Ma trận học làm giàu - Bài 1: Tôi đi học làm giàu

Lớp học, khóa học, hội thảo… nói về làm giàu nhiều vô kể, nhưng liệu có mấy người kịp hiểu câu nói: “Muốn nhanh thì phải từ từ?”.

LTS: Xã hội hiện đại, mang đến nhiều thuận lợi, đặc biệt là người trẻ trưởng thành trong môi trường đầy đủ tiện nghi. Tuy nhiên, đi kèm với đó là không ít áp lực vô hình khiến bạn trẻ dễ đặt niềm tin vào những câu chuyện quá sức. Và “học làm giàu” là một trong số những điều quá sức đó…

Ma trận học làm giàu - Bài 1: Tôi đi học làm giàu ảnh 1 Những mẩu quảng cáo mời học làm giàu
Háo hức học làm giàu


Cậu bạn tên T. giới thiệu sinh năm 1997, học chuyên ngành cơ khí và hiện làm giám định, kiểm tra chất lượng cho một hãng sơn nước. “Hiện mình đang nghiên cứu về chứng khoán, hy vọng bữa nay sẽ tìm được bí quyết đầu tư”, T. nói.

Dứt lời giới thiệu với tôi, T. hỏi lớn: “Ở đây, có bạn nào là Ayper không?” (tên gọi của các học viên tham gia khóa học kỹ năng trước đó). Nhận được cái lắc đầu, T. kể tiếp: “Tôi học xong khóa đó rồi nhưng lúc cơ sở còn bên Đặng Dung, thấy cũng hay. Bữa nay, tham gia thử lớp này xem diễn giả chia sẻ thế nào, lớp trước toàn diễn giả giỏi”. Một bạn khác ngồi kế T. chen lời: “Khóa đó tôi cũng có học, nhưng nửa chừng bỏ. Cũng vừa mới nghỉ việc nên tìm đến buổi học thử này”. 

Bàn bên cạnh tôi, nhóm 5 người gồm 3 sinh viên và cặp vợ chồng 35 tuổi. Nói về lý do đến buổi học thử này, anh D. (35 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TPHCM) hào hứng: “Tôi thấy sự kiện trên Facebook có tên là “Mua nhà trước năm 35 tuổi” nên đăng ký vợ chồng cùng tham gia, để tìm hiểu cách đầu tư và có thể mua nhà ở TPHCM”. Chị L. (vợ anh D.) cũng hào hứng không kém: “Hy vọng qua buổi học hôm nay, chúng tôi có thể kiếm tiền nhiều hơn”.

Thành viên nhỏ tuổi nhất lớp học - Đ. sinh viên năm nhất Trường Đại học Tài chính Marketing, cũng góp lời: “Em học năm 1 thôi nhưng đã mở tài khoản chứng khoán rồi, em tin mình sẽ giàu, hy vọng diễn giả hôm nay sẽ chia sẻ nhiều về kinh nghiệm đầu tư chứng khoán”.

Lớp học thử nhận khách mời khá hạn chế, chỉ khoảng 10 người trở lại và người đăng ký đến sau 9 giờ 5 phút hoàn toàn không được tham dự lớp học. Theo lý giải từ các tư vấn viên của trung tâm, phải theo buổi học xuyên suốt mới có thể hiểu được hết ý diễn giả chia sẻ. Người đăng ký nếu đến trễ sẽ không theo kịp và diễn giả cũng rất khó tính, không đồng ý nhận khách đến trễ.


Ảo giác giàu có

Bắt đầu buổi học với phần giới thiệu tên và làm quen giữa diễn giả với học viên khá quen thuộc như những lớp học khác. Mỗi học viên được diễn giả hỏi mục đích khi đến lớp muốn tìm hiểu tài chính, tiết kiệm hay đầu tư để có thể chia sẻ nội dung phù hợp với nhu cầu từng người.

Giáo trình của buổi học được diễn giả giới thiệu mua từ Singapore và Việt hóa bằng cách chơi game ứng dụng, lớp học như một thị trường thu nhỏ. Người học nhập vai, tương tác trực tiếp từ kiếm tiền, mua bán, đầu tư, như cách tính toán tiền lương, đóng thuế thu nhập cá nhân, chi tiêu… Mọi hoạt động trong lớp đều mang lại tiền cho người chơi và theo số thứ tự ngồi trong lớp mỗi người sẽ có một công việc như: giáo viên, chủ cửa hàng thực phẩm, nhân viên ngân hàng… và được trả lương 300-600 USD (tiền trong game mang tính tượng trưng, không phải tiền thật và được thu lại vào cuối buổi học).

Với những câu hỏi đơn giản như “Hôm nay là thứ mấy?”, “Chúng ta đang ở địa chỉ bao nhiêu?”, “Trong phòng có bao nhiêu bạn nam?”, “Điểm khác nhau giữa sinh viên và người đi làm?”… Mỗi câu trả lời người học nhận được ngay 100 USD và nếu trả lời sai cũng nhận được 20 USD khích lệ và nếu dùng “thẻ ưu tiên” thì số tiền thưởng sẽ được nhân đôi, nhân ba.

Một đoạn clip trình chiếu trên màn hình bằng tiếng Anh, nội dung chia sẻ về công thức làm giàu gồm “kiếm tiền, tiết kiệm và đầu tư”. Tuy nhiên, trước khi đoạn clip bắt đầu, một nội dung cảnh báo khiến tất cả mọi người trong lớp đều chú ý: “Cẩn trọng trước khi xem vì nội dung này sẽ giúp bạn trở nên giàu có và rất rất giàu”. Diễn giả tên Đ. nhấn mạnh: “Các bạn lưu ý đây là cách làm giàu bền vững và lâu dài, chứ không phải hô hào như đa cấp”. Đoạn clip kết thúc, tôi vẫn chưa hiểu cụ thể cách đầu tư thế nào để làm giàu. Diễn giả bắt đầu đặt những câu hỏi về nội dung clip và liên tục tung ra 100 USD cho mỗi câu trả lời đúng.

Tiếp đến là câu chuyện các tỷ phú trên thế giới, rồi những người giàu nhất ở Việt Nam, khối tài sản hàng tỷ USD liên tục được nhắc đến, nhưng cách thức để đầu tư là gì vẫn chưa được hé lộ? Cuối buổi học, mỗi người được phát một phiếu ghi chép, tổng kết xem mình đang có bao nhiêu tiền và bắt đầu dùng số tiền này để đấu giá một phần bánh và kẹo do diễn giả đưa ra. Một “ảo giác giàu có” bắt đầu khi ai cũng có trong tay từ 1.000 USD trở lên.

Học viên tổng kết tài sản có được sau buổi học thử để bắt đầu đấu giá

Buổi học thử kết thúc, ngoài những từ ngữ “giàu có”, “thành công”, “quản lý tiền bạc”, “đầu tư”, “lợi nhuận”… liên tục được nhắc đi nhắc lại, hoàn toàn không có một định hướng hay tư vấn nào cụ thể theo nhu cầu của từng người học mà diễn giả đề ra ngay từ đầu.

Diễn giả ra phía sau lớp học, dành cho chúng tôi 2 phút để quyết định ra về hoặc ngồi lại nghe chia sẻ cụ thể hơn về khóa học đầu tư tài chính cá nhân của trung tâm. Trong 9 người học, 3 người ra về, 6 người ngồi lại có cả tôi với hy vọng có thể tìm một câu trả lời cụ thể về chuyện đầu tư và làm giàu.

Một bảng thống kê cách tiết kiệm tiền lương và đầu tư để sinh lợi nhuận được diễn giả chiếu trên màn hình. Ở mốc 25 tuổi, tài sản hơn 100 triệu đồng và khi về hưu ở tuổi 60, con số hơn 200 tỷ đồng. Theo diễn giả, đây cách tính của lãi kép và nếu biết cách đầu tư, không chỉ người học có thể mua nhà trước năm 35 tuổi mà còn có thể về hưu bất cứ lúc nào mình muốn vì chuyện kiếm tiền không còn là áp lực. Cách để đầu tư thêm được tiết lộ đơn giản: “Chứng khoán, bất động sản, tiền điện tử hoặc khởi nghiệp kinh doanh”; còn vận hành cụ thể thế nào hay mã cổ phiếu nào tiềm năng, bất động sản nào đang là xu hướng… vẫn là một ẩn số hứa hẹn trong khóa học đầu tư tài chính cá nhân với mức học phí 10,5 triệu đồng/16 buổi.

Phía ngoài lớp học, có sẵn đội ngũ tư vấn hỗ trợ, nếu ai muốn ghi danh vào khóa học và vay vốn để đóng học phí. Về phía giảng viên vẫn không quên nhắc đi nhắc lại với chúng tôi đây là cách đầu tư và làm giàu bền vững, điển hình như người sáng lập trung tâm này đã có tài sản 2 triệu USD. 

Gần 3 giờ ngồi học, không ít lần tôi hỏi về công việc, thông tin liên lạc của diễn giả với mục đích kết bạn qua mạng xã hội, nhưng bị từ chối. 

Nâng tầm thuật ngữ

Vẫn là buổi học thử về quản lý tài chính cá nhân tại một trung tâm có địa chỉ trên đường Đinh Tiên Hoàng (quận Bình Thạnh, TPHCM) như trên, tuy nhiên buổi học thử hôm nay được thay đổi tên là “Đừng mong kiếm nhiều tiền, nếu…”. Diễn giả giới thiệu là giám đốc đào tạo của trung tâm và đồng sáng lập một chuỗi cửa hàng bán sữa với hơn 20 cửa hàng phân phối. 

Buổi học vẫn xuyên suốt với chuyện kiếm tiền, tiết kiệm và đầu tư để làm giàu. Khái niệm đầu tư và giàu có được vẽ ra liên tục nhưng một công thức cụ thể để người học có thể vận dụng vẫn không được hé lộ. Những khối tài sản triệu USD, tỷ USD của các tỷ phú trên thế giới cùng câu chuyện làm giàu hay dạy con cái làm giàu của họ liên tục được diễn giả chia sẻ. Những cuốn sách dạy làm giàu nằm trong top best seller cũng được diễn giả nhắc đến và khuyên chúng tôi nên tìm đọc, sẽ thay đổi rất nhiều cuộc đời mỗi người. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết diễn giả tên V., với chuỗi hơn 20 cửa hàng phân phối kia cũng chỉ là một khái niệm được phóng đại. Thương hiệu “S.X” do anh V. đồng sáng lập cùng bạn bè, fanpage trên mạng xã hội cũng là kênh mua bán online của thương hiệu này với hơn 9.000 lượt theo dõi và 20 cửa hàng phân phối kia chính là những quầy bán sữa kiểu “take away” (mua mang đi) trên các con đường trong thành phố.

Các diễn giả khác tại trung tâm này đa phần đều là người trẻ và được giới thiệu là chuyên gia, đồng sáng lập hay cố vấn doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực… Tuy nhiên, tên cụ thể của doanh nghiệp, công ty hay dự án thì vẫn là một ẩn số. Nhân viên tư vấn, phụ trách các khóa học tại đây đa phần là sinh viên hoặc mới ra trường, đã tham gia qua các khóa học của trung tâm và ở lại làm cộng tác viên.

Một bạn ngồi cạnh, ghé vào tai tôi hỏi: “Rồi rốt cuộc là diễn giả làm ở công ty nào vậy? Sao không giới thiệu rõ mà cứ úp mở”. Tôi lắc đầu, nói: “Cũng không biết nữa, bạn ở lại nghe tiếp về khóa học không?”. Cô bạn quyết định ra về: “Học thử nhiêu đây đủ rồi, cũng không có thêm kiến thức gì mới lắm, em không đăng ký khóa học chính thức đâu, nên thôi…”.

Với từ khóa “khóa học làm giàu”, “lớp học làm giàu” trên Google, chúng ta có 21-28 triệu kết quả. Phần lớn các khóa học được giới thiệu bằng những tên gọi khiến người ta khó mà bỏ qua được, như: “Học làm giàu - Con đường thành công”, “Bậc thầy tâm lý dạy làm giàu”, “Khoa học làm giàu”, “Kiếm tiền dễ như chơi”… 

Các lớp học từ miễn phí đến mức giá tầm 500.000 đồng hoặc tiền triệu cho vài buổi hoặc một tuần học. Khi truy cập vào các link đăng ký học online, ưu đãi liên tục hiện ra để chào mời khách đăng ký như “giảm 50% học phí”, “chỉ còn 20 suất ưu đãi giảm giá”.

Tin cùng chuyên mục