần phải đóng, trong đó có khoản Kế hoạch nhỏ theo mức từ Chiến sĩ đến Hiệp sĩ Kế hoạch nhỏ sẽ đóng góp từ 20kg giấy đến 100 kg giấy, tương ứng với mức tiền đóng từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng/học sinh. Ngoài ra còn có khoản đóng tiền mua Báo Nhi đồng (141.000 đồng/học kỳ), báo Rùa Vàng (125.000 đồng/học kỳ), tiền phong trào (230.000 đồng), công trình măng non (50.000 đồng), quỹ phụ huynh (300.000 đồng), tiền trang trí lớp, vệ sinh… Tổng số tiền phụ huynh cần đóng là 3.418.000 đến 3.618.000 đồng nếu phụ huynh muốn đóng góp cho Kế hoạch nhỏ theo cấp độ Chiến sĩ hay Hiệp sĩ…

Sau khi nhận được phản ánh, nhà trường cho rằng phong trào Kế hoạch nhỏ là học sinh tự bán giấy rồi mang tiền đến lớp đóng góp cho phong trào. Việc quy đổi theo trọng lượng tương ứng với số tiền là sai. Khoản tiền tài trợ giáo dục là có nguyên tắc tài trợ riêng, đã có kế hoạch được Phòng GD-ĐT quận phê duyệt, trên tinh thần tự nguyện... Vì thế, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm rà soát lại các khoản thu mà phụ huynh đưa ra, những khoản nào không đúng quy định cần phải trả lại và có lời xin lỗi.

Đa phần sau mỗi sự vụ đều có rút kinh nghiệm, trả lại những khoản thu không hợp lý và xin lỗi phụ huynh. Nhưng mỗi khi một công trình, bản dự toán, dự thu… bị vỡ lở đã một lần sứt mẻ niềm tin. Ở đó, người ta đâu chỉ chê trách, phê phán những phụ huynh “nhiệt tình”. Vì không biết nên im lặng hay sự ngó lơ của nhà giáo dục cũng cần phải đặt một dấu hỏi lớn. Bởi, hơn ai hết, những nhà sư phạm phải hiểu rằng, đằng sau một khoản thu đâu chỉ là chuyện đồng ý thì đóng, không tự nguyện thì thôi, nó còn có câu chuyện của một đứa trẻ, một gia đình trong môi trường học đường bình đẳng.  

Trình bày: HỮU VI

Tin cùng chuyên mục